Quản lý thị trường trước yêu cầu chống buôn lậu

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Những con số 168.800 vụ kiểm tra, xử lý hơn 93.200 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 400 tỷ đồng đã thể hiện nỗ lực của các lực lượng chức năng trong việc truy quét hàng lậu, hàng giả, giúp bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong năm 2014. Tuy nhiên, còn kẽ hở trong chính sách pháp luật, sự phối hợp liên ngành lỏng lẻo, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác này chưa cao, gây thất thu cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Vì vậy, công tác quản lý thị trường đang đứng trước nhiều yêu cầu cần thực hiện tốt.

Quản lý thị trường trước yêu cầu chống buôn lậu
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực tế, cư dân biên giới nhiều người sống bằng nghề mang vác hàng lậu. Lợi dụng chính sách cho phép mang hàng hóa trị giá 2 triệu đồng/ngày không phải nộp thuế, cứ thấy hàng hóa nào có giá cả chênh lệch lớn giữa trong và ngoài nước, có mức thuế nhập khẩu cao hoặc bị áp dụng hạn ngạch là họ buôn lậu bằng hình thức này. Biên giới phía bắc nóng buôn lậu rượu, bia, thực phẩm, gia cầm; biên giới phía Nam thì nóng buôn lậu xăng dầu, thuốc lá, đường… Nguy hiểm nhất là lợi dụng kẽ hở của chính sách, pháp luật, nhiều đối tượng xấu đã đặt hàng bên Trung Quốc, nhưng gắn mác Made in Vietnam, rồi đưa về thị trường trong nước tiêu thụ với khối lượng lên tới hàng trăm tấn/chuyến. Từ thực tế này, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương Trịnh Văn Ngọc cho rằng, trong năm 2015, các lực lượng chức năng như công an, hải quan, bộ đội biên phòng, thanh tra chuyên ngành cần tăng cường phối hợp thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường; tích cực triển khai phổ biến, tuyên truyền pháp luật để nhân dân và doanh nghiệp hiểu các quy định hiện hành, chấp hành tốt pháp luật.

Việc chống buôn lậu và gian lận thương mại còn đặt ra vấn đề nâng cao trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong việc thực hiện vận động, tuyên truyền cho cư dân, doanh nghiệp khu vực biên giới không tiếp tay cho buôn lậu. Tại nhiều địa phương giáp biên giới, chính quyền các cấp đã chú trọng tuyên truyền đến các cơ sở kinh doanh, phổ biến các văn bản pháp luật quy định về hoạt động giao thương, qua đó vận động họ ký cam kết. Song song với việc ký cam kết, lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật.

Năm 2014, hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp. Thuốc lá là một trong những mặt hàng nóng nhất. Những năm tiếp theo, nếu không có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu tình trạng này còn tái diễn. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 30 trong năm 2014 về tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá trên toàn quốc, nhất là tại các tỉnh biên giới như Long An, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tây Ninh, Quảng Trị... rồi cung đường vận chuyển về TP Hồ Chí Minh. Sở dĩ, thuốc lá điếu vẫn thẩm lậu vào thị trường Việt Nam, nhất là trong dịp Tết do mức chênh lệch giá giữa thuốc lá ngoại và thuốc lá sản xuất trong nước từ 3.500 - 10.000 đồng/bao. Do vậy hình thức tạm nhập tái xuất ở một số địa phương đang vô tình tạo đất sống cho thuốc lá lậu ở thị trường trong nước. Mặt khác, lợi dụng kẽ hở của quy định hiện hành, nếu buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ 1.500 bao thuốc trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, các đối tượng buôn lậu đã chia nhỏ lượng hàng dưới 1.500 bao để qua mặt cơ quan chức năng. Do đó, để ngăn chặn buôn lậu thuốc lá cũng cần điều chỉnh mức truy cứu trách nhiệm hình sự từ 1.500 bao xuống còn 500 bao, để nâng cao tính răn đe của hình phạt.

 Năm 2015, khi các cam kết giảm, bãi bỏ thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, hàng hóa của nước ngoài vào nước ta nhiều, giá cả không còn chênh lệch, sẽ giảm buôn lậu ở nhiều nhóm hàng. Tuy nhiên, tình trạng hàng lậu, hàng giả có thể còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi lực lượng thực thi nhiệm vụ gác cổng, bảo vệ thị trường phải luôn nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ nghiệp vụ; đặc biệt, phải làm trong sạch ngay đội ngũ chống hàng lậu, chống hàng giả... mới hoàn thành trách nhiệm được giao. Thực tế, không ít trường hợp lực lượng quản lý thị trường tác nghiệp phụ thuộc vào sự tự giác mà không có sự kiểm soát. Do đó, nếu cán bộ quản lý thị trường không giữ phẩm chất, đạo đức, sa ngã do bị mua chuộc thì công tác quản lý thị trường sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn.

Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đang đến gần, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt hơn của lực lượng chức năng và các địa phương để ngăn chặn tình trạng buôn lậu, hàng giả... bảo vệ quyền lợi của Nhà nước và nhân dân.