Quả vải xuất ngoại và chuyện logistic

Theo dddn.com.vn

(Taichinh) - Được “visa” đi Mỹ, Úc… những tưởng là con đường “giải cứu” cho quả vải Việt Nam với sản lượng khoảng 250.000 tấn chín rộ mỗi vụ, nhưng khi đi trên còn đường ấy, mới thấy quá nhiều chông gai…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Là doanh nghiệp đầu tiên đưa hơn một tấn vải thiều sang đất Mỹ hồi đầu tháng, lúc này lãnh đạo Cty Rồng Đỏ ở TP. Hồ Chí Minh đang cân nhắc có tiếp tục xuất khẩu vào thị trường mới. “Sau chuyến hàng ngày 10/6, việc xuất khẩu sang Mỹ đang tạm dừng bởi hàng của chúng tôi không thể cạnh tranh được với vải bản xứ, Mexico và đặc biệt là vải của Trung Quốc” – ông Mai Xuân Thìn – Giám đốc Rồng Đỏ chia sẻ.

Ông Thìn cho biết, trong khi vải Việt Nam đến cảng hàng không của Mỹ có tổng giá thành trên 8 USD một kg thì vảiFlorida, Mexico, Trung Quốc rẻ hơn 4-6 USD nhờ có lợi thế về khoảng cách cũng như việc vận chuyển rất thuận lợi. “Từ nhà vườn tại Florida đến các trung tâm chỉ đi bằng xe tải hoặc nếu vận chuyển bằng máy bay thì tính bằng chi phí nội địa. Ngay như chuyển hàng từ Mexico đi vào Mỹ bằng đường bộ cũng chỉ mất 3 ngày. Tuy đi bằng đường biển, nhưng Trung Quốc có công nghệ bảo quản sau thu hoạch khá hoàn thiện, cộng với kinh nghiệm gần 10 năm ở thị trường Mỹ nên chi phí rẻ hơn dẫn đến giá thành vào thị trường này của một kg vải Trung Quốc chỉ khoảng 2,5 USD” – ông Thìn cho hay.

Ngoài ra, thu hoạch sớm hơn Việt Nam một tháng cũng là lợi thế của vải Trung Quốc. Tại Việt Nam, có được một kg vải xuất khẩu đạt chuẩn phải qua rất nhiều công đoạn, đặc biệt chiếu xạ và vận chuyển hàng không đang chiếm gần 80% giá thành.

“Riêng chuyến vải vừa qua, vận chuyển hàng không đã tốn 4,2 USD một kg, chưa tính 15% phí bao bì. Do vậy, rất khó để vải thiều Việt có thể chiếm lĩnh thị trường Mỹ trong thời gian ngắn” – đại diện Rồng Đỏ nhấn mạnh.

Một DN khác cho biết, để xuất khẩu vải sang Mỹ, Cty này đã thu mua 15 tấn vải của người nông dân. Tuy nhiên, trong số 15 tấn này, chỉ lọc ra được 3 tấn vải. Yêu cầu quả vải của thị trường Mỹ rất khắt khe: Mỗi quả vải phải có kích thước dưới 3cm, tỉ lệ đường dưới 20%. Như vậy, tỉ lệ vải được chọn chỉ chiếm có 1/5 số lượng vải thu mua. 12 tấn còn lại Cty lại phải đem bán ở thị trường trong nước. “Để bán được vải, tỉ lệ chuyên nghiệp hóa phải cao, ít nhất là 80% thu mua đạt yêu cầu mới chấp nhận được”, đại diện Cty này cho biết.

Cũng theo DN trên, sau khi chọn lọc được những quả vải chất lượng, số vải này phải mang đi chiếu xạ ở Bình Dương (tất cả đều phải tới Bình Dương vì đây là địa điểm duy nhất có máy chiếu xạ), cộng thêm đóng gói sản phẩm mất khoảng 3 USD/kg vải. Cuối cùng, vải đóng gói phải mang sang Mỹ mất thêm chi phí vận tải bằng máy bay mất thêm 3,5 USD – 4 USD nữa trên mỗi kg vải. Sau khi cộng tất cả chi phí lại, vải được bán giá khoảng 10 USD/kg, nghĩa là cũng không lời được bao nhiêu.

Quan trọng hơn quả vải muốn sang Mỹ phải thông qua máy bay chở khách của Việt Nam Airlines. Mỗi tháng chỉ có 4 chuyến bay từ Việt Nam sang Mỹ, mỗi lần mang theo tối đa 1 – 2 tấn. Cả mùa vải 1 tháng xuất được có 8 tấn vải, chẳng thấm vào đâu so với sản lượng 250.000 tấn vải mỗi vụ của Việt Nam.

DN chia sẻ, nếu muốn tăng sản lượng xuất khẩu, phải đi qua đường biển. Tuy nhiên, đặc thù trái vải phải bảo quản trong các container lạnh, thời gian để không được lâu, chỉ cần bị lưu bãi từ 1 – 2 ngày là có thể phải bỏ cả container hàng đi. Trái vải xuất đi từ Việt Nam cũng không thể đi thẳng tới các quốc gia khác mà phải tập trung tại Singapore trước, vì vậy thời gian càng bị kéo dài, gia tăng rủi ro hỏng hàng.

Theo một đại diện DN vận tải, vận chuyển hàng không chỉ là một khâu trong cả chuỗi logistics hiện nay, nhưng phương tiện vận tải vẫn là một trong những yếu tố quyết định và có chi phí lớn nhất trong chuỗi. Ông này cũng thừa nhận lợi thế xuất khẩu hàng nông sản, trong đó có quả vải tươi bằng đường hàng không của Việt Nam hoàn toàn không có. Tuy nhiên, là năm đầu tiên thử nghiệm thị trường nên hàng không vẫn là phương án tối ưu. Về lâu dài, cần nâng cấp hạ tầng sân bay, tăng số lượng máy bay để đáp ứng được nhu cầu hiện nay của các DN xuất khẩu nông sản nói chung. Ngoài ra, vận tải đường biển cũng là cách để hàng nông sản có lợi thế về giá thành hơn.

Tuy nhiên, là người trực tiếp đưa vải thiều sang Mỹ, ông Mai Xuân Thìn – Giám đốc Cty Rồng Đỏ cho rằng: kể cả đi bằng đường biển, quả vải Việt Nam cũng không thể rẻ hơn, ít nhất giá thành vẫn còn 3-3,5 USD, cao hơn Trung Quốc. “Thực lòng, DN xuất khẩu đang phải đặt câu hỏi có nên gánh rủi ro để vào thị trường Mỹ hay không. Dù năm tới đây chúng ta có công nghệ bảo quản, chiếu xạ tại miền Bắc và chuyển qua vận chuyển bằng đường biển cũng vẫn không thể cạnh tranh được với Trung Quốc” – ông chia sẻ.

Đối với chi phí hàng không, từ kinh nghiệm gần 10 năm đưa nông sản xuất khẩu đi một số thị trường trọng điểm, trong đó có Trung Đông, Giám đốc Cty Rồng Đỏ cho biết kể cả so sánh lợi thế với một số nước trong ASEAN, Việt Nam vẫn hoàn toàn lép vế.

Dẫn ví dụ từ việc vận chuyển chôm chôm sang Dubai (Các tiểu vương Ả Rập), ông Thìn cho biết, phí bay trong 7 giờ của Thái Lan là 2,08 USD một kg, từ Jakarta (Indonesia) trong 10 giờ bay hết khoảng 1,7 USD (đã tính cả phụ phí bao bì). Trong khi đó, từ TP. Hồ Chí Minh đi Dubai (cũng khoảng 7 giờ bay), chi phí mà nhà xuất khẩu đang phải bỏ ra là trên 3,77 USD.

“Sự đắt đỏ này khiến giá thành nông sản của Việt Nam cao hơn 2 nước cùng khu vực từ 1,6-2 USD. Đặc thù của chôm chôm cũng như quả vải không thể vận chuyển bằng đường biển qua 4 ngày, DN chỉ có thể sử dụng hàng không” – ông Thìn cho hay.

Do vậy, thực tế, dù chôm chôm của Việt Nam được trồng quanh năm, nhưng mỗi năm DN chỉ xuất được 1-2 chuyến vào Dubai khi mà Indonesia và Thái Lan đã qua mùa vụ thu hoạch. Mỹ chỉ cần hàng của Việt Nam để thay thế cho đến khi hai nước này vào vụ mới.

Chất lượng quả tươi của Việt Nam, trong đó có vải thiều được các đối tác đánh giá là ngon hơn so với vải bản xứ và Trung Quốc. Nhưng phí vận chuyển cao cũng như chưa đồng bộ một số khâu trong chuỗi cung ứng hàng đạt chuẩn đã khiến quả vải mất ngay lợi thế ở năm đầu tiên đi đất Mỹ.