Phát triển kinh tế vùng cần “sếu đầu đàn”

Theo Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn

Tính liên kết yếu là một trong những trở ngại lớn để phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Chính sách sẽ thúc đẩy sự liên kết nhưng rất cần sự chủ động liên kết từ chính bản thân các doanh nghiệp (DN). Mô hình “đàn sếu bay” với “sếu đầu đàn” đóng vai trò dẫn dắt hướng ra biển lớn có lẽ là lựa chọn lý tưởng cho sự phát triển kinh tế vùng này.

Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải hình thành cho được theo mô hình “đàn sếu bay” hướng ra biển lớn. Nguồn: Internet
Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải hình thành cho được theo mô hình “đàn sếu bay” hướng ra biển lớn. Nguồn: Internet

Nói về việc liên kết vùng ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Nguyễn Duy Minh, Giám đốc công ty Cổ phần Giao nhận tiếp vận quốc tế (InterLOG), có đưa ra một đề xuất mới là hỗ trợ chính sách cho vùng như quy chế khu tự do thương mại – Free Trade Zone để tối đa hóa ưu thế của các trung tâm logistics vùng.

Trăn trở tính liên kết

Theo ông Minh, điều này sẽ giúp thu hút đầu tư lắp ráp và tận dụng linh phụ kiện nội địa tại các khu tự do thương mại này. Hơn nữa, cần có một sự đột phá vào mỗi chuỗi cung ứng ngành hàng để làm tăng giá trị ngành hàng đó trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây cũng là ý tưởng được Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) chia sẻ với Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) về một ý tưởng tổng kho bông (cotton – nguyên liệu dệt may) và tập trung mua bông từ Mỹ đưa về cụm cảng Cái Mép – Thị Vải (ở Bà Rịa – Vũng Tàu, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam) lưu trữ để vừa cung ứng toàn bộ bông cho Việt Nam, Campuchia cũng như có kế hoạch cân đối chi phí vận tải chiều xuất khẩu hàng hóa dệt may với Mỹ.

Như vậy, những đề xuất của ông Minh hay VLA rất thiết thực cho sự phát triển của DN và của vùng. Trên thực tế, có khá nhiều DN cũng đang trăn trở về tính liên kết, về logistics, về việc tận dụng những ưu thế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây cũng là chủ đề trọng tâm mà Diễn đàn kinh tế Đông Nam Bộ do Ban Kinh tế Trung ương cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 26/9 muốn hướng tới.

Theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hiện có 12.000 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 145 tỷ USD. Dự kiến, trong giai đoạn 2016 – 2020, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào vùng sẽ đạt gần 60 tỷ USD, chiếm hơn một nửa tổng vốn FDI của cả nước.

Qua đó, có thể thấy rõ sự vượt trội của khu vực này về năng suất và tăng trưởng so với các vùng còn lại khi chiếm khoảng 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Tuy nhiên, để có cơ chế, chính sách liên kết vùng nhằm giữ vững vai trò dẫn đầu, có năng lực cạnh tranh quốc tế cao hơn, lại còn nhiều vấn đề cần mổ xẻ.

Hiện tại, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng còn đối mặt với nhiều hạn chế cơ bản như: chưa chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng với trọng tâm công nghệ cao và kinh tế tri thức; vùng cũng chưa khuyến khích được sự phát triển của các trung tâm khoa học, giáo dục với đẳng cấp quốc tế để hỗ trợ liên kết phát triển xuất kinh doanh.

Hoặc đơn cử như trong vấn đề logistics, bà Trần Thị Thanh Thúy, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải), nhận định vùng này vẫn chưa hình thành được các trung tâm logistics, cảng cạn quy mô lớn có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức của vùng, đặc biệt là cho các trung tâm sản xuất, tiêu thụ, tiếp nhận hàng hóa lớn như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, cùng các cảng biển Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh.

Mô hình “đàn sếu bay”

Như lời bà Thúy, các cảng cạn, trung tâm logistics đang hoạt động trong vùng hầu hết có quy mô nhỏ, năng lực hạn chế, kết nối chủ yếu với vận tải đường bộ, chưa thực sự đóng vai trò là các trung tâm trung chuyển hàng hóa. Ngay cả các tuyến đường liên vùng, vành đai, các tuyến nối cảng biển, cảng hàng không và các cửa khẩu quốc tế vẫn chưa hoàn chỉnh.

Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng bày tỏ sự băn khoăn về mức độ đầu tư còn khá khiêm tốn cho vùng, chỉ chiếm khoảng 18,5% tổng vốn đầu tư của cả nước, hoàn toàn không tương xứng với những đóng góp to lớn của vùng.

Đặc biệt, Ts. Vũ Thành Tự Anh (đại học Fulbright) lưu ý, hệ quả từ việc bất cân đối giữa đóng góp và nguồn thu được giữ lại là tất cả mọi mặt kinh tế – xã hội đều trong tình trạng quá tải nguồn đầu tư, thiếu động lực để phát triển và lan tỏa, thúc đẩy vùng phát triển.

Theo ông Tự Anh, trong khi địa phương thiếu động lực thì DN lại bị tận thu, cả hai đang cùng nhau phản ánh một thực tế rất không lành mạnh, đó là tồn tại nhiều nút thắt khắc nghiệt về mặt chính sách phát triển đô thị và DN – hai động lực tăng trưởng hàng đầu cho vùng.

Bên cạnh việc chỉ ra những điểm nghẽn trong tính liên kết ở nhiều vùng kinh tế trong nước hiện nay, nhất là tính liên kết yếu vì thiếu “đầu tàu” thực sự dẫn dắt cho quá trình phát triển vùng và vắng “động cơ” khi thiếu các DN lớn có thể trở thành “động cơ” cho vùng cùng thực trạng kém hạ tầng, yếu thể chế, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhấn mạnh, trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chắc chắn phải hình thành cho được theo mô hình “đàn sếu bay” mà giới nghiên cứu kinh tế thường nhắc tới.

Và “đàn sếu bay” này phải hướng ra biển mà không phải bay vào trong. TP. Hồ Chí Minh sẽ là con “sếu đầu đàn”, còn các địa phương khác sẽ như những con sếu trong đàn sếu bay đó, với sự dẫn dắt của TP. Hồ Chí Minh, nhằm tạo ra sự lan tỏa phát triển cho cả khu vực.

Cũng theo ông Lộc, phương châm quan trọng trong phát triển kinh tế vùng chính là phương châm cùng thắng. Mà muốn cùng thắng cần phải xử lý tốt những quan hệ giữa các “trung tâm vệ tinh” và thực hiện thật hiệu quả việc hội tụ trong phát triển khu vực kinh tế.

Nhưng quan trọng, như lời ông Lộc, đó là ngoài những chính sách phát triển để tăng tính liên kết vùng, bản thân các DN cũng cần chủ động liên kết với nhau, để có thể hình thành nên các chuỗi giá trị hiệu quả cho vùng.