Quản lý đầu tư công ở địa phương: Những bất cập từ phân cấp

Trần Sơn

(Tài chính) Kể từ thời kỳ Đổi mới, Chính phủ luôn chủ trương đẩy mạnh phân cấp nói chung và phân cấp quản lý đầu tư công nói riêng. Các chủ trương, định hướng, hành lang pháp lý và chính sách phân cấp quản lý đầu tư công tồn tại ở nhiều văn bản khác nhau. Chủ trương và định hướng phân cấp quản lý đầu tư công được trình bày trong Nghị quyết số 08/2004/NQ-CP ngày 30/6/2004 về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước. Khuôn khổ pháp lý cho quản lý đầu tư công được trình bày trong Luật Ngân sách 2002, Luật Đầu tư 2005, Dự thảo Luật Đầu tư công (2012), và nhiều đạo luật, nghị định, thông tư khác…

Để nâng cao chất lượng công trình đầu tư, cần nhanh chóng đưa công tác tư vấn giám sát vào quy củ. Nguồn: internet
Để nâng cao chất lượng công trình đầu tư, cần nhanh chóng đưa công tác tư vấn giám sát vào quy củ. Nguồn: internet
Phân cấp thực hiện đầu tư công gắn với phân cấp về nguồn tài chính. Có hai nguồn, một là nguồn từ Trung ương, hai là nguồn khai thác tại chỗ ở địa phương. Một cách tương  đối  nhất  quán,  chính  quyền  cấp  tỉnh  được  quyền  tự  quyết  gần  như hoàn toàn đối với các dự án đầu tư từ ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam có tới hơn 50 tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách thì đa số các dự án đầu tư ở địa phương (kể cả các dự án đầu tư của trung ương) đều phải trông chờ vào nguồn trợ cấp từ trên xuống.

Đầu tư theo cơ chế “xin - cho”- mạnh ai người đó “chạy”…

Theo TS. Võ Đại Lược, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới: Từ năm 2006 đến nay phần lớn dự án đầu tư công đều được phân cấp cho ngành và địa phương - hệ quả là việc quyết định đầu tư công đã tách rời việc bố trí vốn. Các ngành và địa phương quyết định về dự án đầu tư, nhưng nguồn vốn đều được ghi là “xin vốn từ ngân sách trung ương”. Không ít địa phương còn tận dụng các chuyến công du của lãnh đạo cấp cao tới địa phương để xin dự án - xin vốn.

Nguyên tắc phân cấp đầu tư từ Trung ương xuống địa phương vẫn được thực hiện theo quy mô và tầm quan trọng của dự án, được chia thành các dự án quan trọng của quốc gia là nhóm A, nhóm B, và nhóm C. Với cách nhìn của TS. Vũ Thành Tự Anh, đây là nguyên tắc phân cấp theo kiểu “những  gì  ở  cấp  trên  không  cần  làm  thì  cấp  dưới  sẽ  thực  hiện” và cấp trên thì luôn “nắm to, buông nhỏ” dẫn đến hiện  tượng  cấp dưới luôn  cảm  thấy bị gò bó còn cấp trên  luôn ở trong  tình  trạng quá  tải, không thể kiểm soát  được tình hình. Cách làm này cũng hoàn toàn đi ngược lại với nguyên tắc phổ biến trên thế giới là “những gì cấp dưới không làm được thì cấp trên mới phải làm” (từ dưới  lên).

Trong nguồn tài chính khai thác tại địa phương, ngoài hình thức huy động  đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng từ người dân, một hình thức khá phổ biến là khai thác từ tài nguyên mà chủ yếu là từ quỹ đất đai. Vào thời kỳ thị trường bất động sản đang sôi động, nhiều địa phương đã thu những khoản tiền rất lớn từ nguồn này, đặc biệt là đất tại những khu vực đô thị. Địa phương nào thu càng lớn thì đầu tư càng nhiều, từ đó nẩy sinh vấn đề xây dựng tràn lan, không có kế hoạch và không có sự liên kết đấu nối.

Phần vốn đầu tư được cấp theo cơ chế “xin - cho” thì mạnh ai người đó “chạy”, nếu xin được sẽ triển khai, chưa xin được thì sẵn sàng bỏ dở công trình… Từ chỗ “xin - cho”, các vận trù đầu tư trở nên thiếu kế hoạch đồng bộ, cái cần thì không được làm, cái không cần thì cố gắng “chạy” để làm. Mục đích lớn nhất của việc “chạy xin” hầu như không phải là giải quyết hệ thống cơ sở hạ tầng đang cần thiết và bức bách mà chủ yếu là triển khai những công trình có thể tạo ra nhiều địa lợi cho các chủ đầu tư và nhà thầu.

Ví dụ, các địa phương thường rất ít xin đầu tư những công trình xây dựng như trường học vì đó là những công trình nổi, khó che giấu khối lượng hoặc bớt xén…mà chỉ tập trung chạy xin những dự án công trình xây dựng ngầm như: đường sá, kè sông hồ, cầu cảng, mương máng để dễ dàng che đậy những hành vi tiêu cực…Trên thực tế, không ít địa phương mặc dù còn thiếu thốn các cơ sở y tế, trường học nhưng vẫn đầu tư rất nhiều vào các công trình kè dọc hai bên bờ sông, trong khi điều kiện tự nhiên không thực sự phù hợp nên hàng năm mưa lũ vẫn tiếp tục gây xói lở.

Đầu tư cơ sở hạ tầng - “dàn nhạc” được điều khiển bởi nhiều “nhạc trưởng”

Một điểm bất cập tiếp theo, vấn đề đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị có thể  ví như “dàn nhạc” được điều hành bởi một “nhạc trưởng”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc vận hành đầu tư này đang rất hỗn loạn, giống như một dàn nhạc được điều hành bởi rất nhiều nhạc trưởng, và vị nào cũng cho rằng mình là nghệ sĩ thực tài.

Có thể thấy rõ, trên một đô thị hiện nay, nếu quốc lộ đi qua thì Bộ Giao thông vận tải vận trù đầu tư, nếu tỉnh lộ đi qua thì cấp tỉnh vận trù đầu tư, nếu đường điện đi qua thì sẽ do Bộ Công thương đầu tư…Bởi vậy, nhiều địa phương đã phản ánh rằng, không ít đoạn quốc lộ đi qua tỉnh thành dù đang rất đẹp nhưng để giải ngân vào cuối năm, các chủ đầu tư vẫn tiến hành nâng cấp rải thảm, trong khi vô số con đường thuộc địa phương quản lý dù đã xuống cấp trầm trọng nhưng vì địa phương không có vốn nên vẫn phải nằm chờ…

Với một đô thị mới, về nguyên tắc thì hạ tầng kỹ thuật ngầm phải được xây dựng trước, đường mương, vỉa hè xây dựng sau. Thế nhưng trên thực tế, rất nhiều đô thị lại xây dựng nhà cửa trước, sau đó là xây dựng đường mương và công trình hạ tầng kỹ thuật thực hiện sau cùng. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta đã vận hành theo quy trình ngược và từ đó “bài ca đường làm trước, điện nước đào sau” dường như vẫn chưa thể chấm dứt.

Tình trạng thiếu thống nhất, đồng bộ còn thể hiện qua việc không có sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ đầu tư khác nhau trên một hạ tầng kỹ thuật. Những chủ đầu tư mạnh tài chính sẽ thực hiện trước, những chủ đầu tư không đủ vốn sẵn sàng bỏ nửa chừng. Có những công trình thoát nước được thực hiện bởi ba chủ đầu tư thì chỉ đoạn trung nguồn được xây dựng đúng tiến độ, còn đoạn thượng nguồn và hạ nguồn vì thiếu vốn nên chủ đầu tư không thể tiến hành, hậu quả là công trình bị thực hiện cầm chừng, kéo dài thời gian, chậm đưa vào sử dụng nên hiệu quả ngày càng bị giảm thiểu.

Yếu kém năng lực quản lý và lỏng lẻo cơ chế đối với tư vấn giám sát

Về quản lý, phân cấp phải gắn với trình độ quản lý đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay vẫn còn thực hiện theo phong trào, không theo năng lực thực tế của cán bộ. Tại nhiều địa phương, năng lực bộ máy quản lý, đặc biệt là ở cấp phường, xã vốn rất trì trệ và yếu kém nên càng không thể quản lý nổi trong thời kỳ đầu tư công dàn trải tràn lan.

 Để đảm bảo những yêu cầu khách quan và phù hợp với nền kinh tế thị trường, vấn đề giám sát, tư vấn đầu tư những năm gần đây đã được giao cho các tổ chức hoặc doanh nghiệp tư vấn giám sát. Tổ chức tư vấn này thay mặt chủ đầu tư giám sát mọi hoạt động thi công của nhà thầu trên công trường cũng như đề xuất xử lý kỹ thuật tại hiện trường. Thế nhưng hiện nay chúng ta vẫn còn thiếu những chế tài ràng buộc chặt chẽ về vấn đề này.

Theo ý kiến của một số lãnh đạo địa phương, trước đây, khi tư vấn giám sát còn thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước, trách nhiệm này thường được gắn chế tài khá chặt chẽ, ngoài ràng buộc về kinh tế còn có những ràng buộc áp lực về chính trị. Chính vì thế, công tác tư vấn giám sát phát huy hiệu quả cao hơn. Hiện nay, khi nhiệm vụ này thiếu hẳn vai trò dẫn dắt của các cơ quan nhà nước và thiếu chế tài ràng buộc, các tổ chức tư vấn khảo sát, thiết kế, giám sát… sẽ dễ dàng đồng thuận với nhà thầu. Lúc đó, những cơ quan thẩm định còn lại của Nhà nước sẽ chịu một áp lực rất lớn và rất khó khăn để bảo vệ ý kiến hoặc phản biện.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, để nâng cao chất lượng công trình đầu tư, chúng ta không thể chậm trễ trong việc đưa công tác tư vấn giám sát vào quy củ. Tư vấn giám sát là mắt xích gắn kết nhà thầu với chủ đầu tư nên lực lượng này cần phải minh bạch, chuyên nghiệp. Cần quy định rõ quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hành nghề, từ đó có chế tài xử lý cụ thể, bao gồm: phạt tiền, cấm hành nghề, các trường hợp xử lý hình sự đối với tổ chức, cá nhân tư vấn giám sát và có biện pháp tổ chức thực hiện nghiêm để đảm bảo tính răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm, tiêu cực.

Bài đăng trên Tài chí Kiểm toán số 12 - 2013