Phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp nhà nước giai đoạn hội nhập

Nguyễn Thị Lê Trâm - TổNG CÔNG TY KHOÁNG SảN XÂY DựNG DầU KHÍ NGHệ AN

Chất lượng nguồn nhân lực là lợi thế so sánh hàng đầu của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước nói riêng bởi nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển doanh nghiệp. Trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát triển nguồn nhân lực trở thành nền tảng phát triển bền vững và tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhân lực - nhân tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp

Nguồn nhân lực được coi là nguồn lực “nội sinh” chi phối quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp (DN) nói riêng.

Trong những năm qua, tác động của mở cửa hội nhập của Việt Nam với thế giới đã thổi một luồng gió mới vào tư duy của DN, giúp các chủ DN ngày càng nhận thức rõ được tầm quan trọng của nguồn nhân lực cũng như việc làm sao tạo được môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến cũng như đưa ra các chế độ lương thưởng để giữ chân người tài.

Tuy nhiên, dù đã được đặc biệt quan tâm và đạt nhiều thành tựu to lớn nhưng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) trong bối cảnh hội nhập quốc tế, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam vẫn thấp hơn so với nhiều nước, đặc biệt là thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao.

Chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79/10 điểm (xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB) trong khi điểm cho chất lượng nhân lực của Hàn Quốc là 6,91; Ấn Độ là 5,76; Malaysia là 5,59; Thái Lan là 4,94...

Nhân lực là nhân tố quyết định nhất đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Trình độ phát triển của nguồn nhân lực là một thước đo chủ yếu sự phát triển của các quốc gia. Vì vậy, các quốc gia trên thế giới đều rất coi trọng phát triển nguồn nhân lực.

So với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, các DN Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý và kinh doanh, lại càng ít kinh nghiệm trong việc phát triển nguồn nhân lực.

Trong nhiều năm, chúng ta hoạt động trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, vai trò của thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề của các chính sách và biện pháp điều tiết của nhà nước. Các DN Việt Nam, nhất là các DN nhà nước (DNNN) đã quen với sự áp đặt và kế hoạch của nhà nước, hoạt động thiếu chủ động. Thói quen đó đã trở thành nét văn hoá của các công ty nhà nước, và vẫn in đậm dấu ấn kể cả ngày nay, khi các DN nhà nước đã phải cạnh tranh hơn trước rất nhiều, cả trong nước và ngoài nước.

Những vấn đề đặt ra

Thời kỳ hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm với những yêu cầu ngày càng cao đối với người lao động. Chúng ta cần nhanh chóng đầu tư phát triển nguồn nhân lực, tiến tới “nền kinh tế tri thức” để theo kịp tốc độ chung toàn cầu. Muốn nhanh chóng đào tạo và phát triển được nguồn nhân lực tốt, thì phải hiểu rõ những vấn đề chúng ta đang gặp phải trong công tác này.

Trên thực tế, hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực của khu vực DNNN còn nhiều hạn chế. Có thể khái quát một số hạn chế chủ yếu như:

- Đội ngũ nhân lực chất lượng cao, công nhân lành nghề vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu xã hội để phát triển các ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam, nhất là để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu cũng như nâng cấp vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị đó. Chất lượng đào tạo, cơ cấu theo ngành nghề, lĩnh vực của nguồn nhân lực khu vực DNNN chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng của xã hội; Năng suất lao động thấp so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.

- Số lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nhóm có trình độ chuyên môn cao có khuynh hướng hiểu biết lý thuyết khá, nhưng lại kém về năng lực thực hành và khả năng thích nghi trong môi trường cạnh tranh công nghiệp; Khả năng làm việc theo nhóm, tính chuyên nghiệp, năng lực sử dụng ngoại ngữ là công cụ giao tiếp và làm việc của nguồn nhân lực còn hạn chế. Trong môi trường làm việc có yếu tố nước ngoài, ngoại ngữ, hiểu biết văn hoá thế giới luôn là điểm yếu của lao động Việt Nam.

- Nguồn lực tài chính cho phát triển nhân lực còn hạn chế; chưa huy động được nhiều các nguồn lực trong xã hội để phát triển nhân lực. Hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng của nước ta với thế giới.

- Nhiều công ty nhà nước đã chú trọng vào công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tuy nhiên phương pháp thực hiện công tác này còn có nhiều bất cập do nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân cơ bản nhất là nhiều công ty chưa có phương pháp làm công việc này một cách bài bản, hệ thống như thiếu một tầm nhìn dài hạn xuyên suốt các hoạt động khác nhau, thiếu hoạch định kế hoạch, thiếu sự đồng bộ giữa các hoạt đông khác nhau…

Giải pháp phát triển nguồn nhân lực

Để có thể phát huy được thế mạnh về nguồn nhân lực và tận dụng được thời kỳ “dân số vàng” trong quá trình hội nhập quốc tế, nguồn nhân lực của các DNNN ở Việt Nam cần phải được trang bị, rèn luyện chuyên môn nghề nghiệp, nâng cao năng lực tư duy khoa học, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới… Một số giải pháp, cơ chế, tác giả đề xuất bao gồm:

- Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển nhân lực của DNNN: Các DNNN cần xác định tập trung phát huy sức mạnh nội lực, trong đó, nhân tố con người được coi là nguồn vốn đặc biệt.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo, bồi dưỡng để phát triển toàn diện nhân lực, ưu tiên vào phát triển đội ngũ nhân lực có chất lượng cao, được trang bị kỹ năng vượt trội, phù hợp với đòi hỏi của sản xuất kinh doanh hiện đại được chú trọng.

Các DNNN cần xây dựng và tiến hành triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược tổng thể phát triển nhân lực, trong đó ưu tiên đội ngũ nhân lực có trình độ cao. Mặt khác, cần xác định mục tiêu, lộ trình, nội dung, yêu cầu phát triển; gắn quy hoạch chiến lược phát triển nhân lực với chiến lược phát triển nhân lực quốc gia.

- Khuyến khích người lao động nâng cao trình độ lành nghề của mình qua đào tạo, đào tạo lại. Trình độ chuyên môn kỹ thuật là chỉ tiêu đánh giá chất lượng lao động ở mỗi DN.

Để làm được điều đó DNNN cần thực hiện tốt những việc sau: Sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý; Bố trí lao động làm công tác đúng chuyên ngành đào tạo để phát huy hết năng lực làm việc của cán bộ và người lao động; Có các chính sách ưu đãi, đặc biệt là về chính sách tiền lương để thu hút những lao động có trình độ, chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm vào làm việc; Quan tâm đến kinh phí dành cho đào tạo.

- Huy động nguồn lực tài chính cho phát triển nhân lực. Trong đó, cần chú trọng đẩy mạnh xã hội hoá để tăng cường huy động các nguồn vốn cho phát triển nhân lực. Nhà nước có cơ chế, chính sách để huy động các nguồn vốn của DN, nhà đầu tư và đóng góp cho phát triển nhân lực bằng nhiều hình thức: Trực tiếp đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục; Góp vốn, mua công trái, hình thành các quỹ hỗ trợ phát triển nhân lực; Đồng thời, cần quy định trách nhiệm của DN đối với sự phát triển nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế, chính sách mạnh để DN tăng đầu tư phát triển nhân lực nói chung và đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề nói riêng.

- Đẩy mạnh hội nhập quốc tế để phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, cần tạo cơ chế phù hợp để thu hút các nguồn vốn nước ngoài cho phát triển nhân lực Việt Nam.

Cần chú trọng xây dựng, thường xuyên cập nhật hệ thống pháp luật về phát triển nguồn nhân lực Việt Nam phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam nhưng không trái với thông lệ và luật pháp quốc tế về lĩnh vực này mà Việt Nam tham gia, ký kết.

Xây dựng nội dung, chương trình và phương pháp giáo dục và đào tạo theo định hướng phù hợp chuẩn quốc tế và đặc thù Việt Nam; tăng cường quan hệ đào tạo giữa khu vực DNNN với các cơ sở giáo dục và các ngành đào tạo của Việt Nam và quốc tế.

Như vậy, việc phát triển nhân lực DNNN, một mặt, cần phải có tầm nhìn chiến lược phát triển tổng thể và dài hạn, nhưng đồng thời, trong mỗi thời kỳ nhất định, cần xây dựng những định hướng cụ thể, để từ đó đánh giá thời cơ, thách thức, những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân… để đề ra mục tiêu và giải pháp phát triển thích hợp cho giai đoạn đó phù hợp với bối cảnh kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế.