Phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam: Một số gợi ý chính sách

ThS. Nguyễn Đức Tân - Cao đẳng Nghề Du lịch Nha Trang

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với ngành du lịch các nước trong khu vực, góp phần tích cực vào quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Du lịch Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, khả năng cạnh tranh chưa cao... Việc lựa chọn ra phương hướng phát triển phù hợp với xu thế và tương xứng với tiềm năng du lịch phong phú của đất nước, từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế là vấn đề cần thiết và cấp bách được đặt ra.

Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ thống sản phẩm du lịch khá đa dạng và có nhiều điểm mạnh. Nguồn: Internet.
Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ thống sản phẩm du lịch khá đa dạng và có nhiều điểm mạnh. Nguồn: Internet.

Thực tế phát triển du lịch giai đoạn 2005-2015

Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch Việt Nam trong giai đoạn 10 năm (2005-2015), các chuyên gia cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ thống sản phẩm du lịch khá đa dạng và có nhiều điểm mạnh: Đa dạng về sản phẩm tại điểm đến (du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm, du lịch thành phố...); giàu giá trị truyền thống văn hóa với hệ thống di sản, di tích, lễ hội đặc sắc; có thế mạnh nổi trội đối với sự phát triển các sản phẩm du lịch biển đảo; giàu giá trị lịch sử văn hóa, gắn liền với các địa danh nổi tiếng và kỳ tích lịch sử qua các thời kỳ; chất lượng dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch ngày càng được nâng cao; giá cả hợp lý; thị trường du lịch nội địa ổn định, tạo cơ sở vững chắc cho việc phát triển du lịch bền vững; có thế mạnh trong việc liên kết phát triển các sản phẩm du lịch nội vùng và liên vùng...

Bên cạnh những điểm mạnh, sản phẩm du lịch của Việt Nam vẫn còn khá nhiều tồn tại như: Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu và trùng lặp, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, chưa được thống kê, đánh giá để quản lý khai thác một cách bền vững, hiệu quả; Sự hạn chế, yếu kém trong nghiên cứu sản phẩm du lịch cả ở tầm vĩ mô và ở cấp doanh nghiệp; Chưa có được những sản phẩm du lịch chủ lực đặc thù mang đậm bản sắc dân tộc, phù hợp cho từng phân khúc thị trường khách du lịch…

Để nâng cao hơn nữa sự phát triển của Ngành trong thời gian tới, cần thực thi đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực bởi các bên có liên quan như: cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch, du khách, cộng đồng dân cư… Trên cơ sở đó, không ngừng phát huy và nâng cao điểm mạnh, hạn chế giảm thiểu những điểm yếu, phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng và thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển bền vững.

Trong xu thế phát triển du lịch chung, du lịch Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen. Diễn biến kinh tế, chính trị, an ninh thế giới có tác động mạnh hơn, khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu và toàn diện.

Sự tham gia của du lịch Việt Nam trong hoạt động của các tổ chức, cơ chế khu vực và quốc tế như: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, Diễn đàn hợp tác Á - Âu, Tổ chức Du lịch Thế giới, Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương, Sáng kiến Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mê Công mở rộng, Hành lang kinh tế Đông - Tây... ngày càng trở nên tích cực và hiệu quả hơn.

Đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam tiếp cận các thị trường du lịch quốc tế, tiếp nhận những cơ chế đào tạo nguồn nhân lực du lịch, từ đó đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Quan hệ ngoại giao tích cực của Việt Nam với thế giới cũng đang mở ra cơ hội thu hút đầu tư vốn và cộng nghệ vào Việt Nam nói chung và đầu tư du lịch nói riêng...

Bên cạnh những cơ hội kể trên, du lịch của Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình hội nhập du lịch toàn cầu như: Ứng phó với khủng khoảng kinh tế, bất ổn an ninh, chính trị trên bình diện quốc tế; Sức ép cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, đòi hỏi sự nhạy bén, nắm bắt kịp thời và chính xác những xu hướng của du lịch thế giới...

Những thách thức trên đòi hỏi Việt Nam phải đầu tư nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm du lịch với lợi thế quốc gia và sự độc đáo của văn hóa dân tộc, để khẳng định mình trong quá trình hội nhập du lịch quốc tế và cạnh tranh toàn cầu.

Nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm du lịch Việt Nam

Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định, đối với những giải pháp phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập, cần ưu tiên phát triển mạnh các sản phẩm du lịch theo ưu thế nổi trội về tài nguyên tự nhiên và văn hóa; mở rộng các loại hình du lịch mới như: Du thuyền, caravan, du lịch kết hợp (MICE), du lịch giáo dục, du lịch dưỡng bệnh, du lịch làm đẹp, du lịch ẩm thực; Liên kết tạo sản phẩm du lịch vùng, liên kết theo loại hình chuyên đề, liên kết khu vực gắn với các hành lang kinh tế, liên kết ngành hàng không, đường sắt, tàu biển tạo sản phẩm đa dạng; Phát triển sản phẩm du lịch theo đặc trưng 7 vùng lãnh thổ, bao gồm:

- Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ: Du lịch văn hóa, sinh thái gắn với tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số.

- Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc: Du lịch danh lam thắng cảnh biển, du lịch văn hóa, du lịch đô thị.

- Vùng Bắc Trung bộ: Tham quan tìm hiểu các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – lịch sử và du lịch đường biên.

- Vùng duyên hải Nam Trung bộ: Du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, tìm hiểu các di sản văn hóa thế giới, văn hóa biển và ẩm thực biển.

- Vùng Tây Nguyên: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa.

- Vùng Đông Nam bộ: Du lịch đô thị, du lịch MICE, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng và sinh thái biển, đảo.

- Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Du lịch sinh thái, khai thác các giá trị văn hóa sông nước miệt vườn, nghỉ dưỡng và sinh thái biển, đảo, du lịch MICE.

Để đảm bảo phát triển lâu dài, sản phẩm du lịch cần được sắp xếp, tổ chức phát triển để tạo nên các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao, có tính đặc thù rõ nét; Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến các loại hình du lịch có thế mạnh của Việt Nam như du lịch biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng...

Ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch nghĩ dưỡng cao cấp, hướng tới thu hút khách chi trả cao và lưu trú dài ngày; Đa dạng hóa sản phẩm và loại hình du lịch để phù hợp với từng phân khúc thị trường khác nhau; Phát huy các thế mạnh liên vùng, tạo dựng các liên kết trong phát triển sản phẩm; từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo nhận định của Tổ chức Du lịch Thế giới, năm 2015 và những năm tiếp theo, du lịch vẫn là Ngành Việt Nam cần chú trọng phát triển. Xu thế dòng khách quốc tế sẽ tiếp tục chuyển dịch đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội để Du lịch Việt Nam bứt phá ngoạn mục, xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch quốc gia, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ.

Để làm được điều đó, ngành Du lịch cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau: Ngăn chặn, xử lý kiên quyết, tập trung giải quyết căn bản các vấn nạn, tiến tới chấm dứt một loạt hình ảnh xấu của môi trường du lịch; Huy động tổng hợp nguồn lực và đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp; Thay đổi cách thức xây dựng sản phẩm du lịch, để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh cao...

Ngoài ra, để tháo gỡ các rào cản làm hạn chế khả năng hội nhập và cạnh tranh quốc tế, nâng cao hiệu quả của hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm và điểm đến du lịch Việt Nam, ngành Du lịch Việt Nam cần có sự vào cuộc, chung tay góp sức của tất cả các cấp, các ngành liên quan, có như vậy ngành Du lịch mới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tài liệu tham khảo:

1. Trần Kim Ánh (2010), Tiềm năng, thực trạng và giải pháp phát triển các sản phẩm du lịch biển tại thành phố Đà Nẵng, Luận án Thạc sỹ Du lịch;

2. Chính phủ (2013), Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

3. Nguyễn Trùng Khánh (2011), Phát triển dịch vụ lữ hành du lịch trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế: Kinh nghiệm của một số nước Đông Nam Á và gợi ý chính sách cho Việt Nam, Luận án Tiến sỹ kinh tế;

4. PGS., TS. Phạm Trung Lương (2015), Phát triển Du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch;

5. Một số website: vietnamtourism.gov.vn; www.itdr.org.vn...