Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ

Với mục tiêu trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020, trong những năm vừa qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Theo đó, để xây dựng ngành CNHT, từ năm 2007, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) đã ban hành Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN phê duyệt Quy hoạch phát triển CNHT đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Tiếp theo ngày 4/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về Chính sách khuyến khích phát triển một số ngành CNHT. Ngay sau đó là Quyết định số 1483/QĐ- TTg ngày 26/8/2011 về việc ban hành Danh mục CNHT ưu tiên phát triển, trong đó, ngành da - giày có các mục ưu tiên phát triển: Da thuộc, vải giả da, hóa chất thuộc da, da muối, chỉ may giày. Đây là hai trong rất nhiều lợi thế lớn để CNHT trong nước có thể phát triển trong tương lai.

Triển khai thực hiện Quyết định 12/2011/QĐ-TTg, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 96/2011/TT- BTC hướng dẫn chính sách tài chính khuyến khích phát triển CNHT. Theo đó, Thông tư hướng dẫn chính sách tài chính khuyến khích phát triển CNHT đối với các ngành cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt - may, da - giầy và công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghệ cao theo quy định tại Quyết định trên.

Ngoài ra, các chính sách về thuế cũng đã có sự hỗ trợ rất tích cực cho ngành CNHT phát triển. Cụ thể: (1) Về thuế nhập khẩu, các DN được miễn thuế nhập khẩu đối với các hàng hoá, thiết bị, máy móc; phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ trong nước chưa sản xuất được; phương tiện vận chuyển đưa đón công nhân gồm xe ô tô từ 24 chỗ ngồi trở lên và phương tiện thủy; linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, gá lắp, khuôn mẫu, phụ kiện đi kèm để lắp ráp đồng bộ với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng; vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được...; (2) Về thuế thu nhập DN, trường hợp dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghiệp công nghệ cao thuộc DN thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản xuất sản phẩm phần mềm, hoặc DN thành lập mới từ dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... được ưu đãi về thuế suất, miễn, giảm thuế thu nhập DN theo quy định tại Chương III Luật Thuế thu nhập DN; (3) Các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư, lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư hoặc đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn cũng được hưởng chính sách miễn, giảm thuế giá trị gia tăng và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với. Bên cạnh đó, các chính sách về vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước, bảo lãnh tín dụng để đầu tư hạ tầng và sản xuất sản phẩm CNHT; miễn và giảm thuế thu nhập cá nhân đối với người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại các khu CNHT cũng đã được triển khai mạnh mẽ.

Những tác động đến phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ

Với chiến lược đặt ra cùng những chính sách hỗ trợ trên nhưng kết quả mang lại của việc phát triển ngành CNHT Việt Nam chưa như mong muốn, vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần giải quyết.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, hiện nay Việt Nam có khoảng 30 ngành kinh tế - kỹ thuật cần đến CNHT. Trong đó, nhiều ngành sản xuất hàng xuất khẩu mang lại kim ngạch hàng chục tỷ USD/năm nhưng lại đang phải nhập khẩu tới 80-85% nguyên liệu, làm cho tỷ lệ giá trị gia tăng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cơ cấu sản phẩm, điển hình như các ngành: sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, dệt may, da giày. Cụ thể, đối với ngành chế tạo, lắp ráp ô tô, xe máy hiện nay trên phạm vi cả nước chỉ có khoảng trên 300 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng cung cấp cho DN lắp ráp, nhưng phần lớn các linh kiện, phụ tùng đó là các sản phẩm đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp như các chi tiết cấu tạo khung, gầm xe, thùng xe, xăm lộp, bộ tản nhiệt, bộ dây điện, ghế ngồi, nhựa trong xe; còn các chi tiết, linh phụ kiện quan trọng như động cơ, hội số, cụm chuyển động vẫn phải nhập khẩu 100%. Chỉ tính riêng ngành công nghiệp ô tô, mặc dù được phát triển nhiều năm nhưng đến nay ngành này vẫn bị coi là kém phát triển nhất, tỷ lệ nội địa hóa các chi tiết chỉ đạt từ 5-10%, vì thế mỗi năm đã phải nhập khẩu tới gần 2 tỷ USD linh, phụ kiện.

Một điển hình khác là ngành công nghiệp dệt may - ngành công nghiệp xuất khẩu rất lớn của Việt Nam, hàng năm kim ngạch xuất khẩu chiếm từ 15 - 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và chiếm trên 50% kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp, bình quân mỗi năm tốc độ tăng trưởng 20%, năm 2011 đạt 13,8 tỷ USD, năm 2012 đạt 17,2 tỷ USD, tăng 8,5% so với năm trước và năm 2013 khoảng 19 tỷ USD. Kết quả này chiếm tỷ lệ rất lớn trong cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của cả nước nhưng thực tế giá trị gia tăng lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong mỗi sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu trong nước ngành dệt may chỉ đạt từ 3 - 8%, phần còn lại là nhập nguyên liệu, thậm chí nhập sản phẩm bán thành phẩm về để gia công tại Việt Nam sau đó xuất khẩu để tận dụng nhân công giá rẻ và các ưu đãi chính sách thuế, đất đai của Nhà nước.

Đối với ngành công nghiệp điện tử, kể từ năm 2007 - khi Việt Nam gia nhập WTO, hàng loạt hãng điện tử lớn của các quốc gia và vùng lãnh thổ như: Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã đầu từ vào Việt Nam nhằm tận dụng giá nhân công rẻ, lao động dồi dào, nhiều ưu đãi về chính sách tài chính, thuế, đất đai. Đến nay, cả nước đã có khoảng trên 250 DN thuộc các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất trong ngành điện tử, trong đó có ¼ DN sản xuất phụ tùng, linh kiện điện tử nhưng đa phần là các DN vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu và đặc biệt, đến nay vẫn chưa có DN nào đầu tư vào sản xuất vật liệu điện tử; số còn lại là các DN đầu tư nước ngoài sản xuất linh phụ kiện chủ yếu xuất khẩu.

Theo khảo sát, đánh giá của các chuyên gia thì nền sản xuất công nghiệp nói chung và trình độ công nghệ trong lĩnh vực CNHT của Việt Nam hiện nay còn ở mức thấp, dường như mới chỉ vượt qua mốc xuất phát điểm không xa. Phần lớn các sản phẩm CNHT chủ yếu do các DNNN sản xuất và cung ứng cho thị trường, chất lượng thấp, khả năng cạnh tranh hạn chế so với các sản phẩm cùng loại nhập khẩu, vì thế rất khó vươn ra xuất khẩu, thậm chí vẫn không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, chủng loại, mẫu mã và cả số lượng cho các DN sản xuất trong nước.

 Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ: Nhìn từ thực trạng chính sách - Ảnh 1

Bên cạnh đó, một trong nhưng điểm rất đáng báo động cho cả nền công nghiệp sản xuất của nước ta là tình trạng thiếu liên kết giữa các nhà sản xuất lớn với các DN sản xuất sản phẩm phụ trợ, giữa DN đầu tư nước ngoài với DN trong nước, dẫn đến mạnh ai nấy làm. Nhiều DN vẫn còn tư duy “bán những cái mình có chứ không phải những cái thị trường cần”; Phần lớn DN trong nước là các DN nhỏ, lẻ quy mô sản xuất bé, chi phí quản lý cồng kềnh, hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay với lãi xuất cao. Điều này dẫn đến chi phí giá thành sản phẩm cao, không cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại từ các nước trong khu vực, không chiếm được thị trường, phải giải thể, bỏ cuộc chơi... Thảm cảnh này khiến không ít nhà đầu tư nản lòng không muốn đầu tư vào sản xuất CNHT và cứ như thế CNHT Việt Nam đã thiếu, yếu lại đang ngày càng “teo tóp”.

Cần tiếp tục đột phá

Trước thực trạng tồn tại nhiều bất cập trong ngành CNHT, ngày 8/10/2014, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 9028/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển CNHT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu chung của Quy hoạch là nhằm đảm bảo đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp. Sản phẩm CNHT đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, đến năm 2030, tỷ lệ này là 70%, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp. Từ nay đến năm 2020, Việt Nam tập trung phát triển CNHT thuộc 3 lĩnh vực chủ yếu và theo các định hướng sau:

Hiện cả nước có khoảng trên 300 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng cung cấp cho DN lắp ráp ô tô, xe máy, nhưng phần lớn là các linh kiện, phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ thấp các linh kiện quan trọng như động cơ, hộp số, cụm chuyển động gần như vẫn phải nhập khẩu 100%.

Một là, lĩnh vực linh kiện phụ tùng kim loại, nhựa - cao su, điện - điện tử, đến năm 2020 đáp ứng 60% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp của nước ta. Năm 2030, đáp ứng 80% nhu cầu này. Các ngành công nghiệp cơ khí, ô tô, máy nông nghiệp, điện tử… được ưu tiên phát triển. Hỗ trợ DN sản xuất sản phẩm linh kiện phụ tùng tham gia thị trường khu vực và quốc tế.

Hai là,
lĩnh vực CNHT ngành dệt may - da giày với mục tiêu đạt tỷ lệ cung cấp trong nước 65% ngành dệt may, 75%-80% ngành da giày. Đặc biệt, ưu tiên thu hút vào lĩnh vực nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày, hình thành các cụm liên kết ngành trong sản xuất CNHT ngành dệt may, da giày tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Ba là, lĩnh vực CNHT cho công nghiệp công nghệ cao, đồng thời phát triển hệ thống DN cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dùng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực này; hình thành các DN bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế làm tiền đề phát triển DN sản xuất thiết vị, phần mềm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư vào sản xuất vật liệu chế tạo như thép chế tạo, nhựa, cao su, composit, gốm phục vụ công nghiệp công nghệ cao, hóa chất cơ bản, hóa chất chuyên dụng trong công nghiệp công nghệ sinh học, vật liệu điện tử…

Cùng với các mục tiêu phát triển được xác định cụ thể, Quyết định số 9028/QĐ-BCT cũng nêu ra định hướng và một số giải pháp cần tập trung thực hiện như:

- Hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển CNHT; Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển CNHT; Phát triển số lượng và nâng cao năng lực DN CNHT nội địa; Phát triển khoa học công nghệ cho CNHT; Đào tạo nguồn nhân lực CNHT.

- Đẩy mạnh thực hiện: Kết nối DN đầu tư nước ngoài với DN nội địa; Củng cố, nâng cao vai trò Hiệp hội ngành nghề; Nâng cao tính chuyên nghiệp của hội chợ CNHT; Hỗ trợ DN CNHT tìm kiến đối tác; Tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế; Xây dựng quy hoạch, khuyến khích đầu tư sản xuất nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất CNHT…

Thực tế cho thấy, các chính sách ưu đãi đề ra chưa thực sự tạo đột phá để thu hút các DN đầu tư vào sản xuất CNHT, thậm chí còn có thể nói là chính sách khuyến khích, ưu đãi phát triển CNHT của Việt Nam theo kiểu mũi nhọn “gai mít”. Vì thế, đã đến lúc cần rà soát lại các chính sách ưu tiên phát triển CNHT theo hướng trọng tâm, trọng điểm, theo từng giai đoạn phát triển. Trong đó, trước tiên, cần rà soát một cách tổng thể nền công nghiệp, trên cơ sở đó phân loại, xem xét đâu là công nghiệp cần ưu tiên phát triển, từ đó có chính sách ưu tiên cụ thể về vốn, đất đai, tài chính, thuế, đào tạo nguồn nhân lực để tạo sức hút mạnh cho các loại hình kinh tế tham gia đầu tư phát triển CNHT. Trong quá trình rà soát, cần thành lập đầu mối cơ sở dữ liệu về công nghiệp nói chung và nhu cầu cung - cầu về CNHT, thường xuyên cập nhật thông tin về ngành, lĩnh vực.

 Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ: Nhìn từ thực trạng chính sách - Ảnh 2


Việc phát triển CNHT cần các giải pháp mang tính đồng bộ nhưng một trong những giải pháp chủ yếu, có sức hút lớn nhất đó là ưu đãi chính sách thuế. Muốn có ngành CNHT phát triển, đáp ứng nhu cầu phát triển của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các nhà làm chính sách cũng nên cân nhắc, lựa chọn, có thể hy sinh một mặt nào đó trong ngắn hạn để có được nền CNHT trong tương lai 3 -5 năm sau, mặc dù như thế đã là muộn nhưng muộn còn hơn không. Theo đó, có thể xây dựng chính sách thuế theo hướng miễn thuế nhập khẩu các loại máy móc thiết bị phục vụ sản xuất sản phẩm CNHT trong thời hạn từ 4-5 năm đầu tính từ khi DN đi vào sản xuất; miễn, giảm thuế TNDN, thuế TNCN; miễn hoặc giảm đến mức thấp nhất tiền thuê đất, chấp nhận giảm thu NSNN đối với các DN đầu tư sản xuất CNHT, coi đó là khoản nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai.

Về vốn, hình thành ngay một quỹ với nguồn vốn góp từ NSNN, các tổ chức tài chính cả trong và ngoài nước và của chính những DN sản xuất, lắp ráp sản phẩm có liên quan đến các ngành CNHT, coi đó như là trách nhiệm hỗ trợ, tạo dựng ban đầu của Nhà nước cũng như các DN đối với ngành CNHT. Nguồn vốn từ quỹ này phải được tạo mọi điều kiện tốt nhất về thủ tục hành chính để các DN có thể tiếp cận và giải ngân nhanh chóng, giảm thiểu mọi phiền hà đối với DN khi tham gia vay vốn. Còn về lãi suất phải ở mức rất thấp, thậm chí có thể lãi suất 0% trong các năm đầu, khi DN làm ăn có lãi sẽ bắt đầu đóng góp trở lại cho quỹ ở mức nhất định. Tuy nhiên, trong hoạt động cũng cần có những quy định chặt chẽ về hiệu quả hoạt động, hạn chế thấp nhất tình trạng gian lận, lợi dụng cơ chế, chính sách của Nhà nước để rút vốn, sử dụng sai mục đích.

Nhà nước cần có chính sách ưu đãi các DN, các cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư vào xây dựng khu CNHT, trước mắt tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, các dịch vụ cung cấp cho khu CNHT hoạt động như: điện, nước, mạng truyền thông, internet... Cung cấp dịch vụ hỗ trợ với giá rẻ để thu hút các DN CNHT tập trung vào các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, thu hút DN FDI vào CNHT và hình thành đội ngũ DN trong nước để nhận chuyển giao công nghệ. Ðể thu hút được những được đối tượng này thì hệ thống chính sách phải có mối liên kết chặt chẽ nhằm thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào CNHT, nhất là các DN FDI.

Cần thống nhất trong nhận thức đối với người làm công tác thuế đó là miễn giảm thuế liên quan đến giảm thu NSNN. Song đối với hoạt động CNHT, giảm thuế về lâu dài lại tăng thu cho NSNN. Cần phải coi phần giảm đó như một khoản đầu tư của NSNN hiện tại cho CNHT, nguồn này sẽ giúp tăng thu rất lớn trong tương lai. Tuy nhiên, nếu xét miễn giảm thuế không đúng, sẽ gây tổn thất cho NSNN cả ở trước mắt và lâu dài. Vì vậy, nghiên cứu để có chính sách thuế khoa học là việc làm cần thiết của hệ thống thuế Nhà nước.

Bên cạnh đó, cần sử dụng linh hoạt công cụ tín dụng từ đó đẩy mạnh cung cấp tín dụng cho DN CNHT; Đa dạng hóa các hình thức vay vốn bằng cách thực hiện và mở rộng các hình thức vay mới: bảo lãnh tín dụng, thuê mua tài chính... ngoài các hình thức đang thực hiện; Tranh thủ mọi vốn vay ưu đãi đầu tư bên ngoài; Giữ lãi suất ở mức độ ổn định hợp lý trong sự ổn định của thị trường tiền tệ, vừa đảm bảo cho tồn tại của tổ chức tín dụng, vừa tạo khả năng trả nợ và yếu tố yên tâm về tâm lý cho cơ sở sử dụng vốn.

Mục tiêu chung đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, đến năm 2030, tỷ lệ này là 70%, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp.

Mặt khác, Nhà nước cần có ưu đãi cụ thể trong chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực là các chuyên gia, kỹ sư chế tạo, thiết kế và đội ngũ công nhân kỹ thuật làm việc trong các ngành sản xuất sản phẩm CNHT theo hướng hỗ trợ ngay từ giai đoạn đào tạo bằng hình thức miễn, giảm học phí, hỗ trợ chỗ ăn, ở hoặc có thể hoàn tiền đào tạo khi các đối tượng trên tham gia và cam kết làm việc trong ngành CNHT trong khoảng thời gian nhất định (có thể là 5 năm hay 10 năm và khuyến khích cam kết lâu dài). Đặc biệt, cả Nhà nước và các DN sản xuất cần có cơ chế khuyến khích, thưởng cả về vật chất lẫn tinh thần ở mức cao cho những phát minh, sáng chế hay cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng, làm giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm CNHT trong nước so với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại… Có như vậy mới thực sự thu hút, tạo sức bật và, đột phá cho ngành CNHT trong thời gian tới để hỗ trợ công nghiệp trong nước phát triển, tiến tới công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước thành công như mục tiêu đã đặt ra.

Tài liệu tham khảo:

1. Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2011-2020;

2. Quyết định số 9028/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển CNHT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

3. Dự thảo Nghị định về phát triển CNHT;

4. Báo cáo của Bộ Công Thương về phát triển các ngành công nghiệp 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013.

5. Kỷ yếu khoa học về chính sách tài chính phát triển CNHT của Viện chiến lược và Chính sách tài chính - Bộ Tài chính và Viện nghiên cứu chiến lược chính sách Công nghiệp - Bộ Công Thương.

Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ: Nhìn từ thực trạng chính sách

ThS. TRẦN VĂN HÀO – Đại học Vinh

(Tài chính) Mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 đã được đề ra hơn một thập kỷ qua, cùng với đó là chiến lược phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cũng đã được khởi động. Tuy nhiên, đến nay ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn mới chỉ qua vạch xuất phát. Làm thế nào để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển đúng với vai trò và tiềm năng của Việt Nam là vấn đề đang đặt ra và việc cần làm trước tiên là bắt đầu từ chính sách.

Xem thêm

Video nổi bật