Quản lý rủi ro vì lợi ích của nhà đầu tư

Theo Đầu tư CK

Xung quanh một số thắc mắc của thành viên thị trường liên quan đến dự thảo Quy chế hướng dẫn việc thiết lập hệ thống và thực hiện quản trị rủi ro (QTRR) trong công ty chứng khoán (CTCK), ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh, QTRR tốt không chỉ vì lợi ích của CTCK, mà còn vì lợi ích của nhà đầu tư (NĐT) và uy tín toàn thị trường chứng khoán (TTCK).

Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

    Một số ý kiến cho rằng, việc xây dựng hệ thống QTRR như dự thảo Quy chế sẽ khiến chi phí của CTCK bị đẩy lên cao, trong khi nhiều công ty có quy mô nhỏ, đặc biệt là đã có bộ phận kiểm soát rủi ro, kiểm soát nội bộ rồi. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

    Tôi cho rằng, CTCK một khi đã có nghiệp vụ môi giới, tức là liên quan đến tiền của NĐT, thì phải có hệ thống QTRR. CTCK dù quy mô nhỏ, nhưng có nghiệp vụ môi giới, nếu để thất thoát 10 tỷ đồng của khách hàng do QTRR không tốt, thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quyền lợi của NĐT, của cổ đông và uy tín TTCK? Mục đích QTRR là để phòng ngừa rủi ro, là khâu đi trước, trong khi kiểm soát nội bộ là để hậu kiểm. Hai vấn đề đó khác nhau. Vì thế, quan điểm của cơ quan soạn thảo là CTCK nhỏ hay lớn, đại chúng hay không đại chúng đều phải thực hiện quy định này.

    Hiện nay, hoạt động QTRR của các CTCK chủ yếu mang tính kiêm nhiệm, tính thực thi kém, chưa kể các trường hợp cố ý làm trái, phần lớn phụ thuộc vào tổng giám đốc. Không ít trường hợp HĐQT không hay biết những sai phạm của tổng giám đốc. Trong một số trường hợp, Ban tổng giám đốc cũng vì một chút lợi nhuận cho công ty mà sẵn sàng làm những nghiệp vụ không được phép, gây rủi ro ngược lại cho cổ đông và cho chính họ. Do đó, bộ phận QTRR phải tách biệt, hoạt động độc lập để thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình.

    Hàng năm, chúng tôi sẽ nâng cấp tiêu chuẩn QTRR để đẩy hoạt động này ngày một cao hơn, nhằm đảm bảo an toàn hệ thống. Thời gian vừa qua, NĐT có xu hướng lựa chọn CTCK có dịch vụ tốt, QTRR tốt để mở tài khoản. Nếu các CTCK không QTRR tốt, thì ai dám đến mở tài khoản tại công ty?

    Một số CTCK băn khoăn việc xác định khẩu vị rủi ro như thế nào là phù hợp? Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ có hướng dẫn như thế nào cho các CTCK?

    Liên quan đến chính sách và cơ chế QTRR, các CTCK sẽ phải thực hiện theo từng năm một. Cụ thể, mỗi năm, CTCK xem xét, đánh giá và bổ sung các yếu tố rủi ro của mình. Ví dụ, năm nay, CTCK chỉ đầu tư tự doanh 15% vốn chủ sở hữu, nhưng sang năm, công ty đánh giá thị trường tốt lên, có thể sẽ đầu tư 25% vốn chủ sở hữu, hoặc CTCK muốn mở rộng dịch vụ môi giới… Tùy từng CTCK, từng định hướng kinh doanh và giai đoạn của thị trường, mà khẩu vị rủi ro của các CTCK theo từng giai đoạn sẽ khác nhau. Về vấn đề này, CTCK nào có khúc mắc, chúng tôi sẽ giải đáp trực tiếp.

    Dự kiến khi nào Quy chế này sẽ được áp dụng, thưa ông?

    Ngày 30/11/2012, Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư số 210/2012/TT-BTC thay thế Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động CTCK. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ 15/1/2013, trong đó quy định CTCK buộc phải hoàn thiện quy trình, hệ thống QTRR trong vòng 1 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc, kể từ ngày 15/1/2014, CTCK sẽ phải đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống và quy trình QTRR như quy định tại Quy chế hướng dẫn việc thiết lập hệ thống và thực hiện QTRR trong CTCK.