Phát triển thị trường mua bán nợ để thoát khủng hoảng

PV.

(Tài chính) Thị trường mua bán nợ ở nước ta còn chưa phát triển vì còn nhiều rào cản chính sách. Đây là nhận định của hầu hết các chuyên gia, nhà quản lý tại Hội thảo khoa học “Phát triển thị trường mua bán nợ: Rào cản chính sách và định hướng hoàn thiện” ngày 08/12/2012 tại TP.Hồ Chí Minh do Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) kết hợp với trường Đại học Tài chính – Marketing tổ chức.

Tình hình nợ xấu tại các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh
Tình hình nợ xấu tại các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh
Tại buổi hội thảo, có rất nhiều ý kiến tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các công ty mua bán nợ… về tình hình nợ xấu, cũng như kinh nghiệm xử lý nợ xấu của các nước trên thế giới. Theo nhận định của các chuyên gia, tình hình nợ xấu tại các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh, theo ước tính khoảng 250.000 tỷ đồng. Hiện nay, cũng đã có một số giải pháp để giải quyết nợ xấu, trong đó, một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra đó là thành lập các công ty mua bán nợ (AMC), phát triển thị trường mua bán nợ ở Việt Nam. 

PGS.,TS. Đào Hữu Huân, Trường Đại học Tài chính - Marketing khẳng định: “Kinh nghiệm của các nước cho thấy phát triển thị trường mua bán nợ một trong những biện pháp quan trọng để thoát khỏi khủng hoảng. Khi nợ xấu được xử lý sẽ giúp ổn định thị trường tài chính trong nước và nâng cao sức mạnh cho các định chế tài chính. Tại Việt Nam, nợ xấu phát sinh cao nhưng thị trường mua bán nợ lại chưa phát triển nên việc xây dựng thị trường này sẽ là việc cấp bách hiện nay”.

Trong khi đó, theo TS. Phạm Hồng Thái, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing, Việt Nam hiện đã có Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) thuộc Bộ Tài chính, tuy nhiên còn có nhiều rào cản, ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp (DN) này. Nhà nước cần có cơ chế đặc biệt cho DATC theo hướng tạo quyền chủ động trong xử lý nợ cho phù hợp với thông lệ quốc tế; xây dựng cơ chế về yêu cầu các ngân hàng thương mại bán nợ xấu cho DATC hoặc giao nguyên trạng các DNNN ví dụ như Tổng công ty Dâu tằm tơ, DN thuộc Vinashin…

Phát triển thị trường mua bán nợ để thoát khủng hoảng - Ảnh 1
Các chuyên gia tham dự hội thảo

TS. Phạm Hồng Thái cho biết thêm: “Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã cho phép thành lập các công ty mua bán nợ tư nhân trực thuộc các ngân hàng thương mại (khoảng 20 công ty AMC) song trên thực tế hoạt động của các công ty này vẫn chưa hiệu quả. Một phần nguyên nhân là do mục đích thành lập để che giấu nợ xấu, một phần khác là do rào cản chính sách như thủ tục kiện tụng, thu hồi tài sản thế chấp phức tạp, chi phí nợ xấu lớn, thời gian kéo dài…”

Theo TS. Nguyễn Bá Phúc, Chủ tịch Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.Hồ Chí Minh lo ngại sự độc quyền trong lĩnh vực này, do vậy, tới đây cần có cơ chế giám sát, phân loại nợ, phải có tiêu chí mua nợ, phải minh bạch thị trường. Chia sẻ thêm điều này, TS. Trần Nguyễn Ngọc Anh Thư, Trường Đại học Tài chính – Marketing: Cần nghiên cứu cơ chế để một số công ty tư nhân được hoạt động mua bán nợ, vì hiện nay nhu cầu xử lý nợ xấu cho các DN nhỏ và vừa đã xuất hiện.

Theo ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng Giám đốc DATC: “Hoạt động mua nợ và tái cơ cấu DN có những đặc thù riêng nên rất cần những chế tài riêng phù hợp. Việc  xử lý nợ xấu chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế, trong khi công tác này chủ yếu đặt lên vai DATC nhưng vốn điều lệ mới chỉ có 2.481 tỷ đồng nên khó lòng đáp ứng giải nợ xấu khổng lồ và cấp bách của nền kinh tế. Bên cạnh đó cần có cơ chế buộc các ngân hàng thương mại phải tích cực xử lý nợ xấu thay vì để họ tự giải quyết. Gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang quay lại và có ý định tham gia vào việc xử lý nợ xấu nhưng vẫn khó tiếp cận vì cơ chế, rào cản pháp lý”.