Phát triển kinh tế vùng trong giai đoạn mới ở Việt Nam

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Những “hội chứng” về nhà máy rượu bia, xi măng, thủy điện, cảng biển, sân bay, khai thác khoáng sản, khu đô thị,… tạo thành nhiều “nền kinh tế” trong một nền kinh tế quốc gia.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội thảo. Nguồn: internet
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội thảo. Nguồn: internet

Ngày 03/4, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo “Liên kết vùng trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam”, dưới sự chủ trì của GS.TS Vương Đình Huệ,Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Nhiều “nền kinh tế” trong một nền kinh tế quốc gia

Hội thảo được tổ chức nhằm tập hợp các đề xuất, kiến nghị các giải pháp có tính thực tiễn cao về phát triển kinh tế vùng và liên kết vùng, giúp Chính phủ triển khai có hiệu quả phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng trong quá trình triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng trong năm năm tới và những năm tiếp theo.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ đánh giá: “Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định trong thực hiện chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế vùng, nhưng cũng còn nhiều hạn chế trong quá trình triển khai, đó là: Chúng ta chưa nhận thức đầy đủ phát triển kinh tế vùng như một quy luật tự thân của kinh tế thị trường theo không gian kinh tế; Cách phân vùng kinh tế - xã hội còn nhiều mặt hạn chế để phát huy lợi thế so sánh từng vùng; Các vùng kinh tế trọng điểm chưa thực sự phát huy vai trò đầu tàu, có tác dụng lan tỏa, hiệu quả đầu tư chưa thực sự vượt trội; Chưa quan tâm đến chức năng từng vùng gắn với điều kiện kinh tế - xã hội vùng và với tổng thể quốc gia; Thiếu thể chế quản trị, điều phối vùng hiệu quả; Chất lượng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng hiện còn hạn chế".

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Tất Thắng (Viện Chiến lược phát triển), trong bối cảnh chuyển sang kinh tế thị trường, nền kinh tế Việt Nam có đầy đủ các kiểu liên kết vùng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do về thể chế, cho tới nay, các liên kết vùng theo chiều dọc (trung ương và địa phương) vẫn là loại liên kết chủ yếu, thậm chí trong một số trường hợp còn lấn át các loại liên kết ngang (liên kết giữa các vùng, địa phương với nhau và mang tính hành chính tự nguyện). Tính vùng trong quan hệ liên kết dọc chưa được tính đến một cách thỏa đáng.

“Bằng chứng rõ ràng là việc chạy đua quyết liệt trong việc xây dựng những dự án các loại trên địa bàn các tỉnh mà từ lâu, cả trên các phương tiện thông tin đại chúng lẫn các diễn đàn chính thức, chúng được xem như những “phong trào”, những “hội chứng” về nhà máy rượu bia, xi măng, thủy điện, cảng biển, sân bay, khai thác khoáng sản, khu đô thị,… tạo thành nhiều “nền kinh tế” trong một nền kinh tế quốc gia”, ông Thắng cho hay.

Cần hình thành Quỹ phát triển vùng

ThS. Trần Thị Thu Hương, Viện Nghiên cứu Quản lý trung ương cho biết, thực chất rất nhiều địa phương đã tham gia bộ máy vùng. Tuy nhiên, đang tồn tại một thực tế là một số địa phương tham gia song trùng 2 bộ máy vùng.

Bà Hương đơn cử, 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm (VKTTĐ) Đồng bằng sông Cửu Long vừa tham gia bộ máy vùng do Bộ Chính trị thành lập, vừa tham gia bộ máy vùng do Thủ tướng Chính phủ thành lập. Trong khi đó cũng có một số địa phương không được tham gia bất kỳ bộ máy vùng nào, như 9 tỉnh thuộc vùng kinh tế- xã hội Trung du và miền núi phía Bắc.

Theo đề xuất của bà Trần Thị Thu Hương, mỗi vùng kinh tế cần có một Hội đồng vùng (ở cấp vùng) để thực hiện vai trò thúc đẩy các dự án vùng và điều phối các hoạt động phát triển vùng.

“Hội đồng vùng không phải là một cấp hành chính mà chỉ là một tổ chức được Chính phủ và các địa phương trong vùng ủy quyền thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ có liên quan đến liên kết phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và các địa phương trong vùng”, bà Hương nói.

Đồng tình với nhiều ý kiến các chuyên gia về sự cần thiết thành lập quỹ phát triển vùng để triển khai đồng bộ các dự án mang tính liên tỉnh, liên vùng, bà Trần Thị Thu Hương cho rằng, để đảm bảo bộ máy tổ chức vùng có đủ thực quyền, không đơn giản chỉ trao chức năng, nhiệm vụ cho bộ máy đó mà cần phải đảm bảo nguồn tài chính cho bộ máy để thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.

Vì vậy, theo bà Hương, cần phải hình thành Quỹ phát triển vùng. Quỹ được hình thành từ các nguồn như: đóng góp từ ngân sách trung ương, từ ngân sách của các địa phương, của các doanh nghiệp trên địa bàn, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước...

“Ở Việt Nam, trong thời gian trước mắt, bên cạnh việc tăng cường huy động nguồn vốn từ các tổ chức ngoài nhà nước thông qua cơ chế PPP, thì rất cần một khoản hỗ trợ ngân sách lớn từ phía Nhà nước, đặc biệt từ ngân sách trung ương. Đối với nguồn ngân sách nhà nước, thực chất việc hình thành Quỹ phát triển vùng không phải là bố trí thêm nguồn lực mà là điều chỉnh, phân bổ lại từ nguồn lực phân bổ cho các địa phương, điều chuyển nguồn để đầu tư tập trung, có hiệu quả hơn”, bà Hương gợi ý.

Theo TS. Nguyễn Viết Lợi, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, việc xây dựng và triển khai các giải pháp khuyến khích phát triển VKTTĐ cần quán triệt nguyên tắc chủ đạo là tập trung mạnh vào việc tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách cho VKTTĐ, giải phóng sức sản xuất, thúc đẩy nội lực để phát triển kinh tế, tạo ra nguồn tài chính ngày càng lớn, vừa thoả mãn nhu cầu của các địa phương trong vùng, vừa làm tốt nghĩa vụ với Nhà nước và hỗ trợ các vùng khác cùng phát triển. Qua đó, hình thành một hệ thống chính sách tài chính toàn diện thúc đẩy phát triển các VKTTĐ, đồng thời tạo được đòn bẩy để phát triển cũng như tạo động lực lan tỏa giữa các địa phương trong VKTTĐ.

Vì vậy, theo ông Lợi, những cơ chế, chính sách, giải pháp tài chính đưa ra phải đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản như: đảm bảo tính ổn định, phù hợp với từng giai đoạn phát triển chiến lược của đất nước; Cải cách hành chính theo hướng thông thoáng, giảm tối đa các quy định phiền hà gây trở ngại cho hoạt động kinh doanh trong vùng; Cơ chế phân cấp, phân quyền trong VKTTĐ cần được quy định rõ ràng, đảm bảo tính chủ động và độc lập tương đối của chính quyền các địa phương trong VKTTĐ; Cơ chế, chính sách đưa ra phải có tác động thúc đẩy phát triển VKTTĐ theo định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ đã đặt ra; phải nằm trong chiến lược phát triển trung và dài hạn của quốc gia; phải lấy lợi ích chính trị, kinh tế, xã hội toàn cục lâu dài làm căn cứ.