Phát triển "tam nông" trong quá trình hội nhập quốc tế

TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Đại học Luật Hà Nội

Trong hội nhập quốc tế, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang đứng trước những cơ hội và không ít thách thức, đòi hỏi những giải pháp toàn diện để phát triển bền vững.

Trong hội nhập quốc tế, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang đứng trước những cơ hội và không ít thách thức. Nguồn: internet
Trong hội nhập quốc tế, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đang đứng trước những cơ hội và không ít thách thức. Nguồn: internet

Hội nhập quốc tế tác động đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa, trong những năm qua Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Các tăng trưởng về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, cán cân xuất nhập khẩu, sự cải thiện đời sống người dân,… minh chứng cho tính hiệu quả của đường lối mở cửa, hội nhập quốc tế.

Đến nay, Việt Nam đã ký kết FTA với Brunei, Singapore, Malaysia (AFTA); với Australia, New Zealand và với Nhật Bản (trong Khu vực thương mại tự do ASEAN - Nhật Bản được thiết lập bởi Hiệp định đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản AJCEP). Ngoài việc ký kết và tham gia các FTA với tư cách là thành viên khối ASEAN thì FTA đầu tiên mà Việt Nam ký kết với tư cách là một bên độc lập là Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA năm 2008), tiếp đó là FTA Việt Nam - Chile (năm 2011); FTA Việt Nam - Hàn Quốc (2015), với Liên minh Kinh tế Á - Âu (2015), hiện đang đàm phán FTA với một số nước và đối tác khu vực,...

Năm 2003, các nhà lãnh đạo ASEAN đã hoạch định tầm nhìn ASEAN 2020 bao gồm ba trụ cột chính là Cộng đồng An ninh - Chính trị ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC). Năm 2007, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đồng ý rút ngắn tiến trình hội nhập kinh tế khu vực bằng việc thông qua Kế hoạch hành động AEC và thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.

Một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất ASEAN bao gồm chu chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, lao động có tay nghề; chu chuyển tự do hơn nữa các dòng vốn và dòng đầu tư. Hàng rào thuế quan và hàng rào phi thuế quan sẽ từng bước bị xóa bỏ. Các nhà đầu tư ASEAN sẽ được tự do đầu tư vào tất cả mọi lĩnh vực trong khu vực. Những thủ tục hải quan và thương mại khi đã được tiêu chuẩn hóa hài hòa và đơn giản hơn sẽ góp phần làm giảm chi phí giao dịch. Thị trường hàng hóa và dịch vụ thống nhất sẽ thúc đẩy phát triển mạng lưới sản xuất trong khu vực, mang lại lợi ích cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp, hàng không (vận chuyển bằng đường hàng không), ô tô, e-ASEAN, điện tử, ngư nghiệp, chăm sóc sức khỏe, cao su, dệt may và thời trang, du lịch, nghành công nghiệp gỗ và các dịch vụ logistics khác… Bên cạnh Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ bắt đầu hình thành từ cuối năm 2015, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là một trong những thành viên tham gia sẽ sớm kết thúc quá trình đàm phán.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương theo xu hướng mở cửa sâu rộng hơn các cam kết mở cửa trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thông thường. Cao hơn hẳn về mức độ mở cửa, phạm vi điều chỉnh của Hiệp định TPP dự kiến sẽ rất rộng và phức tạp, với các vấn đề thương mại và phi thương mại đan xen. TPP mở ra cơ hội mới cho việc phát triển, mở rộng thị trường cho hàng hóa nông sản.

Các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và đang đàm phán sẽ tạo thuận lợi cho xuất khẩu một số hàng hóa có thế mạnh của Việt Nam như các sản phẩm thủy sản, nông sản, đồ gỗ,... Tuy nhiên, hàng nông sản của các nước đối tác cũng được hưởng những thuận lợi tương tự khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam, vì vậy, sức ép cạnh tranh ngay trên sân nhà cùng rất lớn đối với các mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Rõ ràng, phải thấy tính hai mặt của các hiệp định FTA, một mặt mang lại cơ hội, thuận lợi cho Việt Nam trong phát triển kinh tế, xuất khẩu hàng hóa, trong đó có hàng nông sản, đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới. Cần phải thấy rõ những khó khăn, thách thức bởi đây là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có độ mở rộng trên nhiều lĩnh vực kinh tế mà hai bên cam kết. Yêu cầu đặt ra là phải khai thác tối đa những lợi thế mà các hiệp định mang lại, đi liền với đó là phải thấy rõ những khó khăn, thách thức, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, mang lại lợi ích cho đất nước.

Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam: Thành tựu và thách thức trong hội nhập

Số liệu thống kê cho thấy gần 70% dân số nước ta sống ở nông thôn; hơn 48% lao động làm nông nghiệp; nông nghiệp tạo ra hơn 20% GDP của đất nước. Thời gian qua, nông nghiệp nước ta phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả sản xuất nông nghiệp không ngừng nâng cao; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia; đóng góp quan trọng vào cán cân xuất khẩu. Năng 2014, xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt kim ngạch hơn 30 tỷ USD, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt trên 150 tỷ USD. Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam chiếm vị trí cao về kim ngạch trên thị trường thế giới như gạo, cà phê, cao su, hạt tiêu,… Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tiến bộ, tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng thuần nông nghiệp. Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp đổi mới theo hướng liên kết, hợp tác. Đã xuất hiện các mô hình liên kết, hợp tác hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần tăng cường hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thu nhập của nông dân. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tạo điều kiện đa dạng hóa và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, địa bàn, nhất là giữa nông thôn và đô thị.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn có nhiều đổi mới, khởi sắc, đặc biệt trong những năm gần đây cùng với quá trình thực hiện chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới. Giao thông và các cơ sở văn hóa xã hội như trường học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, điểm bưu điện - văn hóa,… ở nhiều nơi được quy hoạch xây dựng và hoạt động hiệu quả, phục vụ nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người nông dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình hội nhập, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập. Đây vẫn còn là khu vực chậm phát triển trong mối quan hệ so sánh với các khu vực khác. Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng với vị trí, vai trò của khu vực kinh tế quan trọng này. Cơ cấu kinh tế trong khu vực nông thôn chuyển dịch chậm, tỷ trọng nông nghiệp còn cao.

Tính quy hoạch, kế hoạch trong sản xuất nông nghiệp chưa rõ nét, đặc biệt chậm triển khai và thực hiện các quy hoạch ngành hàng, vùng sản xuất, nông dân phát triển sản xuất theo kiểu “phong trào”, vì vậy sản phẩm nông nghiệp vẫn còn manh mún, chất lượng không đồng đều, rất khó để phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa hay phát triển công nghiệp chế biến. Tình trạng được mùa, mất giá, hoặc nông sản đến kỳ thu hoạch không tiêu thụ được diễn ra thường xuyên.

Các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa, cạnh tranh trong hội nhập. Mô hình kinh tế hộ gia đình vẫn đang là phổ biến ở các vùng nông thôn. Kinh tế trang trại, gia trại, mặc dù được tạo điều kiện phát triển nhưng vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ cả về quy mô sản xuất, sử dụng lao động. Mô hình cánh đồng mẫu lớn với nền tảng là sự liên kết doanh nghiệp và nông dân vẫn đang trong quá trình khẳng định hiệu quả và tính liên kết bền vững trên thực tế.

Phương thức sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu dựa vào sức lao động của nông dân và kinh nghiệm canh tác truyền thống. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp mới chỉ dừng lại ở một vài khâu của chu trình sản xuất. Việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch lạc hậu, làm cho sản phẩm của nông dân luôn chịu sức ép về tính thời vụ trong tiêu thụ, chất lượng thấp, kém sức cạnh tranh trên thị trường.

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số địa bàn nông thôn đã trở nên đáng báo động. Đó là hậu quả của việc lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu trong nông nghiệp, sự phát triển chăn nuôi tự phát, xen lẫn trong các vùng dân cư, sự phát triển tiểu thủ công nghiệp. Ngay cả vấn đề rác thải sinh hoạt hiện đang là vấn đề chưa có hướng giải quyết ở nhiều địa bàn nông thôn.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững trong quá trình hội nhập

Trong quá trình hội nhập, mục tiêu đặt ra là phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, theo hướng bền vững, sản xuất hàng hóa lớn có năng xuất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ theo quy hoạch; xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, trình độ dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, trước hết cần tăng cường vai trò của Nhà nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Thực tiễn nhiều nước cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực được các nước chú trọng bảo hộ nhiều trong quá trình hội nhập và muốn phát triển nông nghiệp, nông thôn, vai trò của Nhà nước được đặt lên hàng đầu. Nhà nước cần thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có tính tới thị trường cả trong nước và quốc tế cũng như an ninh lương thực quốc gia. Xây dựng đề án cơ cấu lại các lĩnh vực; rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp hàng hóa có chú ý tới thế mạnh của mỗi địa phương trên cả nước. Tiến hành rà soát, xác định, lựa chọn những cây trồng vật nuôi có lợi thế, có thị trường; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đối với các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng theo điều kiện cụ thể để lựa chọn phát triển cây, con hàng hóa thay cho tự cung tự cấp nhằm tạo ra lối thoát căn bản cho công tác xóa đói giảm nghèo.

Cùng với việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch là quản lý việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch; cung cấp thông tin thị trường làm định hướng cho sản xuất của nông dân. Tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, bao gồm cả đầu tư trực tiếp từ ngân sách nhà nước và đầu tư gián tiếp, thông qua việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng xuất phát từ nhu cầu sản xuất kinh doanh, đảm bảo hài hòa quyền lợi, trên cơ sở tự nguyện và tuân theo pháp luật. Chỉ có như vậy thì các liên kết, hợp tác mới bền vững và có sức sống trên thực tế. phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Thông qua việc tổng kết kinh nghiệm, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý có hiệu quả trong thực tiễn như mô hình hợp tác, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng, liên kết sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ đội sản xuất hoặc trực tiếp với nông dân,… Đẩy mạnh quá trình liên kết giữa Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân, trước hết, tập trung ở những vùng đã phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn như Tây và Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Hồng,... nhằm thúc đẩy hợp tác, liên kết từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên tham gia.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Cần chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, hiệu quả, thể hiện bằng giá trị và lợi nhuận; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự quyết tâm cao trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp để hiểu rõ thời cơ và thách thức. Các cơ quan truyền thông cần hướng vào việc hỗ trợ thông tin về chủ trương phát triển ngành nông nghiệp, cũng như những mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp thành công, kinh nghiệm hay để các địa phương, đơn vị học tập, rút kinh nghiệm và vận dụng.

Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ. Tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu, giải quyết các vấn đề quan trọng bức xúc của nền nông nghiệp hàng hóa; kiên quyết chống dàn trải, kém hiệu quả. Thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nông nghiệp, bảo quản và chế biến nông sản. Nghiên cứu, chọn tạo và tổ chức sản xuất ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị thương phẩm cao; ưu tiên nguồn lực cho các sản phẩm chủ lực, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nhân lực phục vụ nghiên cứu và chuyển giao khoa học, công nghệ trong nông nghiệp ở tất cả các khâu của chu trình sản xuất. Đổi mới cơ chế quản lý, nhất là cơ chế tài chính phục vụ nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ trong nông nghiệp. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông, tập trung tạo ra sự chuyển biến rõ nét, trên diện rộng đối với các loại sản phẩm chủ lực của mỗi vùng, miền, địa phương.

Đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành nông nghiệp. Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho nông dân; ưu tiên đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên của ngành như cán bộ quản lý thủy nông, thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông, kiểm lâm, kiểm ngư, cán bộ hợp tác xã, thuyền trưởng, máy trưởng tàu đánh bắt cá xa bờ.

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào xây dựng nông thôn mới. Rà soát nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, lập đề án. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng; tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ để người dân chủ động, tích cực tham gia thực hiện các nội dung liên quan trực tiếp tới mỗi hộ gia đình. Thực hiện đồng bộ các nội dung về kinh tế và xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị. Chú trọng thực hiện các nội dung chính là phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho nông dân. Trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng chú ý việc lựa chọn ưu tiên nâng cấp các công trình hiện có, nhất là các công trình phục vụ sản xuất.

Tiềm năng phát triển nông nghiệp trong hội nhập quốc tế là rất lớn. Vấn đề đặt ra là nỗ lực toàn diện trong phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, miền, địa phương từng loại ngành hàng, sản phẩm để biến cơ hội thành những kết quả cụ thể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nước ta.