Phát triển du lịch biển tại Cửa Lò

Du lịch biển, đảo đang trở thành một chiến lược phát triển của Thị xã Cửa Lò và hiện là ngành kinh tế chủ đạo của địa phương. Tỷ trọng kinh tế du lịch chiếm 65 -70% tổng thu nhập của Thị xã. Hàng năm, có hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến với Cửa Lò, góp phần tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội trên địa bàn Thị xã nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung.

Tiếp tục bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Tỉnh uỷ về “xây dựng và phát triển thị xã Cửa Lò thành Đô thị du lịch giai đoạn 2006 - 2015 có tính đến năm 2020, chính quyền thị xã Cửa Lò đã tích cực tận dụng các cảnh quan và sinh thái vùng ven biển, kêu gọi sự đầu tư để phát triển nhanh cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng có chất lượng cao. Bên cạnh ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển du lịch, thị xã đặc biệt chú trọng công tác quản lý nhà nước về du lịch biển, quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch kể cả gián tiếp và trực tiếp.

Trong những năm qua, Phòng Văn hóa và Thông tin đã phối hợp với các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học trong nước mở nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh doanh du lịch cho đội ngũ cán bộ chủ chốt nhằm nâng cao năng lực quản lý và kinh doanh du lịch. Nhờ vậy, chất lượng lao động của ngành Du lịch nói chung, du lịch biển tại Cửa Lò nói riêng đã có sự thay đổi tích cực. Số lao động đào tạo về chuyên môn, ngoại ngữ, tin học có xu hướng tăng. Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Cửa Lò còn tham gia phối hợp đào tạo các khóa học về công tác cứu hộ, tập huấn văn hóa ứng xử du lịch, tổ chức lớp tập huấn quản lý nhà nước về du lịch cho cán bộ thị xã, phường, xã và các đơn vị liên quan...

Về quy hoạch, xây dựng và thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch biển: Thị xã Cửa Lò đã có nhiều chủ trương, chính sách thông thoáng nhằm kêu gọi các dự án đầu tư với mong muốn đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế -xã hội. Thị xã Cửa Lò hiện có7 dự án lớn với nguồn vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. Các dự án này đều có nguồn vốn lớn, điển hình là 2 dự án: Khu du lịch Resoft nằm ở Cửa Hội với diện tích 34 ha, tổng mức đầu tư cho dự án lên tới 1.236 tỷ đồng và Khu du lịch Phía bắc Bán đảo Lan Châu, rộng 17 ha với tổng mức đầu tư 588 tỷ đồng.

Cửa Lò cũng đang tập trung cho các dự án đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng, như: Xây dựng các khu đô thị, biệt thự cao cấp trên địa bàn phường Nghi Thu và Nghi Thủy, rộng 17 ha với tổng số vốn đầu tư là 400 tỷ đồng; Dự án khu khách sạn nhà hàng rộng 0,6 ha tại Cửa Hội với tổng mức đầu tư là197 tỷ đồng… Ngoài ra, Thị xã Cửa Lò còn có các các dự án đầu tư nhỏ như: Dự án xây dựng các trung tâm dịch vụ cao cấp vui chơi, giải trí. Khu du lịch bốn mùa của Tổng công ty du lịch Hà Nội đang triển khai tại phường Nghi Hoà, Dự án siêu thị - khách sạn BMC Cửa Lò có tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng. Cửa Lò cũng đang xúc tiến, kêu gọi thu hút các nhà đầu tư vào các dự án trọng tâm như: Dự án Đảo Ngư với diện tích 49ha, Dự án xây dựng các nhà máy sản xuất công nghiệp sạch tại Nghi Thu rộng 4ha…

Một số giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về du lịch biển tại Cửa Lò

Để du lịch biển Cửa Lò phát triển, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển du lịch Nghệ An và vùng du lịch Bắc Trung Bộ, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước như sau:

Thứ nhất, ban hành chuẩn hóa văn bản quy phạm pháp luật về du lịch biển. Thời gian qua, việc ban hành văn bản pháp luật ở lĩnh vực du lịch biển trên địa bàn thị xã vẫn còn nhiều thiếu sót. Trong thời gian tới, cần phải có sự chuẩn hóa trên lĩnh vực ban hành để văn bản ra đời đúng định hướng, kịp thời và đồng bộ, làm căn cứ xác định nhiệm vụ quản lý và thực thi của những cơ quan đơn vị thuộc ngành và lĩnh vực có liên quan. Theo đó, cần rà soát lại những văn bản thuộc lĩnh vực du lịch biển và những văn bản có liên quan, lập danh sách thứ tự các văn bản còn hiệu lực ban hành, phát hiện những văn bản sai sót để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế du lịch biển...

Bên cạnh đó, việc ban hành văn bản pháp luật cần chú ý ở các khâu: Thẩm quyền ban hành văn bản trong lĩnh vực du lịch - du lịch biển nói riêng cần được thống nhất ở các cấp, các ngành theo quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan, đơn vị; Tránh tình trạng ban hành văn bản chồng chéo, thiếu tính thống nhất giữa cơ quan trung ương và địa phương, giữa UBND thị xã và các phòng, ban…

Thứ hai, giải pháp về tổ chức quản lý. Là ngành kinh tế mang tính liên ngành, việc tổ chức quản lý các hoạt động du lịch cần có sự phối kết hợp chặt chẽ với các ngành nông nghiệp, thủy sản, xây dựng, giao thông vận tải, tài chính, thương mại, bảo hiểm... Cũng vì vậy phải có sự nhận thức đúng đắn về phát triển du lịch, vai trò của ngành Du lịch đối với các ngành và ngược lại giữa sự phát triển của các ngành, xã hội đối với sự phát triển du lịch. Trong thời gian tới, Phòng Văn hóa và Thông tin cần tranh thủ sự chỉ đạo, đầu tư của các cơ quan cấp trên nhằm rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch du lịch, gắn kết hài hòa giữa phát triển du lịch với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng ban hành hệ thống quy định làm cơ sở pháp lý cho việc thực thi quy hoạch phát triển du lịch, tổ chức quản lý các hoạt động du lịch có hiệu quả. Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc hoạt động của các sơ sở kinh doanh du lịch, cũng như của cộng đồng cư dân làm du lịch nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực đến tài nguyên môi trường, trật tự an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Thứ ba, quản lý nội dung và chất lượng đào tạo nguồn lực du lịch biển. Chú trọng đến công tác đào tạo nguồn cán bộ chất lượng cao tại địa phương. Phòng Văn hóa và Thông tin cần phối hợp với phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo xây dựng và hoàn thiện nội dung đào tạo về nghiệp vụ du lịch biển. Cần tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về chất lượng giảng dạy, học tập và thi cử của các cơ sở này; Cử cán bộ chuyên trách việc cập nhật những quy định pháp lý mới, kiến thức chuyên môn mới, thống kê thường xuyên số liệu, thị hiếu, xu hướng mới của khách du lịch đến biển... để cung cấp kiến thức thông tin mới nhất, phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy và học tập về du lịch biển cho các cơ sở đào tạo. UBND thị xã Cửa Lò cần đứng ra liên hệ, giới thiệu, tạo điều kiện để học viên đi thực tế và thực tập tại các khu du lịch, công ty du lịch, lữ hành, các khách sạn... Tùy theo từng đối tượng lao động quản lý hay trực tiếp, UBND thị xã Cửa Lò cần đề xuất đào tạo bồi dưỡng với nội dung và phương pháp cho phù hợp.

Thứ tư, tăng cường thu hút vốn đầu tư. Xúc tiến thành lập cơ quan maketing địa phương chuyên làm công tác thu hút vốn đầu tư cho thị xã Cửa Lò. Mở khóa bồi dưỡng marketing địa phương cho cán bộ và tổ chức các buổi hội thảo nghiên cứu marketing địa phương. Tiếp tục ban hành và thực hiện các chính sách ưu đãi đặc biệt, hấp dẫn đối với các doanh nghiệp đầu tư nói chung và trực tiếp phục vụ ngành Du lịch biển nói riêng. Huy động nguồn vốn trong và ngoài nước và dành ra một phần ngân sách địa phương trích từ nguồn thu du lịch biển để tái đầu tư cơ sở hạ tầng, tôn tạo các tuyến điểm tham quan, di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh biển qua các phương tiện thông tin đại chúng, website...

Thứ năm, hoàn thiện công tác quy hoạch. Quy hoạch du lịch là một nhiệm vụ quan trọng, cần phải tiến hành trước một bước, nhằm khảo sát, đánh giá các nguồn lực phát triển du lịch, xây dựng các chương trình, các kế hoạch, các dự án nhằm khai thác hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực phát triển du lịch, định hướng theo dõi kiểm tra giám sát. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp bổ sung đối với các hoạt động xây dựng và phát triển du lịch theo mục tiêu, kế hoạch đã đưa ra nhằm đưa du lịch biển Cửa Lò phát triển ở tầm cao mới.

Quản lý nhà nước về du lịch biển: Thực tiễn và kinh nghiệm

ThS. TRẦN PHAN LONG

(Tài chính) Trong những năm qua, du lịch biển Cửa Lò (Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, bên cạnh thành quả đạt được, một số yếu tố đang xuất hiện có ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của du lịch biển Cửa Lò và tác động đến việc thực hiện quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Nghệ An. Bài viết này không chỉ phản ánh thực trạng trên, mà còn đưa ra giải pháp thúc đẩy sự phát triển du lịch tại khu du lịch biển Cửa Lò trong thời gian tới.

Xem thêm

Video nổi bật