Quản lý nợ công đảm bảo an toàn, hiệu quả

PV.

(Tài chính) Cùng với việc ban hành Luật Quản lý nợ công, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức xây dựng các công cụ kiểm soát nợ từ chiến lược nợ công, chương trình trung hạn, các kế hoạch vay trả nợ và các hạn mức vay cụ thể hàng năm cũng như đề ra hệ thống các chỉ tiêu giám sát an toàn nợ trong từng giai đoạn, đồng thời triển khai các nghiệp vụ quản lý nợ công theo đúng quy định, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức xây dựng các công cụ kiểm soát nợ từ chiến lược nợ công. Nguồn: internet
Bộ Tài chính đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức xây dựng các công cụ kiểm soát nợ từ chiến lược nợ công. Nguồn: internet

Sau 5 năm triển khai thực hiện, về cơ bản Luật quản lý nợ công và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật đã tương đối đầy đủ, bao quát khá toàn diện các nội dung đối với công tác quản lý nợ công. Luật Quản lý nợ công và các văn bản hướng dẫn đã được phổ biến, tuyên truyền một cách rộng rãi dưới các hình thức khác nhau đến các cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nợ cũng như các đối tượng sử dụng nợ công.

Đánh giá một cách tổng thể, việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công của nước ta thể hiện trên một số mặt chủ yếu sau đây:

Thứ nhất,
Bộ Tài chính đã huy động một khối lượng vốn lớn bổ sung cho cân đối ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước.

Huy động vốn vay của Chính phủ tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước, với nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho cân đối ngân sách nhà nước và đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2013 đạt ở mức cao, khoảng 404 nghìn tỷ đồng, tăng trên 40% so với năm 2012; năm 2014 ước đạt 470 nghìn tỷ đồng, tập trung vào vay ODA, vay ưu đãi và phát hành trái phiếu Chính phủ, góp phần thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hàng năm đã được Quốc hội phê duyệt.

Việc phát hành trái phiếu Chính phủ được đánh giá là kênh huy động vốn giữ vị trí quan trọng; phương thức phát hành trái phiếu chính phủ chủ yếu, bao gồm: đấu thầu, bảo lãnh phát hành, bán lẻ và phát hành trực tiếp cho BHXH, SCIC. Năm 2012, phát hành trái phiếu Chính phủ 144 nghìn tỷ đồng; kỳ hạn phát hành bình quân là 2,97 năm, lãi suất bình quân 9,8%/năm. Năm 2013, phát hành gần 182 nghìn tỷ đồng, trong đó dành khoảng 40 nghìn tỷ đồng để đảo nợ; kỳ hạn bình quân là 3,21 năm, lãi suất bình quân khoảng 7,79%/năm. Năm 2014, phát hành khoảng 262 nghìn tỷ đồng; kỳ hạn bình quân là 4,85 năm, lãi suất bình quân là 6,62%/năm. Hình thức tín phiếu, trái phiếu đa dạng hoá với nhiều kỳ hạn khác nhau, tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn dưới 1 năm, 2 năm, 3 năm, 5 năm, 10 năm và 15 năm để thu hút vốn nhàn rỗi trong các tầng lớp dân cư, các tổ chức kinh tế, tín dụng, đảm bảo kịp thời nhu cầu vốn cho cân đối ngân sách nhà nước và đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, tạo công cụ để phát triển thị trường vốn và điều hành thị trường tiền tệ.

Trong năm 2013 - 2014, trong điều kiện kinh tế vĩ mô dần ổn định, lãi suất giảm dần, Bộ Tài chính đã tập trung thực hiện tái cơ cấu thị trường trái phiếu theo hướng kéo dài kỳ hàn phát hành trái phiếu Chính phủ. Cụ thể, đã tăng cường tổ chức phát hành kỳ hạn dài (5-15 năm) cả về khối lượng gọi thầu và số phiên tổ chức phát hành. Theo đó, kỳ hạn phát hành bình quân đã tăng từ 2,97 năm (2012) lên 4,85 năm (2014, tỷ trọng kỳ hạn phát hành từ 5 năm trở lên trong tổng khối lượng phát hành TPCP đã tăng mạnh từ 24,2% năm 2012 lên 47,1% năm 2014.

Huy động vốn nước ngoài Chính phủ hiện nay vẫn đang tập trung vào các khoản vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nên có mức lãi suất và chi phí vốn tương đối thấp, với lãi suất khoảng 1,6%/năm, thời hạn vay bình quân khoảng 20 năm.

Ngày 7/11/2014, Chính phủ đã phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ra thị trường vốn quốc tế với mức lãi suất 4,8%/năm để đảo nợ các khoản trái phiếu Chính phủ đã phát hành trước đây (năm 2005 và năm 2010) với lãi suất bình quân 6,8%/năm, làm giảm đáng kể chi phí lãi vay, đồng thời xác lập chuẩn lãi suất mới có lợi hơn cho các hoạt động kinh tế - tài chính của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hai là, nguồn vốn vay nợ công đã góp phần tích cực hỗ trợ ngân sách của các địa phương để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đối với các tỉnh nghèo, có nhiều khó khăn.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã chú trọng phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư cho hàng loạt các dự án, tiểu dự án giao thông, thuỷ lợi của các địa phương, gồm hệ thống đường giao thông đến trung tâm xã, các dự án thuỷ lợi miền núi, thuỷ lợi đồng bằng Sông Hồng, thuỷ lợi đồng bằng Sông Cửu Long, an toàn hồ chứa, kè biên giới và các dự án giao thông, thuỷ lợi cấp bách khác, góp phần đáng kể phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Việc ưu tiên bố trí vốn trái phiếu chính phủ còn để thực hiện được mục tiêu kiên cố hoá trường lớp học, xoá bỏ tình trạng “tranh tre nứa lá”, đầu tư xây dựng các bệnh viện tuyến huyện, các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp tỉnh, một số bệnh viện lao, tâm thần, góp phần đảm bảo điều kiện khám chưa bệnh cho nhân dân, giảm tải các bệnh viện ở tuyến Trung ương.

Chính phủ cũng đã đã tăng cường ưu tiên phân bổ vốn ODA cho các địa phương. Chỉ tính trong giai đoạn 2010-2014, đã thực hiện cấp phát bổ sung có mục tiêu cho các địa phương 59.658 tỷ đồng, bình quân đạt 11.930 tỷ đồng/năm, chủ yếu tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, thuỷ lợi, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị, trường học, bệnh viện, phát triển nông nghiệp và nông thôn kết hợp với xoá đói, giảm nghèo, tăng cường cho quỹ đầu tư phát triển địa phương trong cả nước.

Ngoài ra, còn có các nguồn vốn huy động của chính quyền địa phương từ vay tồn ngân Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và Luật quản lý nợ công cũng đã góp phần quan trong giúp các địa phương xử lý đầu tư các công trình xây dựng cơ bản trong khi nguồn thu ngân sách địa phương chưa tập trung kịp, xử lý thanh toán khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành các công trình kinh tế - xã hội quan trọng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình phục vụ nhiệm vụ cấp bách của địa phương về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Ba là, nguồn vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ đã có hiệu quả thiết thực đối với sự phát triển của một số doanh nghiệp.

Các khoản vay nước ngoài của Chính phủ để cho vay lại đã được tập trung vào một số ngành, lĩnh vực chính là ngành điện, dầu khí, công nghiệp tàu thuỷ, cấp nước, nông nghiệp, đường cao tốc, hàng không, cảng biển, công nghiệp và phát triển hạ tầng đô thị trên cơ sở chiến lược phát triển của từng ngành, lĩnh vực trong từng giai đoạn và về cơ bản phù hợp với định hướng cho vay của các nhà tài trợ và tổ chức tài chính quốc tế. Các dự án cho vay lại cũng giúp các ngành nâng cao dần hiệu quả hoạt động và quản trị, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến. Có thể thấy phần lớn các dự án điện quy mô lớn đều là dự án vay nước ngoài, như dự án điện Phả Lại, Hàm Thuận – Đa Mi, Phú Mỹ, Ô Môn, Nghi Sơn, đường dây truyền tải điện quốc gia, các dự án điện nông thôn; trong lĩnh vực cấp nước sạch, phần lớn các dự án cấp nước lớn với công nghệ xử lý nước hiện đại, tiên tiến đều là dự án ODA, như dự án cấp nước Hà Nội (dự án 1A), TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An...; các dự án đường cao tốc cũng là các dự án sử dụng nguồn vay nước ngoài của Chính phủ; các hạn mức tín dụng cho các ngân hàng giúp nâng cao đáng kể thanh khoản của hệ thống ngân hàng, đồng thời giúp các ngân hàng thực hiện kiểm toán quốc tế, áp dụng các chuẩn mực về an toàn vốn theo thông lệ quốc tế và thông qua các dự án cho vay lại, một số công nghệ được chuyển giao, giúp các doanh nghiệp đào tạo cán bộ về kỹ năng quản lý, nghiệp vụ chuyên môn của các doanh nghiệp.

Bảo lãnh Chính phủ tiếp tục ưu tiên để tăng cường đầu tư đổi mới trang thiết bị sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập quốc tế. Chính phủ cấp bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn trên thị trường, mà với uy tín và năng lực tài chính hiện tại, nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ thì không thể vay vốn, tập trung vào các chương trình, dự án trọng điểm, cơ sở hạ tầng đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong lĩnh vực năng lượng điện, xi măng, hàng không, dầu khí. Ngoài ra, các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước về tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu và tín dụng chính sách của Nhà nước, góp phần tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian qua.

Bốn là, công tác quản lý nợ công đã có sự đổi mới, hiệu quả hơn và từng bước tiếp cận gần hơn với các thông lệ tốt trên thế giới. Đã từng bước triển khai các nghiệp vụ về quản lý nợ công theo hướng linh hoạt và chủ động hơn, một số phương pháp quản lý nợ hiện đại bước đầu đã được triển khai ở các nghiệp vụ quản lý và xử lý rủi ro, phân tích đánh giá bền vững nợ, công tác dự báo, theo dõi thị trường, đánh giá mức độ các nghĩa vụ nợ dự phòng. Việc phân loại nợ từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế, áp dụng các nguyên tắc thị trường và không phân biệt đối xử trong hoạt động quản lý như quản lý cho vay lại, quản lý bảo lãnh Chính phủ. Các công cụ điều hành chính sách quản lý nợ công, gồm chiến lược, chương trình quản lý nợ trung hạn, kế hoạch chi tiết hàng năm và hệ thống chỉ tiêu an toàn nợ, đã được chủ động nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt là các mục tiêu chủ đạo để làm căn cứ tổ chức huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công trong giới hạn an toàn theo từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ đã có những bước cải tiến mới, đã thí điểm thành công và triển khai phát hành trái phiếu theo lô lớn, thực hiện công bố kế hoạch phát hành hàng quý, duy trì đối thoại với thành viên thị trường thông qua các phiên họp bảo lãnh và hội nghị thành viên hàng năm, từng bước công khai hoá. Cơ chế điều hành lãi suất đã có nhiều đổi mới, lãi suất trái phiếu Chính phủ bám sát diễn biến thị trường, đảm bảo được quyền lợi của người đầu tư cũng như nhu cầu vốn của ngân sách nhà nước và từng bước trở thành lãi suất định hướng trên thị trường vốn. Ngoài ra, cơ quan quản lý nợ cũng đã thực hiện công bố về nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia thông qua hình thức phát hành Bản tin về nợ theo quy định của pháp luật. Đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tài chính quốc tế (IMF, WB, ADB) thực hiện phân tích bền vững nợ công của Việt Nam, phù hợp với khuyến nghị của các tổ chức tài chính quốc tế.