Quản chặt hơn hoạt động đấu thầu

The mof.gov.vn

(Tài chính) Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Bản dự thảo mới nhất vừa được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Quản chặt hơn hoạt động đấu thầu
Theo quy định Luật Đấu thầu hiện hành, chỉ những dự án sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên mới phải tiến hành lựa chọn nhà thầu. Nguồn: internet

Điều chỉnh hoạt động đấu thầu của DNNN

Về điều chỉnh hoạt động đấu thầu của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Luật Đấu thầu hiện hành quy định về các hoạt động đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hoá, xây lắp đối với gói thầu thuộc các dự án sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên cho mục tiêu đầu tư phát triển; dự án sử dụng vốn nhà nước để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; dự án sử dụng vốn nhà nước để mua sắm tài sản phục vụ việc cải tạo, sửa chữa lớn các thiết bị, dây chuyền sản xuất, công trình, nhà xưởng đã đầu tư của DNNN.

Như vậy, đối với DNNN khi thực hiện dự án sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên cho mục tiêu đầu tư phát triển mới thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Nếu thực hiện dự án sử dụng vốn nhà nước dưới 30% hoặc dự án sử dụng nguồn vốn khác (như vốn vay không được nhà nước bảo lãnh) thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. Vì theo Nghị định 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật xây dựng quy định: Việc xác định phần vốn nhà nước tham gia từ 30% trở lên trong tổng mức đầu tư hoặc tổng vốn đầu tư của dự án đã phê duyệt, được tính theo từng dự án cụ thể, không xác định theo tỷ lệ phần vốn nhà nước đóng góp trong tổng vốn đăng ký của DN.

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định mọi hoạt động lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án đầu tư phát triển của DNNN đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật mà không phụ thuộc vào nguồn vốn, vì vốn đầu tư phát triển của DNNN thực chất cũng là vốn nhà nước, vốn DNNN đi vay nếu không trả được nợ thì cuối cùng Nhà nước vẫn phải có phương án xử lý.

Sau khi xem xét toàn diện, xin tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự án Luật quy định về việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp đối với các dự án đầu tư phát triển của DNNN, không phân biệt vốn đầu tư dự án được huy động từ nguồn vốn nào.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định như vậy sẽ làm cho DNNN khó cạnh tranh với DN thuộc các thành phần kinh tế khác vì phải mất thêm nhiều thời gian cho hoạt động đấu thầu, có thể mất cơ hội đầu tư.

Mức vốn nhà nước bằng số tuyệt đối 500 tỷ đồng

Theo quy định Luật Đấu thầu hiện hành, chỉ những dự án sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên mới phải tiến hành lựa chọn nhà thầu. Từ thực tiễn áp dụng Luật những năm qua cho thấy, có dự án sử dụng vốn nhà nước rất lớn nhưng tỷ lệ phần vốn nhà nước dưới 30% tổng mức đầu tư thì không phải thực hiện lựa chọn nhà thầu; trong khi đó, có dự án tuy sử dụng vốn nhà nước ít nhưng chiếm trên 30% tổng mức đầu tư của dự án lại phải tuân thủ quy định của Luật.

Vì vậy, một số ý kiến đề nghị quy định mức vốn nhà nước bằng số tuyệt đối trong Luật để khắc phục tình trạng này. Quy định như vậy cũng là phù hợp vì khi Luật Đấu thầu có hiệu lực thì nền kinh tế vĩ mô đã ổn định và không còn tăng giá.

Theo đó, dự án Luật quy định: Đối với dự án sử dụng dưới 30% vốn nhà nước trong tổng mức đầu tư, khi sử dụng mức vốn nhà nước từ 500 tỷ đồng trở lên, việc lựa chọn nhà thầu cũng phải thực hiện theo quy định của Luật.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng không nên quy định mức vốn nhà nước bằng số tuyệt đối trong Luật, đề nghị giao Chính phủ quy định phù hợp theo từng thời kỳ.