Quản lý hải quan đối với hàng hóa nhận gia công: Những vấn đề đặt ra

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 12-2015

Những năm vừa qua, Việt Nam đã có nhiều cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhận gia công, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh những cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, thực tiễn cũng đã đặt ra không ít thách thức mới trong quản lý nhà nước về hải quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đổi mới từ hành lang pháp lý

Trong hoạt động gia công quốc tế, hàng hóa gia công được hiểu là toàn bộ hàng hóa được đưa vào, đưa ra lãnh thổ hải quan nhằm thực hiện hoạt động gia công hàng hóa và được thể hiện cụ thể trên hợp đồng gia công.

Thủ tục hải quan đối với hàng hoá gia công cho thương nhân nước ngoài là tất cả các hoạt động tác nghiệp mà người khai hải quan và công chức hải quan phải thực hiện theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa gia công cho thương nhân nước ngoài.

Để tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động nhận gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài, thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công được quy định bởi: Luật Hải quan năm 2014; Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu 2005; Luật Quản lý thuế năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế năm 2014.

Cùng với đó là các văn bản hướng dẫn như: Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài; Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 25/3/2015 quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Bên cạnh đó, thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhận gia công cho thương nhân nước ngoài cũng được hướng dẫn cụ thể như: Thông báo cơ sở gia công; Xây dựng định mức sử dụng và tỷ lệ hao hụt; Nhập khẩu, nguyên liệu, phụ liệu gia công; Xuất khẩu sản phẩm gia công; Báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hóa xuất khẩu.

So với các quy định trước đây, khi thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhận gia công doanh nghiệp (DN) không phải thực hiện thông báo hợp đồng gia công; không phải thực hiện thông báo định mức sử dụng và tỷ lệ hao hụt; không phải thanh khoản hợp đồng gia công. Khi thực hiện thủ tục nhập khẩu nguyên liệu, cơ quan hải quan không thực hiện lấy mẫu lưu nguyên liệu và khi xuất khẩu sản phẩm gia công, DN không phải xuất trình mẫu lưu nguyên liệu cho cơ quan hải quan kiểm tra.

Một số vấn đề đặt ra

Những quy định mới trong thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhận gia công cho thương nhân nước ngoài đã tạo nhiều thuận lợi cho các DN nhận gia công và tạo ra nhiều cơ hội trong kinh doanh của DN như: Tăng uy tín tốt của DN và tăng lợi thế cạnh tranh đối với các DN gia công của các nước khác; Tạo cơ hội giảm tải dư thừa lao động hay thất nghiệp để phát triển nguồn nhân lực; Tăng nguồn thu ngoại tệ và tạo điều kiện tốt để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập; Thu hút sự đầu tư, kỹ thuật quản lý hiện đại và kinh nghiệm quản lý phương thức tổ chức sản xuất tiên tiến; Nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, những quy định mới trong thủ tục hải quan hiện nay đã đem lại nhiều thách thức trong quản lý Nhà nước về hải quan đối với hàng gia công, cụ thể như sau:

Thứ nhất, vướng mắc khi kiểm tra mẫu biểu Báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư.

Cơ quan hải quan không quản lý số lượng nguyên liệu vật tư nhập khẩu cho hợp đồng gia công và số lượng sản phẩm xuất khẩu cho hợp đồng gia công thông qua định mức mà DN thông báo cho cơ quan hải quan như trước đây.

Cơ quan hải quan chỉ quản lý thông qua báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu thông quan mẫu biểu số 15/BCQT/GSQQL được ban hành theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, qua mẫu biểu này, cơ quan hải quan sẽ không biết được thông tin loại nguyên liệu được sử dụng để sản xuất cho thành phẩm nào và của hợp đồng gia công nào.

Khi gặp trường hợp, nhiều thành phẩm sử dụng chung một hoặc nhiều loại nguyên liệu với định mức sử dụng khác nhau, qua bảng biểu này, cơ quan hải quan không nắm bắt được thông tin chính xác về lượng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu được sử dụng cho từng hợp đồng gia công.

Mặt khác, theo quy định về nguyên tắc hạch toán kế toán, khi giao nhận nguyên liệu phục vụ hợp đồng gia công và khi nhập xuất thành phẩm gia công. Kế toán hạch toán nghiệp vụ kinh tế phát sinh thông qua tài khoản ngoài bảng. Nhưng theo quy định của Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán DN, các tài khoản ngoài bảng đã được bỏ và khi phát sinh nghiệp vụ DN theo dõi ngoài.

Như vậy, những DN áp dụng chế độ kế toán theo Thông tư 200/2014/TT-BTC khi lập báo cáo quyết toán sẽ không thể điền thông tin vào cột (2) của mẫu biểu Số 15/BCQT/GSQQL, các số liệu tổng hợp ở cột (4), (5), (6), (7) sẽ không được dựa trên căn cứ số kế toán mà dựa trên các ghi chép bên ngoài của DN.

Trong một số trường hợp cần kiểm tra, cơ quan hải quan sẽ không có căn cứ cơ sở pháp lý chính thức về hạch toán kế toán để thẩm định báo cáo của DN. Đây chính là một thách thức lớn cho cơ quan hải quan.

Thứ hai, vướng mắc khi xác định tỷ lệ hao hụt nguyên liệu vật tư trong quá trình gia công.

Theo quy định hiện nay, tỷ lệ hao hụt nguyên liệu hoặc vật tư là lượng nguyên liệu hoặc vật tư thực tế hao hụt bao gồm hao hụt tự nhiên, hao hụt do tạo thành phế liệu, phế phẩm. Tỷ lệ hao hụt có 2 cách tính:

Cách 1: Tỷ lệ hao hụt tính theo tỷ lệ % so với định mức thực tế sản xuất. Nếu theo cách tính này, tỷ lệ hao hụt có thể lớn hơn 100%.

Cách 2: Tỷ lệ hao hụt tính theo tỷ lệ % so với định mức sử dụng nguyên liệu hoặc định mức vật tư tiêu hao. Nếu tính theo cách này, tỷ lệ hao hụt không bao giờ vượt quá 100%, bởi vì lượng nguyên liệu tiêu hao chỉ tối đa bằng lượng nguyên liệu đưa vào sản xuất.

Các DN gia công hiện nay khi xây dựng định mức sản xuất sản phẩm gia công, có thể lựa chọn một trong hai cách để xây dựng tỷ lệ hao hụt, không bắt buộc phải lựa chọn thống nhất một cách tính.

Do vậy, nhiều DN khi xây dựng định mức đã xác định tỷ lệ hao hụt theo đồng thời cả 2 cách tính, thậm chí trong hợp đồng gia công có nhiều sản phẩm gia công, khi xác định tỷ lệ hao hụt cũng được thực hiện song song cả hai cách.

Việc xây dựng tỷ lệ hao hụt theo 2 cách song song, đã làm cho cách tính toán và lưu trữ hồ sơ chứng minh định mức xây dựng của DN phức tạp hơn. Chính sự phức tạp này đã tạo ra nhiều khó khăn và vướng mắc cho cơ quan hải quan khi kiểm tra tình hình sử dụng nguyên liệu vật tư nhập khẩu của DN gia công.

Thứ ba, trình độ chuyên môn về kế toán kiểm toán của công chức hải quan làm công tác giám sát quản lý chưa được đào tạo chuyên sâu, đã gặp nhiều khó khăn khi kiểm tra sổ sách kế toán của DN để thẩm định báo cáo quyết toán.

Khi kiểm tra tình hình sử dụng nguyên liệu phục vụ cho hợp đồng gia công, công chức hải quan thực hiện công tác kiểm tra theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Để đánh giá được mức độ rủi ro của các báo cáo quyết toán của các DN nhận gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài, công chức hải quan phải kiểm tra và thẩm định tính chính xác của báo cáo quyết toán.

Trong một số trường hợp, công chức hải quan phải thực hiện kiểm tra sổ sách kế toán của DN, lúc này vai trò của công chức hải quan ở bộ phận giám sát quản lý được thực hiện như công chức hải quan ở bộ phận kiểm tra sau thông quan.

Khi số lượng DN gia công hàng xuất khẩu ở Việt Nam ngày một gia tăng với tốc độ ngày càng cao, đã và đang đặt ra những thách thức lớn trong công tác quản lý nhà nước về hải quan.

Năm 2014, số lượng DN có hoạt động gia công hàng xuất khẩu hơn 4.360 DN, chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2015 số DN hoạt động gia công hàng xuất khẩu đã đạt hơn 3.680 DN với giá trị kim ngạch hàng nhập khẩu đạt trên 11,45 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dự kiến hết năm 2015 sẽ có khoảng gần 5000 DN gia công hàng xuất khẩu.

Đề xuất các giải pháp

Để đáp ứng các yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa nhận gia công cho thương nhân nước ngoài đối với cơ quan hải quan.đồng thời, hạn chế những vướng mắc trong quá trình quản lý Nhà nước về hải quan đối với hàng hóa nhận gia công cho nước ngoài, trong thời gian tới cần thực hiện các giải pháp như sau:

Thứ nhất, cần bổ sung mẫu biểu báo cáo trong báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu và sản phẩm xuất khẩu sao cho trong báo cáo phải thể hiện được thông tin: Từng mã sản phẩm xuất khẩu đã sử dụng những loại nguyên liệu nào và với số lượng nguyên liệu tiêu dùng cụ thể.

Khi đó, thông quan mẫu biểu này, cơ quan hải quan sẽ gián tiếp kiểm tra được thông tin về định mức sử dụng nguyên liệu mà không cần DN nộp báo cáo định mức. Từ đó, cơ quan hải quan sẽ kiểm tra được số lượng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu sử dụng cho các sản phẩm gia công xuất khẩu và có cơ sở dữ liệu về quản lý rủi ro đối mới định mức sử dụng nguyên liệu đối với các sản phẩm gia công.

Mặt khác, cần thống nhất mẫu biểu báo cáo quyết toán theo cả 2 đơn vị tính là số lượng và giá trị đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu và sản phẩm xuất khẩu. Bởi vì, chỉ thông qua chỉ tiêu báo cáo về số lượng cơ quan hải quan mới đánh giá và phân tích được tình hình sử dụng nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho hợp đồng gia công.

Thứ hai, cần thống nhất 01 cách xác định tỷ lệ hao hụt nguyên liệu, vật tư là tỷ lệ hao hụt tính theo tỷ lệ % so với định mức thực tế sản xuất. Vì theo cách này đã phản ánh đúng bản chất của sản xuất là tỷ lệ hao hụt không thể lớn hơn tổng lượng nguyên liệu cho sản xuất. Khi đó cả DN và cơ quan hải quan dễ dàng hơn trong cách xây dựng và kiểm tra về chỉ tiêu này.

Đây là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá việc sử dụng nguyên liệu đúng mục đích và đúng quy định sản xuất sản phẩm gia công, nhằm ngăn ngừa tình trạng gian lận trong định mức sử dụng nguyên liệu và tỷ lệ hao hụt để trốn thuế khi thực hiện hợp đồng gia công.

Thứ ba, tập trung đào tạo chuyên nghiệp và chuyên sâu về kế toán và kiểm toán cho đội ngũ công chức hải quan làm công tác giám sát quản lý. Từ đó, giúp cho công chức hải quan khi kiểm tra sổ sách kế toán của DN có kết quả nhanh chóng, chính xác và nâng cao tính chuyên nghiệp trong kiểm tra.

Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra sau thông quan đối với các DN nhận gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài. Công đoạn này yêu cầu đội ngũ công chức hải quan chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên sâu về kế toán, kiểm toán và kinh nghiệm kiểm tra sổ sách kế toán của DN.

Thứ năm, xây dựng hệ thống thông tin về DN gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài. Thông tin về DN phải thể hiện được những thông tin về tư cách pháp nhân, về quá trình hoạt động các hợp đồng gia công của DN, các mặt hàng gia công, các đối tác nước ngoài đặt gia công, giá trị hợp đồng gia công mà DN thực hiện, tình hình chấp hành pháp luật của DN.

Trong quản lý nhà nước về hải quan đối với loại hình hàng hóa này, thông tin về DN sẽ giúp cho nhà quản lý ra quyết định nhanh chóng, dễ dàng. Hệ thống thông tin được củng cố sẽ là cơ sở dữ liệu tốt để ngành Hải quan khai thác và có những biện pháp quản lý DN tốt hơn.