Quản lý rủi ro dựa trên đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Theo các chuyên gia tư vấn thuế, hiện nay có 7 loại rủi ro về thuế, được chia thành 2 nhóm trong đó 4 loại rủi ro cụ thể là: rủi ro nghiệp vụ, rủi ro hoạt động, rủi ro tuân thủ, rủi ro kế toán tài chính và 3 loại rủi ro tổng quát gồm: rủi ro cộng hưởng, rủi ro quản lý, rủi ro uy tín. Việc xác định, nhận diện rõ các rủi ro sẽ là bước tiền đề để cơ quan thuế kiểm soát, quản lý hiệu quả, vừa tiết kiệm được thời gian, công sức quản lý, vừa tránh thất thu ngân sách nhà nước (NSNN).

 Quản lý rủi ro dựa trên đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp
QLRR là công cụ then chốt giúp cơ quan thuế kiểm soát rủi ro. Nguồn: internet
Quản lý rủi ro (QLRR)  là một phần của hoạt động quản lý. QLRR là quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học và có hệ thống nhằm nhận dạng, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất, mất mát, những ảnh hưởng bất lợi của rủi ro, hiệu quả hơn là biến rủi ro thành những cơ hội thành công. Các nội dung chính của QLRR bao gồm: Nhận diện - phân tích - đo lường -  kiểm soát - phòng ngừa. Việc QLRR tùy thuộc vào các yếu tố: quy mô tổ chức lớn hay nhỏ; tiềm lực của tổ chức mạnh hay yếu; môi trường của tổ chức hoạt động đơn giản hay phức tạp; có nhiều rủi ro hay ít rủi ro. 
 
QLRR chính là công cụ then chốt, giúp cơ quan thuế kiểm soát rủi ro bằng việc áp dụng một cách có hệ thống các quy trình, biện pháp nhằm hướng các nguồn lực vào các lĩnh vực có nguy cơ ảnh hưởng đến các mục tiêu đề ra, qua đó hỗ trợ tối đa tính hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý. Từ 1/7/2013, việc áp dụng cơ chế QLRR trong quản lý thuế đã được quy định cụ thể trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Theo đó, QLRR sẽ tạo ra môi trường minh bạch trên nền tảng của tuân thủ pháp luật, giúp cho doanh nghiệp (DN) có điều kiện nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế phát triển.
 
Tuy nhiên phải thừa nhận, thất thu thuế là một hiện tượng thực tế khách quan vốn có của bất kỳ hệ thống thuế khoá nào, tương ứng quản lý thuế phải chấp nhận rủi ro. Do đó, vấn đề cốt yếu với QLRR không phải là xoá bỏ tất cả những rủi ro (vì không thể thực hiện được), mà là tiếp cận với rủi ro một cách sáng suốt thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ và khoa học.
 
Trên thực tế,  rủi ro chính là sự kết hợp giữa mức độ nguy hiểm và tần suất xảy ra hoặc có thể xảy ra. Rủi ro = Mức độ nguy hiểm x Tần suất có thể xảy ra.
 Quản lý rủi ro dựa trên đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp - Ảnh 1

Như vậy, phân loại DN có rủi ro về thuế, xét trên góc độ nào đó chính là xếp hạng tín nhiệm DN, nhưng xét về tổng thể nhận diện hành vi thì bất kỳ hành động hoặc không hành động nào mà dẫn đến thất thu thuế đều được xem là rủi ro. Do đó, để tiện phân tích, người ta chia rủi ro thành 2 loại: rủi ro vật chất xuất phát từ sự lợi dụng chính sách của DN (khách quan), và rủi ro đạo đức (chủ quan) xuất phát từ sự trung thực (làm sai hoặc không làm gì cả) của những người thực thi nhiệm vụ dẫn đến thất thu thuế. 
 
Đối với rủi ro bên trong, xuất phát từ yếu tố chủ quan, liệu pháp giải quyết là tăng cường kiểm soát nội bộ, đẩy mạnh chế độ thanh tra công vụ. Đối với rủi ro bên ngoài, trên cơ sở nhận diện các rủi ro, tùy vào từng lĩnh vực, cơ quan thuế sẽ lựa chọn cách thức phân tích để áp dụng. Theo đó, đối với công tác thanh tra thuế sẽ sử dụng kỹ thuật đánh giá định lượng các chỉ số hoạt động của DN; công tác kiểm tra thuế sử dụng phương pháp phân tích bán định lượng; đối với công tác hoàn thuế sử dụng phương pháp phân tích rủi ro đơn giản, dựa trên kết quả phân loại tín nhiệm DN.

 Quản lý rủi ro dựa trên đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp - Ảnh 2

Đối với rủi ro khách quan, dựa vào mức độ gây ra tổn thất về thuế, có thể phân tích, đo lường (xác định) và xếp loại các rủi ro thành 3 hạng: rủi ro mức cao, rủi ro mức trung bình và  rủi ro mức thấp.
 Quản lý rủi ro dựa trên đánh giá xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp - Ảnh 3

Từ bảng phân hạng mức độ rủi ro lý thuyết này, từng địa phương cần xây dựng tiêu chí đánh giá tín nhiệm DN phù hợp, tức là có tính đến độ nhạy hay trọng số của các chỉ số đặc thù, trên cơ sở các quy chuẩn đã được tiến hành và sử dụng trước đó. Bởi thực tế có nhiều cách tiếp cận, định nghĩa khác nhau về tín nhiệm DN, song chung quy, xếp hạng tín nhiệm DN được hiểu là đánh giá năng lực tài chính, tình hình hoạt động hiện tại (cả yếu tố tuân thủ pháp luật thuế) và triển vọng phát triển trong tương lai của DN được xếp hạng, từ đó xác định được mức độ rủi ro không trả được nợ, khả năng trả nợ cũng như sự chấp hành chính sách thuế trong tương lai. 
 
Quy trình xếp hạng tín nhiệm DN là công việc tính toán công phu, cần dựa trên các thông tin cơ bản về phân loại DN theo quy mô và ngành nghề kinh doanh. Về quy mô, DN được chia thành 3 nhóm: DN lớn, DN vừa và DN nhỏ bằng cách cho điểm ở các chỉ tiêu lao động, vốn, doanh thu, tài sản. Sau khi phân loại theo quy mô sẽ xác định ngành nghề kinh doanh của DN dựa trên cơ sở đối chiếu ngành kinh doanh chính của DN có tỷ trọng lớn nhất hoặc chiếm từ 40% doanh thu trở lên theo 4 nhóm ngành: nông-lâm-ngư nghiệp, thương mại-dịch vụ, xây dựng và công nghiệp. Trên cơ sở ngành nghề và quy mô, cơ quan thuế sẽ sử dụng các bảng chấm điểm tương ứng với ngành nghề kinh doanh chính của DN.

Ngoài ra, còn sử dụng các chỉ tiêu chấm điểm khác như dự báo nguy cơ tài chính của DN dựa trên các tiêu chí bao gồm: triển vọng ngành, chính sách của nhà nước tác động đến DN, tuân thủ pháp luật thuế và nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn….Từ bảng điểm tổng hợp, sẽ tiến hành xếp hạng tín nhiệm DN và phân thành 3 nhóm rủi ro để quản lý.