Quản nguồn vốn ODA thế nào?

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội sáng 30/10, một số đại biểu Quốc hội đề cập vấn đề chúng ta cần có các quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA.

 Quản nguồn vốn ODA thế nào?
ODA đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội. Nguồn: internet
Theo bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (ĐB Thái Nguyên), qua hơn 20 năm, Việt Nam thu hút khoảng 78 tỉ USD Mỹ, bình quân gần 4 tỉ USD/năm. Kết quả, nguồn vốn này đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều chương trình, dự án đạt chất lượng tốt.

Tuy nhiên, thực tế cũng đã phát sinh nhiều bất cập dẫn tới thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong một số dự án, gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình, làm mất uy tín của Việt Nam đối với nhà tài trợ.  Điển hình như các vụ: PMU 18, vụ Huỳnh Ngọc Sỹ, vụ nghi vấn tiêu cực tại dự án Danida (Đan Mạch) năm 2012; Vụ JTC trong ngành đường sắt gần đây.

Nguyên nhân của tình trạng này - theo đại biểu Nga - là hành lang pháp lý còn phức tạp: ODA chủ yếu được điều chỉnh bởi Nghị định 38 CP/2013; Quyết định của Thủ tướng; hướng dẫn của các bộ, ngành, địa phương và quy định của nhà tài trợ.

Các quy định này còn phức tạp, phân tán, hiệu lực pháp lý thấp. Việc "Đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình" trong Nghị định 38 chỉ mang tính nguyên tắc, chưa được cụ thể hóa hết vào quy trình ODA, dẫn đến chưa ngăn chặn hiệu quả tình trạng xin-cho, tiêu cực.

Đáng lưu ý, quy định pháp lý về ODA đã bộc lộ 2 điểm yếu rất cơ bản là: Quốc hội - người chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công, và người dân - chủ thể phải đóng thuế và là người trả nợ cuối cùng - gần như đứng ngoài quy trình ODA.  

Trước đó, khi đề cập đến hạn chế nợ công, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cũng cho rằng cần có nguyên tắc vàng là không vay ODA cho chi thường xuyên. Theo đại biểu này, việc sử dụng ODA cần  phục vụ cho đầu tư phát triển và để đạt hiệu quả cần có ý kiến của Quốc hội.

Cũng đồng quan điểm trên, có đại biểu cho rằng cần phải ban hành Luật Quản lý, sử dụng ODA và chú trọng một số điểm như: Quy định chặt chẽ tiêu chí chấp nhận vốn ODA; công khai, minh bạch toàn bộ số vốn, công khai các dự án và quy trình phân bổ; buộc phản biện độc lập trước khi quyết định; quy định về trách nhiệm của Quốc hội, về quyền của người dân, các hiệp hội chuyên ngành trong quá trình quyết định và thực thi ODA.

Nếu lạm dụng ODA sẽ để lại nhiều hệ lụy. Đại biểu Nga cho rằng, cần nhận thức đúng về ODA và không bỏ qua những khuyến cáo của chuyên gia. Ví dụ, sau khi chúng ta ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp thì ưu đãi sẽ giảm đi, điều kiện vay và trả nợ khắc nghiệt hơn. Chính phủ các nước thu nhập thấp chỉ vay tiền để đầu tư vào hạ tầng thiết yếu nhất phục vụ phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo; chú trọng đầu tư hướng tới khu vực tư nhân, khu vực xuất khẩu để vừa kích thích cạnh tranh và nhất là vừa có ngoại tệ để trả nợ. Không vay đầu tư những dự án nhỏ lẻ, tràn lan, càng không vay để theo đuổi những siêu dự án trong khi các dự án để đảm bảo hạ tầng thiết yếu trong nước còn chưa đủ.