Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Từ nhà kính đến đồng ruộng

Theo daibieunhandan.vn

Thời gian qua, nhiều chính sách ưu đãi phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được đưa ra. Chính phủ cũng thể hiện quyết tâm tạo điều kiện phát triển lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để nông nghiệp công nghệ cao thoát ra khỏi “mô hình nhà kính”, cần sự quan tâm đầu tư thực chất, trong đó chú trọng xây dựng nguồn nhân lực cũng như dự báo thị trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Nhiều ưu đãi

Hiện nay, ở nhiều địa phương, mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, Lâm Đồng là tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Hiện, toàn tỉnh có khoảng 50.000ha đầu tư công nghệ cao, cho doanh thu từ 150 triệu - 1 tỷ đồng/ha/năm, cá biệt đã xuất hiện một số mô hình sản xuất rau thủy canh đạt doanh thu trên 8 tỷ đồng/ha/năm. Hay tại Hà Nam, bước đầu đã quy hoạch được 300ha/500ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Trong đó, tỉnh đã khởi động dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có diện tích 180ha với tổng số vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Riêng khu cánh đồng mẫu lớn rộng gần 130ha sẽ triển khai sản xuất khoảng 15 sản phẩm chủ lực, với sản lượng từ 20 - 30 tấn/ngày phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu…

Thời gian qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành cũng đã có nhiều chỉ đạo, cam kết tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải nâng gói hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng và giao Ngân hàng Nhà nước vận động các ngân hàng có gói tín dụng hỗ trợ cần thiết để thực hiện.

Đồng thời, Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai nhằm tạo điều kiện cho tổ chức kinh tế thuê đất đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bổ sung cơ chế sử dụng đất trong quá trình tích tụ phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cho phù hợp với quá trình tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp…

Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định trong Hội nghị tổng kết sản xuất ngành nông nghiệp năm 2016 và triển khai kế hoạch năm 2017, do Bộ NN - PTNT tổ chức, những thể chế, chính sách nào ràng buộc nông nghiệp, nông dân, nông thôn không phát triển được hoặc chậm phát triển thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì phải bãi bỏ ngay, càng sớm càng tốt. Còn cái gì thuộc thẩm quyền của Bộ Chính trị, Quốc hội thì tiếp tục kiến nghị để bãi bỏ.

Đó là những tín hiệu tích cực để tạo đà phát triển nông nghiệp công nghệ cao vốn đang là xu thế tất yếu hiện nay.

Cần thực chất

Nhiều chuyên gia nhận định, khó khăn lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiện nay là vấn đề đất đai. Đất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ đang là khó khăn của nhiều địa phương khi muốn chuyển đổi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Vì vậy, Nhà nước nên cho phép chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau quả đi kèm ứng dụng công nghệ cao, tức là cần cơ chế “cởi trói” cho đất đai cũng như quy định về hạn điền. Việc sửa đổi Luật Đất đai nên theo hướng chuyển từ người không còn thiết tha với đồng ruộng sang người mong muốn làm nông nghiệp, chuyển từ hiệu quả sử dụng đất thấp sang sử dụng hiệu quả cao hơn.

Phó trưởng Ban Chính sách dịch vụ công, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Lưu Đức Khải cho rằng, hiện nay vẫn có sự nhầm lẫn trong cách hiểu nông nghiệp công nghệ cao. Nhiều người cứ nghĩ nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp sản xuất theo mô hình nhà kính.

Hiểu như vậy là không chuẩn. Nông nghiệp công nghệ cao phải dựa trên sản xuất chung lớn, tức là phải triển khai trên đồng ruộng chứ không phải là thứ chỉ để trình diễn.

Muốn vậy, bên cạnh chính sách tích tụ ruộng đất thì cơ sở hạ tầng để ứng dụng công nghệ cao phải đồng bộ. Ví dụ, với cánh đồng lớn thì phải có hệ thống cung cấp chủ động nước tưới như thế nào, cảm biến phát hiện dịch bệnh sớm ra sao… tức là đòi hỏi về nguồn vốn đầu tư. Hiện, nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn vẫn chưa đi vào thực tế nên cần sớm được cụ thể hóa.

Cũng theo ông Khải, yếu tố quan trọng nhất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao là thị trường. Muốn vậy, công tác dự báo cần được quan tâm. Nhà nước phải giữ vai trò kết nối thông qua đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại để giúp doanh nghiệp tiếp cận với thị trường thế giới. Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao sẽ tính toán, sắp xếp sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng sản xuất dư thừa hoặc được mùa mất giá.

Còn chuyên gia kinh tế nông nghiệp Vũ Trọng Khải bổ sung, mặc dù hiện nay công nghệ để ứng dụng trong nông nghiệp đã rất thuận tiện, song sẽ không thể có một nền nông nghiệp công nghệ cao nếu nông dân (một trong hai chủ thể quan trọng nhất của lĩnh vực này, cùng với doanh nghiệp) lại không đủ trình độ để áp dụng.

Chỉ khi nào có được đội ngũ nông dân chuyên nghiệp thì mới tích tụ ruộng đất - tiền đề để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, để tích tụ ruộng đất thì Nhà nước cần ra quy định mua đất theo giá thị trường. Có như vậy mới dần xóa bỏ được tình trạng doanh nghiệp không biến đất “bờ xôi ruộng mật” thành khu công nghiệp như hiện nay.