Quan tâm đúng mức rào cản kỹ thuật thương mại

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Rào cản kỹ thuật thương mại (TBT) được nhiều nước sử dụng như công cụ ngầm để bảo hộ mậu dịch và sản xuất nội địa. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp trong nước và các đối tượng chịu tác động khác, dường như chưa quan tâm đúng mức, thiếu kiến thức, thông tin về rào cản kỹ thuật thương mại và thách thức cũng như cơ hội mà rào cản kỹ thuật thương mại mang lại.

Quan tâm đúng mức rào cản kỹ thuật thương mại
Trong giao dịch thương mại quốc tế,rào cản kỷ thuật thương mại được biết đến như là các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Nguồn: internet

Trong giao dịch thương mại quốc tế, TBT được biết đến như là các biện pháp phi thuế quan để bảo vệ hoạt động sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Về nguyên tắc, sử dụng TBT là cần thiết, hợp lý nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, môi trường cũng như an ninh xã hội theo nhu cầu cụ thể của mỗi nước. Song, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhiều nước còn sử dụng TBT như công cụ ngầm để bảo hộ mậu dịch và sản xuất nội địa. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nước ta đã và đang tiếp tục phải đối mặt với lượng hàng rào kỹ thuật vô hình ngày càng tăng mạnh. Theo thống kê của Bộ Công thương, rào cản thương mại của một số nước và khu vực đối với hàng xuất khẩu Việt Nam áp dụng cho nhiều loại mặt hàng. Trong đó, chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Đặc biệt, chỉ trong hai năm 2012 - 2013, Hoa Kỳ đã từ chối nhập khẩu 6 lô hàng trái cây của Việt Nam do có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao hơn mức quy định. Bên cạnh đó, nhiều lô hàng trái cây xuất khẩu của nước ta không bảo đảm quy chuẩn của Liên minh châu Âu (EU), và EU cũng đang tăng tần suất kiểm tra lên 20% đối với một số mặt hàng rau, củ và rau gia vị của Việt Nam. Ngoài ra, các thị trường nhập khẩu chính như Hoa Kỳ, EU, Liên minh Hải quan, Nhật Bản, Mexico... đều đang đưa ra các hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt đối với nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu của nước ta. Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản Lê Hồng Minh cho rằng, nhiều tiêu chuẩn, quy định về an toàn thực phẩm đang được áp dụng chưa hài hòa với thông lệ quốc tế, gây trở ngại lớn cho xuất khẩu mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang các thị trường này; nhất là tiêu chuẩn, quy định của các tổ chức độc lập đôi khi còn cao hơn cả của Chính phủ một số nước.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng, công cụ TBT chưa được quan tâm, chú trọng nghiên cứu, áp dụng đối với các loại hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) Dương Đình Giám, sau khi gia nhập WTO, tuy nước ta cũng đã bước đầu thực hiện một số nghiên cứu về TBT nhưng đây mới chỉ hoạt động hỗ trợ nhằm cơ bản thực hiện các điều khoản nghĩa vụ trong Hiệp định TBT của WTO. Trong đó, chủ yếu tập trung vào nghĩa vụ công khai, minh bạch các biện pháp TBT mà Việt Nam sẽ sử dụng, chưa xác định chính sách dài hạn tăng cường quản lý nhà nước về TBT, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ lợi ích quốc gia. Chẳng hạn, đối với mặt hàng thủy sản, nhiều văn bản do Chính phủ hay Bộ NN và PTNT ban hành mới chỉ đề cập đến TBT đối với các mặt hàng xuất khẩu, mà chưa có một quy định, tiêu chuẩn nào đối với các hàng hóa nhập khẩu. Có thể thấy, các đối tượng chịu tác động dường như vẫn mơ hồ về rào cản kỹ thuật trong thương mại, những thách thức cũng như cơ hội mà TBT mang lại. Phần lớn doanh nghiệp trong nước chưa quan tâm đúng mức và thiếu kiến thức, thiếu thông tin về TBT, mới chỉ đơn độc, tự mình đối phó với TBT mà chưa có sự liên kết. Đây cũng là nguyên nhân làm các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp phải rủi ro rất lớn khi vấp phải yêu cầu TBT của các thị trường nhập khẩu thời gian qua.

Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, sớm ban hành chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đối mặt những thách thức về rào cản thương mại một cách hiệu quả. Cụ thể, thường xuyên cập nhật thông tin về các loại hình TBT; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về cơ hội và thách thức của Việt Nam trong thực thi TBT; nhất là TBT của các thị trường nhập khẩu chính và TBT đối với các sản phẩm xuất khẩu quan trọng như dệt may, da giày, thủy sản, nông sản, thực phẩm.

Mặt khác, tạo cơ chế liên kết giữa cơ quan chức năng, các tổ chức xuất, nhập khẩu và cộng đồng doanh nghiệp, không để doanh nghiệp đơn độc trong việc vượt qua các rào cản kỹ thuật thương mại. Đồng thời, nghiên cứu, áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm quản lý hoạt động xuất nhập khẩu đồng bộ, hiệu quả; kịp thời ngăn chặn việc nhập khẩu máy móc thiết bị và công nghệ lạc hậu, có khả năng làm tổn hại môi trường, tiêu hao nhiều năng lượng, nguyên liệu. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tự chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh  hàng hóa xuất khẩu. Áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, quy định chặt chẽ về sức khỏe, môi trường, về chứng minh xuất xứ nguyên liệu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi, cập nhật, phân tích, dự báo diễn biến thị trường, có kế hoạch và biện pháp ứng phó kịp thời đối với những thách thức, rào cản thương mại có thể phát sinh.