Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc

Tại buổi họp báo sau hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngày 7/7/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Chỉ sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, hiếm có hai quốc gia nào trên thế giới từ chỗ đối đầu, lại có thể “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai” để phát triển quan hệ cả về chất, tầm vóc và chiều sâu như vậy”.

Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang đứng trước những cơ hội để phát triển bền vững.
Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang đứng trước những cơ hội để phát triển bền vững.

Những bước tiến sau 20 năm bình thường hóa quan hệ

Chặng đường 20 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (12/7/1995) đến nay chưa phải là dài trong tiến trình lịch sử, song có thể nói, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã có những bước tiến vượt bậc, vượt qua nhiều khó khăn và đạt được nhiều thành quả tốt đẹp.

Về chất, hai nước đã trở thành đối tác (1995) và sau đó là Đối tác toàn diện được xác lập năm 2013 nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và tháng 7/2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thực hiện chuyến thăm lịch sử tới Hoa Kỳ. Hai chuyến thăm liên tục trong vòng hai năm qua là những dấu mốc quan trọng mà chính những người trong cuộc, vào thời điểm 20 năm trước, cũng khó hình dung ra được. Những chuyến thăm này cho thấy quá trình nỗ lực bền bỉ xây dựng lòng tin và mong muốn thúc đẩy hợp tác thực chất của cả hai bên.

Về tầm vóc, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã vượt lên mức độ hợp tác song phương để tạo thành thế “kiềng 3 chân”, bao gồm hợp tác song phương, khu vực và toàn cầu.

Thương mại hai chiều năm 2015 đã đạt 45 tỷ USD, tăng gấp 100 lần so với năm 1995 (451 triệu USD). Sau khi Hiệp định Thương mại song phương được ký kết, kim ngạch thương mại đã tăng đều đặn khoảng 20%/năm (kể cả trong giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008 - 2009), đưa Hoa Kỳ thành một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hai bên cũng ký kết và triển khai hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng - an ninh, khoa học công nghệ, y tế, nhân đạo, văn hóa, giáo dục… Hiện nay, số lưu học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ lên đến gần 17.000, đứng đầu các nước ASEAN và đứng thứ 8 trong số các nước có sinh viên đang học tập tại Hoa Kỳ. Quan hệ giữa các địa phương và giao lưu nhân dân cũng được đẩy mạnh, là cầu nối quan trọng, tạo điều kiện để nhân dân hai nước tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Ở cấp độ khu vực, Việt Nam và Hoa Kỳ cùng các nước kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - khuôn khổ mới cho thương mại tự do ở khu vực. Thông qua ASEAN, với tư cách là thành viên chủ động, tích cực, và có trách nhiệm, Việt Nam đã góp phần thúc đẩy Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Hoa Kỳ, phối hợp với Hoa Kỳ và các nước liên quan khác phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. Cùng với các nước khác, hai nước cũng hợp tác để thúc đẩy hòa bình ổn định tại Biển Đông, quản lý lưu vực sông Mekong phát triển hiệu quả và bền vững… Trên bình diện rộng lớn hơn, Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác sâu rộng, thực chất trên các diễn đàn đa phương và quốc tế, nhằm đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển bền vững trên thế giới, trong đó có vấn đề lực lượng gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, an ninh mạng, đối phó với dịch bệnh, thiên tai và biến đổi khí hậu.

Về chiều sâu, hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng tăng, phản ánh mức độ thực chất của quan hệ, nhất là những nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Quá trình xây dựng lòng tin giữa hai bên có những bước tiến đáng khích lệ. Việt Nam và Hoa Kỳ đã tiến hành trao đổi thường xuyên về các chủ đề phức tạp và còn khác biệt. Sự khác biệt về thể chế chính trị và trình độ phát triển giữa hai nước, những diễn biến và vận động phức tạp của quan hệ quốc tế và khu vực… là những thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của quan hệ song phương. Tuy nhiên, 20 năm qua, hai nước đã vượt qua nhiều khúc mắc mà nhiều lúc tưởng chừng không thể xử lý được. Đối thoại trong các lĩnh vực nhạy cảm như quyền con người được duy trì trên tinh thần thẳng thắn, xây dựng và cởi mở nhằm làm rõ các quan tâm của nhau, tạo điều kiện thúc đẩy các hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Quá khứ đã dần lùi xa, những thành tựu hiện tại và tương lai Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tiếp tục dựa trên bài học “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng và hướng tới tương lai”, cùng xây dựng quan hệ hữu nghị, bình đẳng vì lợi ích của nhân dân hai nước cũng như hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Chặng đường phía trước

Suy ngẫm những bài học của quá trình phát triển quan hệ hai nước, chúng ta có thể thấy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đang đứng trước những cơ hội để phát triển bền vững, thực chất và hiệu quả.

Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục được dự báo sẽ phát triển năng động nhất thế giới, đồng thời, khu vực cũng đang chứng kiến những va chạm về lợi ích, bao gồm vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ vốn kéo dài, phức tạp và khó giải quyết giữa các nước. Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục coi trọng, dành ưu tiên cao, tăng cường cam kết và hợp tác sâu rộng với khu vực.

Về phía Việt Nam, trong tiến trình hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế, trở thành một thành viên chủ chốt trong ASEAN và quốc gia tầm trung ở khu vực, Việt Nam tiếp tục coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với các nước lớn, trong đó có Hoa Kỳ, để phục vụ mục tiêu phát triển, đồng thời phát huy vai trò là đối tác quan trọng, đáng tin cậy của các nước.

Việc Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường quan hệ nhiều mặt, với trọng tâm là hợp tác phát triển, cũng phù hợp với việc xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa và hội nhập quốc tế sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.

Trong bối cảnh xuất hiện nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu nghiêm trọng mà không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết, tính phụ thuộc lẫn nhau và đan xen lợi ích giữa các quốc gia ngày càng gia tăng. Là mối quan hệ ngày càng có nhiều ý nghĩa quan trọng tại châu Á - Thái Bình Dương, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng gắn chặt hơn với những vấn đề của khu vực và quốc tế mà hai nước đang cùng nỗ lực xử lý như an toàn và tự do hàng hải, hàng không, tôn trọng luật pháp quốc tế, phi quân sự hóa Biển Đông, thực thi có hiệu quả Hiệp định TPP, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng cấu trúc khu vực ổn định và tích cực… Như vậy, mặt hợp tác cùng có lợi sẽ tiếp tục nổi trội, góp phần định hình khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài, bền vững.

Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những thách thức mà hai bên cần phải tiếp tục quan tâm giải quyết. Với việc trao đổi thương mại tăng trưởng nhanh, những cọ xát về kinh tế cũng có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, đây là điều bình thường trong quan hệ quốc tế mà hai bên cần tiếp tục xử lý trên cơ sở quan tâm tới lợi ích của nhau. Ngoài ra, quan điểm về vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo giữa hai bên vẫn còn khác biệt và tiếp tục bị một số đối tượng lợi dụng, thổi phồng, làm cản trở tiến trình hai bên tăng cường hợp tác. Ngoài ra, sự khác biệt về chế độ chính trị, chênh lệch về trình độ phát triển… vẫn tiếp tục tạo ra một số rào cản trong tiến trình tăng cường hiểu biết lẫn nhau.

Tuy nhiên, với những bài học rút ra từ chặng đường 20 năm qua, với những nền tảng đã được xác lập, có thể khẳng định rằng, mặc dù các khác biệt vẫn tồn tại, song bất đồng sẽ được thu hẹp tương đối so với mặt hợp tác, trong phạm vi hai bên có thể kiểm soát được và không gây trở ngại cho việc tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương. Điều quan trọng là hai bên cần tiếp tục các biện pháp để tăng cường lòng tin và hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng thể chế chính trị, sự lựa chọn con đường phát triển của mỗi nước. Với sự quyết tâm và kiên định của cả hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ song phương hiện nay, sự phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong thời gian tới sẽ không chỉ đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước, mà còn góp phần tích cực cho việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng ở khu vực.