Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi):

Quản lý theo chuỗi giá trị sản xuất

Theo daibieunhandan.vn

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trương Minh Hoàng, lâm nghiệp muốn trở thành một ngành kinh tế thì cần được quản lý theo chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp theo cơ chế thị trường. Chính vì vậy, dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) được điều chỉnh theo hướng quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản thay vì chỉ điều chỉnh các hoạt động quản lý, bảo vệ và một phần của hoạt động phát triển rừng như Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Sản xuất lâm nghiệp nhỏ bé, phân tán

Phóng viên: Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 đã có những đóng góp quan trọng như thế nào, thưa ông?

Ông Trương Minh Hoàng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Ông Trương Minh Hoàng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Ông Trương Minh Hoàng: Bảo vệ và phát triển rừng là một trong những chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng theo mục tiêu quản lý chuyển từ nền lâm nghiệp lấy quốc doanh là chủ yếu sang lâm nghiệp nhân dân, đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia.

Kinh tế lâm nghiệp từ chủ yếu dựa vào khai thác, lợi dụng rừng tự nhiên sang bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng rừng mới. Gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với phát huy vai trò môi trường sinh thái, quốc phòng an ninh và an sinh xã hội. Nhờ đó, diện tích rừng trên cả nước đã phát triển nhanh chóng từ 12,306 triệu hecta với độ che phủ rừng từ 37% năm 2004 đã tăng lên 14,061 triệu hecta với độ che phủ rừng là 40,84% trong năm 2015; sản lượng gỗ rừng trồng hàng năm đạt khoảng 17 triệu mét khối, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,1 tỷ USD.

Tuy nhiên, thời điểm này Luật đã bộc lộ những hạn chế trong việc ngăn chặn tình trạng phá rừng, suy giảm rừng tự nhiên, lấn chiếm đất rừng, sản xuất lâm nghiệp thì nhỏ bé, phân tán; công nghệ lạc hậu, năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp; đóng góp của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế là không cao...

Những tình trạng như ông nói đến xuất phát từ nguyên nhân nào?

Nguyên nhân xuất phát từ nhận thức, ý thức và trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ và nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa đầy đủ, thiếu thống nhất.

Một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm, còn buông lỏng quản lý, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chưa phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương. Việc đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng chưa được quan tâm đúng mức; chưa thật sự khuyến khích được người dân, cộng đồng, các thành phần kinh tế tham gia.

Trong khi đó, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách còn có sự chồng chéo, chưa rõ ràng, hiệu quả chưa cao; việc xử lý các vi phạm pháp luật trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng chưa nghiêm, thiếu triệt để, không đủ sức răn đe...

Đưa lâm nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn

Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) được QH giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan thẩm tra và dự kiến trình QH tại Kỳ họp thứ 3 tới. Xin ông cho biết về điểm nổi bật trong dự thảo Luật lần này?

Điểm nổi bật và xuyên suốt của dự thảo Luật này nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lâm nghiệp là ngành kinh tế, xã hội bao gồm các hoạt động về quản lý, bảo vệ, phát triển sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo định hướng thị trường và hội nhập quốc tế. Có cơ cấu quản lý, sản xuất kinh doanh hợp lý, ổn định theo hướng hiện đại, phát triển bên vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường. 

Để làm được điều này, dự thảo Luật được điều chỉnh theo hướng quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản thay vì chỉ điều chỉnh các hoạt động quản lý, bảo vệ và một phần của hoạt động phát triển rừng như Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004. Thực tế cho thấy, lâm nghiệp muốn trở thành một ngành kinh tế thì cần được quản lý theo chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp theo cơ chế thị trường.

Từ khâu quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng cho đến chế biến, thương mại lâm sản và các dịch vụ có liên quan đến rừng. Đây chính là lý do bên cạnh kế thừa và sửa đổi một số điều Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, dự thảo Luật lần này đã thực hiện bổ sung 4 chương mới, đó là: Chế biến, thương mại lâm sản (Chương VIII); Hợp tác quốc tế trong lâm nghiệp (Chương IX); Giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp (Chương X); Quản lý nhà nước về lâm nghiệp (Chương XI).

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) ra toàn chuỗi giá trị lâm nghiệp sẽ tác động thế nào đến ngành lâm nghiệp trong tương lai, thưa ông?

Như tôi đã nói, xuyên suốt của dự thảo Luật này chính là đưa lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế. Do đó, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật sẽ tạo nên động lực mới trong sự phát triển của toàn chuỗi giá trị ngành lâm nghiệp. Bảo đảm quyền tự chủ của các doanh nghiệp, chủ rừng và các chủ thể có liên quan trong hoạt động lâm nghiệp.

Theo đó, đối với người trồng rừng sẽ giúp họ yên tâm vào đầu tư trồng rừng và rừng gỗ lớn; gia tăng giá trị khâu trồng rừng nhờ sức kéo của khâu chế biến - thương mại, làm tăng giá trị sản phẩm. Đối với doanh nghiệp chế biến - thương mại sẽ giúp họ bảo đảm nguồn cung nguyên liệu ổn định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; được hưởng các chính sách ưu đãi khi sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước, như hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ xây dựng thương hiệu...

Còn đối với Nhà nước, khi thu nhập và đời sống của người làm rừng ở khu vực vùng sâu, vùng xa được tăng lên thì sẽ góp phần giảm được sự hỗ trợ từ ngân sách trong công tác bảo vệ và phát triển rừng ở khu vực này; thúc đẩy sự phát triển của ngành xuất khẩu nhiều tiềm năng. Đặc biệt hơn là chính sách này sẽ hạn chế được sự buông lỏng công tác bảo vệ và phát triển rừng như thời gian qua. 

Xin cảm ơn ông!