Phát triển thị trường vốn ASEAN, cơ hội cho Việt Nam

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Từ tháng 9/2012 đến tháng 8/2016, khối lượng giao dịch qua kết nối Liên kết Giao dịch ASEAN (ASEAN Trading Link) đã đạt hơn 1 tỷ đơn vị. Dù vậy, tiềm năng của ASEAN Trading Link vẫn còn rất lớn, bởi hoạt động này mới chỉ có sự tham gia của 3 quốc gia là Singapore, Thái Lan và Malaysia.

Khối lượng giao dịch qua kết nối ASEAN Trading Link đã đạt hơn 1 tỷ đơn vị.
Khối lượng giao dịch qua kết nối ASEAN Trading Link đã đạt hơn 1 tỷ đơn vị.

Thống kê về ASEAN Trading Link nói trên là một trong những nội dung liên quan đến Sáng kiến hợp tác các Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) ASEAN được bà Ong Lilee, thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) Sở GDCK Malaysia trình bày tại Hội nghị thành viên thường niên do Sở GDCK Hà Nội tổ chức diễn ra ngày 7/10 vừa qua.

Trình bày về cơ sở và triển vọng của chương trình phát triển TTCK ASEAN hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), bà Ong Lilee cho biết, từ năm 2003, tuyên bố hòa hợp ASEAN tại Bali (Indonesia) đã hướng tới cụ thể hóa tầm nhìn ASEAN đến năm 2020 và định hướng xây dựng Cộng đồng ASEAN với một trong những nội dung quan trọng là hàng hóa, dịch vụ, đầu tư được lưu chuyển tự do, đặc biệt là dòng vốn được lưu chuyển thông thoáng hơn.

Lý giải tầm quan trọng của yếu tố “dòng vốn được lưu chuyển thông thoáng hơn”, bà Ong Lilee dẫn lời Tổng thư ký Uỷ ban Chứng khoán Thái Lan với nhận định: “Các thị trường vốn ASEAN riêng lẻ là các thị trường quy mô nhỏ, phạm vi sản phẩm và dịch vụ hạn chế, tương đối thiếu thanh khoản, chi phí giao dịch cao và chênh lệch lớn giữa lợi suất đầu tư cổ phiếu so với lãi suất phi rủi ro, do khối lượng giao dịch bị phân lẻ.

Các thị trường ASEAN cần hợp tác sánh ngang với các thị trường phát triển để thu hút nhà đầu tư và các tổ chức phát hành ASEAN xem xét lựa chọn các thị trường ASEAN”.

Thông qua quan điểm này, đại diện Sở GDCK Malaysia khẳng định, việc tham gia hợp tác của các Sở GDCK ASEAN sẽ mang đến lợi ích lớn cho tất cả quốc gia trong khu vực. Cụ thể, đối với các chủ thể khác nhau, các nhà đầu tư, tổ chức trung gian và cơ quan quản lý sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Khi nói đến lợi ích là nhắc đến những thách thức đi kèm, bà Ong Lilee phân tích, do mức độ phát triển kinh tế giữa các thị trường là khác nhau nên ưu tiên của các Sở ASEAN hướng tới hội nhập là khác nhau và các sở này cũng chưa có sự thống nhất về mặt cơ cấu tổ chức. Bên cạnh đó, tại diễn đàn thị trường vốn ASEAN, các quốc gia cũng cho thấy những kỳ vọng và mục tiêu khác nhau.

Cũng vì vậy, “phiên họp các Tổng giám đốc Sở GDCK (diễn ra cùng ngày tại Hà Nội) đang thảo luận việc có nên có một hội đồng thư ký các Sở GDCK ASEAN vĩnh viễn hay không?”, bà Ong Lilee cho biết thêm.

Rõ ràng, các Sở đều đặt ra câu hỏi là lợi ích thực sự mang lại cho họ là gì. Bà Ong Lilee thừa nhận điều này, đồng thời cung cấp một số con số thống kê để chứng minh.

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Các sở GDCK toàn cầu, sau khi có sự hợp tác giữa các Sở GDCK ASEAN, mức tăng trưởng vốn hóa và giá trị giao dịch của các Sở GDCK tại ASEAN đã vượt trội hơn hẳn so với các Sở GDCK tại Châu Á (bao gồm các sàn chứng khoán lớn như Hồng Kông, Ấn Độ, Thượng Hải…).

Ngoài ra, giai đoạn 2010-2015, các ngân hàng đầu tư và qũy đầu tư của khu vực đã mở rộng địa bàn và trở thành những thành viên ASEAN đi đầu trên thị trường quốc tế. 

Lộ trình phát triển

Về tiến độ hợp tác của các Sở GDCK ASEAN, hiện nay có 7 Sở GDCK tham gia, 3 Sở còn lại Sở GDCK Lào, Myanmar, Campuchia đóng vai trò quan sát viên. Điều mà các Sở ASEAN đều thống nhất là xây dựng ASEAN như một phân lớp tài sản đầu tư.

Ngoài các hoạt động như xây dựng nhận diện thương hiệu, trang web chung ASEAN Exchanges, các thành viên ASEAN đang tích cực thực hiện các dự án như Kết nối ASEAN Trading Link (ATL) cho phép các giao dịch liên tục và kết nối giao dịch; Xử lý sau giao dịch ASEAN Post -Trade bổ sung cho ATL và việc quan trọng nhất là đưa ra sản phẩm chứng chỉ quỹ ETF mới dựa trên những bộ chỉ số như FTSE ASEAN All-Share Index, FTSE ASEAN Stars Index…

Về các sản phẩm mới, đáng chú ý có chỉ số FTSE ASEAN Stars Index là bộ chỉ số của 180 doanh nghiệp tốt nhất của ASEAN, được gọi là “180 ASEAN Stars”. Viêc lựa chọn danh sách này bao gồm 30 doanh nghiệp hấp dẫn nhất tại từng quốc gia ASEAN tính theo xếp hạng mức vốn hóa và độ thanh khoản.