Phát triển kinh tế tư nhân: Bước chuyển nhịp nhàng từ nhận thức đến hành động

TS. Nguyễn Đức Kiên-Thanh Thủy

Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành động lực quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã nêu ra được những chủ trương lớn để khẳng định KTTN là một bộ phấn cấu thành của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Kinh tế tư nhân được phát triển trong mọi ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013. Đồng thời Nghị quyết cũng có mối liên hệ sâu sát, hữu cơ với các Nghị quyết về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) và phát triển doanh nghiệp (DN) Nhà nước (DNNN) để đề ra những giải pháp khuyến khích KTTN mua cổ phần, góp vốn vào DNNN để dần thay thế DNNN, thay thế phần vốn Nhà nước trong DN hoạt động tại những ngành, lĩnh vực mà KTTN có thể đảm nhận được. 

Mục tiêu của Nghị quyết là phấn đấu nâng cao hiệu quả kinh doanh của khu vực KTTN, bảo đảm duy trì được tốc độ tăng trưởng cao của khu vực này, đồng thời gắn với nâng cao năng suất lao động và ứng dựng khoa học công nghệ.

Trên cơ sở phân tích các tồn tại và yếu kém trong 15 năm thực hiện phát triển KTTN, chúng ta đã có những bước đi phù hợp, nhưng với tốc độ còn chậm so với yêu cầu phát triển của đất nước.

Ngay từ năm 2011 khi triển khai Cương lĩnh xây dựng nước Việt Nam công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Đảng, các cơ quan lập pháp đã nắm bắt tinh thần tiếp tục đổi mới, đánh giá đúng tầm quan trọng của kinh tế tư nhân trong quá trình phát triển của đất nước, nên đã khẩn trương sửa đổi nhiều luật quan trọng liên quan đến điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân như Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN phát triển.

Sự đổi mới trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014 là một bước thể chế hoá quan điểm quan trọng của Cương lĩnh 2011 và Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân, của DN, khẳng định bằng luật, người dân và DN được tự do đầu tư kinh doanh. Các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ được áp dụng các biện pháp hạn chế kinh doanh theo quy định của luật.

Trên tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, các cơ quan quản lý Nhà nước đã chủ động ngay từ giữa năm 2016 xây dựng các kế hoạch hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm hỗ trợ cho KTTN phát triển.

Để giúp các DN tư nhân hệ thống hoá được các chính sách ưu đãi của Nhà nước trong quá trình áp dụng khoa học công nghệ và tiếp nhận thành tựu mới ứng dựng vào sản xuất ở Việt Nam, chúng ta đã tiến hành nghiên cứu sửa để hoàn chỉnh, thông qua Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi (được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XIV tháng 6/2017). Luật đã mở ra những hướng ưu đãi cho các DN không kể thành phần kinh tế khi tiếp nhận các tiến bộ khoa học công nghệ trên thế giới áp dụng vào Việt Nam.

Đặc biệt Luật có những điều khoản nhằm hỗ trợ trực tiếp cho các DN nhỏ và vừa khi tham gia tìm hiểu thị trường giấy phép công nghệ thế giới để có thể mua được những công nghệ phù hợp với năng lực, trình độ quản lý và sử dụng, nhưng đồng thời bảo đảm bảo vệ môi trường làm việc và môi trường sống.

Để tạo lập và hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho phát triển KTTN, ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc gặp toàn thể các DN Việt Nam và ban hành Chỉ thị 20/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DN. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Quốc hội để Quốc hội thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Bằng cả các biện pháp hành chính và các biện pháp xây dựng thể chế, các cơ quan quản lý Nhà nước đã chủ động vào cuộc ngay khi Nghị quyết vừa được ban hành. Điều đó chứng tỏ sự chuẩn bị và phối hợp kịp thời, nhuần nhuyễn giữa cơ quan ban hành Nghị quyết và các cơ quan tổ chức thực hiện, trên cơ sở thống nhất về hiện trạng để cùng nhau đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn.

Để có các giải pháp nhằm bảo đảm phát triển một hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ, tăng cường khả năng cạnh tranh của các DN Việt Nam, Quốc hội đã tiến hành giám sát việt thực hiện hình thức đối tác công-tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, mà đặc biệt là lĩnh vực giao thông đường bộ.

Trong tháng 8/2017, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao”, trong đó chỉ ra 13 tồn tại, bất cập trong việc thực hiện hình thức đầu tư đối tác công-tư và đưa ra 6 nhóm giải pháp để khắc phục.

Các giải pháp tập trung vào hoàn thiện các chính sách, hệ thống pháp luật về cơ chế hợp tác công tư, bảo đảm hài hoà lợi ích của người dân, của DN và Nhà nước.

Các cơ quan của Chính phủ cũng đã tổ chức đánh giá và tổng kết tình hình thực tiễn sau 3 năm triển khai Luật Đất đai và chương trình xây dựng nông thôn mới để đưa ra được những giải pháp phục vụ phát triển nông nghiệp theo hình thức công nghiệp hoá, chuyên môn hoá, nâng cao đời sống của người nông dân trong bài toán tổng thể phát triển nông thôn mới.

Những vấn đề về tăng cường tích tụ đất cho sản xuất lớn, vấn đề hình thành cơ chế người dân và DN thuê lại đất sạch của Nhà nước, của người dân để phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, hạn chế việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để tạo ra lợi nhuận cho một nhóm lợi ích… đã lần lượt được nghiên cứu.

Đặc biệt, Nghị quyết đưa ra giải pháp ban hành và triển khai chính sách bảo hiểm gắn với tái bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp áp dụng cho các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu trên cơ sở phát triển thị trường bảo hiểm, là một giải pháp hứa hẹn sẽ góp phần thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

Sự phối hợp nhịp nhàng giữa cơ quan ban hành Nghị quyết và các cơ quan tổ chức thực hiện như trong những tháng vừa qua đã đánh dấu một phương thức mới trong việc triển khai Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.

Cùng với việc đánh giá thực tiễn tổng kết lý luận trên cơ sở các định hướng chủ yếu của Nghị quyết Đảng, các cơ quan quản lý Nhà nước đã đồng hành cùng với các cơ quan giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong việc đưa ra những giải pháp để khắc phục các tồn tại yếu kém đã được nêu trong phần đánh giá, để chỉ 3 tháng sau khi ban hành Nghị quyết, nhiều quyết định về mặt chủ trương và nhiều luật được xây dựng theo cách tiếp cận mới của Nghị quyết đã được ban hành. 

Đây là một bước đột phá, bảo đảm cho Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Hy vọng với cách làm mới kiên quyết như vừa qua, hệ thống thể chế và điều kiện môi trường kinh doanh của KTTN được cải thiện và được các DN, doanh nhân chấp nhận, thể hiện trong việc đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân.