"Quẳng" gánh lo nợ xấu không dễ

Theo dddn.com.vn

(Tài chính) Trái ngược với những lo lắng rằng Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ khó mua được nợ xấu khi các ngân hàng đồng loạt kê tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mình dưới 3%, trong mấy tuần vừa qua, đã có hàng loạt khoản nợ xấu được chuyển nhượng.

"Quẳng" gánh lo nợ xấu không dễ
Agribank là ngân hàng quốc doanh đầu tiên được VAMC ưu tiên mua nợ. Nguồn: internet

Mở đầu “trào lưu” ký hợp đồng bán nợ cho VAMC là Ngân hàng Agribank. Giá trị khoản nợ đầu tiên được ký bán là hơn 1.700 tỉ đồng cho 2.400 tỉ đồng nợ xấu theo giá trị sổ sách. Agribank là ngân hàng Quốc doanh đầu tiên được VAMC ưu tiên mua nợ, và do đặc thù hoạt động của mình, ngoại trừ ngân hàng Phát triển Việt Nam, đây có lẽ cũng là ngân hàng dẫn đầu trong top có tỷ lệ nợ xấu lớn nhất hiện nay.

Dồn dập bán nợ

Tiếp sau Agribank, một loạt các ngân hàng khác đã ký hợp đồng bán nợ cho VAMC: ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank), ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Sài Gòn SCB và ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội đã ký hợp đồng bán nợ xấu cho VAMC với tổng giá trị 846 tỉ đồng cho khoản nợ có giá trị sổ sách 1.159 tỉ đồng.

Cùng với đó, VAMC cũng đã ký hợp đồng mua thêm 1.300 tỉ đồng nợ xấu của SCB. Đây đều là các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao, trong đó SHB có nợ xấu trên 9%, PGBank có nợ xấu 8% còn SCB sau giai đoạn hợp nhất tuy chưa công bố tỷ lệ nợ xấu nhưng những tồn dư của ba ngân hàng tiền sáp nhập gặp khó khăn mất thanh khoản và nợ xấu thì cơ bản chưa có nhiều chuyển động, cho đến hiện nay. Như vậy, tổng cộng sau đợt ký kết đầu tiên với 4 ngân hàng, VAMC đã mua được khoảng 3.850 tỉ đồng nợ xấu, trong đó riêng SCB chiếm gần 1/3 tổng giá trị khoản nợ được mua với 1.800 tỉ đồng.

Nhìn nhận về thương vụ mua bán nợ đầu tiên trên thương trường tài chính Việt, hãng đánh giá tín nhiệm quốc tế Moodys cho rằng những giao dịch này sẽ không thể giúp ích cho quá trình tái cấu trúc của các ngân hàng không có vốn được chuyển đến ngân hàng để đổi lấy tài sản (tức tiền thật), và hơn nữa VAMC vẫn chưa giải quyết được những vấn đề cơ bản nhất của hệ thống ngân hàng Việt Nam: Các ngân hàng đang thiếu vốn và tỷ lệ nợ xấu gia tăng. Ngoài ra, hãng này cũng tỏ ra lo ngại về tình hình nợ xấu của các ngân hàng Việt Nam mà theo đó tỷ lệ nợ xấu thực tế có thể cao hơn nợ được báo cáo.

Tuy nhiên, ở quan điểm người trong cuộc thì việc giúp các ngân hàng dọn dẹp sạch bảng cân đối kế toán nhờ VAMC, theo tính toán đã phần nào được thể hiện. Đại diện SCB cho biết sau 2 đợt bán nợ, nợ xấu của SCB đã về dưới 3%. Còn với giá trị khoản nợ được mua khá lớn từ Agribank, ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam này cũng phần nào nhấc bớt một gánh nặng khi đưa nợ xấu toàn hệ thống về dưới 7,5%.

“Trước mắt, mặc dù VAMC chỉ mua nợ xấu bằng giá trị sổ sách được chiết khấu và trả bằng trái phiếu đặc biệt, không bằng tiền mặt, nhưng thực tế các ngân hàng bán nợ vẫn có thể nhận được tiền do trái phiếu đặc biệt này sẽ có giá trị thế chấp để nhận tái cấp vốn từ Ngân hàng nhà nước (NHNN), vì vậy việc bán nợ sẽ không chỉ giúp các ngân hàng giảm bớt nợ xấu trong bảng cân đối kế toán, mà cũng có ý nghĩa hỗ trợ nguồn vốn thực sự cho các ngân hàng. Vấn đề chỉ còn phụ thuộc vào chính sách của NHNN trong từng giai đoạn, cung tiền ra hay hút tiền về qua kênh tái cấp vốn, sớm hay muộn, lâu hay mau mà thôi”, một chuyên gia cho biết.

Chờ giá đẹp...

Có lẽ chính vì vậy mà không phải chỉ 4, 5 ngân hàng, hoặc những ngân hàng trong diện được ưu tiên mua nợ xấu như ngân hàng quốc doanh, ngân hàng trước đây có thành phần trước đây thuộc diện tái cơ cấu đặc biệt… mới lên kế hoạch bán nợ. Ngay cả những ngân hàng có nợ xấu dưới 3% cũng đang muốn cân nhắc làm việc với VMAC. Điều này hoàn toàn trái ngược với những lo ngại trước đây về việc VAMC không thể khai thác được đầu vào, mua nợ, khi các ngân hàng đều nhất loạt khai nợ dưới 3% và cũng không tỏ động thái mong muốn được làm việc với công ty xử lý nợ.

Đại diện ngân hàng SHB cho biết số nợ được bán mới chỉ là đợt đầu và ngân hàng này đang tính chuyện bán nợ với tổng số nợ xấu khoảng hơn 1.000 tỉ đồng, hầu hết đều của Habubank (HBB) chuyển về sau khi sáp nhập vào SHB. Ngoài những khoản nợ đã bán cho VAMC đợt 1, SHB còn những khoản nợ khác mà VAMC đang trong quá trình rà soát.

Cùng với kế hoạch bán nợ cho VAMC, SHB cũng đã có những nỗ lực để xử lý nợ với mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 5% đến cuối năm 2013 như: Trích lập dự phòng rủi ro hơn 2.100 tỷ đồng (tính đến 31/7/2013). Vận dụng mọi giải pháp quyết liệt như tái cấu trúc DN, xử lý tài sản đảm bảo, xem xét xử lý tài sản đảm bảo, xem xét miễn giảm lãi suất; cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ phù hợp với dòng tiền nguồn thu của khách hàng…, nhờ đó  6 tháng đầu năm SHB đã xử lý thu hồi được 2.926 tỉ đồng nợ xấu.

Đặc biệt, đối với các khoản nợ của Vinashin kế thừa từ HBB, SHB đã xử lý theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, đồng thời đang rà soát, lên phương án xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. Mặc dù trước đó, hơn 4.000 tỷ đồng nợ xấu của Vinashin được cho đã chuyển thành trái phiếu và được dùng để thế chấp nhận tái cấu vốn từ NHNN, song thực tế SHB sau hơn 1 năm sáp nhập vẫn chưa thể cắt đứt “dây dưa” với các khoản nợ Vinashin và đây có thể vẫn là những khoản tăng nợ nhóm 4-5, tăng khoản trích lập dự phòng của ngân hàng.

Do đó, phải nói rằng tuy VAMC không có vai trò cụ thể trong việc giúp SHB, hay một số các ngân hàng khác đối với xử lý khoản nợ của Vinashin, song nếu “ngoại bảng” các khoản nợ này thì những gì mà VAMC đã bắt đầu bắt tay mua, bằng các con số cụ thể, đang khơi lên hy vọng cho nhiều phía: Các ngân hàng sẽ giảm áp lực nợ xấu, có cơ hội tái cơ cấu các khoản nợ và có khả năng sẽ tăng cho doanh nghiệp vay, đẩy được tăng trưởng tín dụng và đẩy vốn ra nền kinh tế, qua đó lại giảm áp lực chi phí của chính các ngân hàng; mặt khác, giá trị các tài sản nợ xấu có thể đẹp hơn, khi qua tay phân loại của VAMC mà không bị rơi vào tình cảnh bán tháo tài sản, phát mãi và các ngân hàng vẫn còn có cơ hội “vớt lại” các tài sản này nếu VAMC giữ nợ để chờ chiết khấu theo thời gian.

Nợ xấu đang hy vọng sẽ sớm được giá đẹp.

Tích tụ, phân phối lại, hay...?

Vấn đề còn lại là : VAMC có định bán nợ, tái phân phối, mở cửa giao dịch nợ xấu với thế giới bên ngoài, hay giữ nợ chờ các ngân hàng chiết khấu?

Liên quan đến câu hỏi này, đại diện nhiều nhà băng bày tỏ họ đang không chỉ lên kế hoạch bán nợ, mà còn rất mong được mua nợ, bởi phần lớn các khoản nợ xấu đã được bán này đều có tài sản thế chấp là bất động sản và trong đó nhiều tài sản có giá trị cao về vị trí đất, khu vực đất cũng như giá sổ sách rất “hời” cho một danh mục đầu tư vài ba năm sau, nhất là khi đã được chiết khấu thời gian đầu.

Tuy nhiên, các nhà băng cũng cho biết trong bối cảnh mà phần lớn đang nhìn nhận ngân hàng ở một phía phải bán nợ, việc họ mong được mua nợ chắc chắn là bất khả thi bởi nếu chiếu theo quy định thì các công ty mua bán nợ của các ngân hàng lại không được phép mua nợ của mình, và nếu muốn mua nợ của tổ chức khác cũng sẽ rất mất nhiều công đoạn, quy định, gần như khó có thể thành công.

Ý muốn mua nợ của các nhà băng trong nước thực tế chỉ là “nói cho nhau nghe”, nhưng ý muốn nhìn ngó các khoản nợ xấu qua tay VAMC của nhiều tổ chức nước ngoài thì lại đang tỏ rõ. “Những cá mập”, nói theo ngôn ngữ của TS. Lê Xuân Nghĩa, đang trong giai đoạn tìm hiểu thị trường và các cánh cửa dẫn đến mua bán nợ.

Song, những rào cản liên quan đến tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản, với sở hữu của nhà đầu tư ngoài, thì không dễ một chiều sẽ thay đổi. Chắc chắn, nếu muốn mở cửa bán nợ cho các nhà đầu tư nước ngoài để tăng nguồn lực và đẩy nhanh xử lý nợ, giúp các tổ chức tín dụng sớm đi vào giai đoạn “quẳng gánh lo” để kinh doanh an toàn sẽ có những chính sách phải điều chỉnh và các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ phải chấp nhận chi phí và thời gian chờ tác động chính sách.

Bản thân VAMC cũng chỉ mới bắt đầu mua nợ. Kho vàng chỉ mới tích tụ. Moodys vì vậy, đánh giá những tác động chưa thể có, không phải không có lý.