Quy chế mới liệu có sức sống mới?

Luật gia Vũ Xuân Tiền - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM Việt Nam

(Tài chính) Hiệu lực và hiệu quả của việc quản lý, giám sát tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong nhiều năm qua vẫn chưa đạt yêu cầu, thất thoát, lãng phí, tham nhũng… hiệu quả sử dụng vốn thấp vẫn còn phổ biến.

Quy chế mới liệu có sức sống mới?
Công khai thông tin tài chính là nội dung rất quan trọng và chỉ có tác dụng tích cực khi nội dung công khai đảm bảo trung thực. Nguồn: internet

Nhiều điểm mới

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2013/NĐ-CP, ngày 25/6/2013 về Quy chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước (sau đây gọi là Quy chế mới). So với những quy chế giám sát tài chính của DNNN đã ban hành trước đây, như: Nghị định số 199/2004/NĐ-CP, Nghị định 09/2004/NĐ-CP… Quy chế mới ban hành kèm theo Nghị định số 61/2013/NĐ-CP có khá nhiều điểm đáng chú ý sau:

Một là, Quy chế mới không giới hạn trong phạm vi giám sát tài chính mà bao hàm cả việc đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính. Việc mở rộng lĩnh vực điều chỉnh của quy chế là cần thiết và hợp lý. Bởi, mục tiêu của việc giám sát là để sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp đạt hiệu quả ngày càng cao hơn; việc công khai thông tin tài chính sẽ là công cụ hữu hiệu góp phần ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí.

Hai là, đối tượng áp dụng của Quy chế mới cũng mở rộng hơn. Bên cạnh đối tượng đương nhiên và bắt buộc là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, Quy chế mới còn điều chỉnh cả những doanh nghiệp có vốn nhà nước, gồm: Công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn có từ hai thành viên trở lên mà Nhà nước là cổ đông/thành viên góp vốn. Với các công ty này, Quy chế cũng quy định với hai trường hợp: Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và Nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ.

Ba là, Quy chế mới đã dành một chương, từ Điều 25 đến Điều 28 quy định về công khai thông tin tài chính. Yêu cầu công khai thông tin tài chính đã được quy định trong Luật Kế toán có hiệu lực từ 1/1/2004. Song, đây là lần đầu tiên việc công khai thông tin tài chính được quy định tại một văn bản dưới luật.

Bốn là, về việc giám sát tài chính, Quy chế mới đã quy định rất rõ về chủ thể giám sát, nội dung giám sát, căn cứ giám sát, phương thức giám sát... Đáng lưu ý là, phương thức giám sát được quy định, gồm: giám sát trực tiếp, giám sát gián tiếp, giám sát trước, giám sát trong và giám sát sau. Hy vọng rằng, với phương thức giám sát toàn diện như vậy sẽ không còn những "việc đã rồi" như đã xẩy ra trong các DNNN thời gian qua.

Năm là, Quy chế mới cũng quy định rất rõ về chủ thể giám sát, về những chế tài đối với các viên chức quản lý doanh nghiệp, chủ sở hữu khi không thực hiện trách nhiệm, quyền hạn được giao.

Liệu có "sức sống" mới?

Quy chế mới đã được ban hành với nhiều nội dung mới, tiến bộ nhưng có thể có hiệu lực, hiệu quả, hay "sức sống" mới tốt hơn trong quản lý các DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước trong những năm sắp tới?

Có thể kết luận rằng, nội dung mới, tiến bộ của Quy chế mới chỉ là điều kiện cần. Để Quy chế mới có "sức sống mới" còn những "điều kiện đủ" phải có trong thực tế.

Trước hết, câu hỏi được đặt ra là: ai là người giám sát? Điều 5 của Quy chế quy định chủ thể giám sát, gồm: Bộ quản lý ngành với tư cách là chủ sở hữu; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh với tư cách là chủ sở hữu và cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp. Quy định đó không sai vì đó là chức năng, nhiệm vụ của những cơ quan nêu trên. Song, thực hiện việc kiểm tra, giám sát không phải là "cơ quan" mà là những con người cụ thể, có đầy đủ những nhu cầu như những người bình thường khác. Có căn cứ để đảm bảo rằng, người (hoặc những người) được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát không bị chi phối bởi những mối quan hệ lợi ích rất phức tạp, đan xen trong cuộc sống, không bị lôi kéo bởi lợi ích vật chất để đưa ra những kết luận sai sự thật hay không?

Đã có nhiều nghị định của Chính phủ về giám sát được ban hành. Song, chưa có một vụ bê bối nào về tài chính ở doanh nghiệp có vốn nhà nước được phát hiện qua kiểm tra, giám sát của các hệ thống này. Trước khi những tiêu cực ở Vinashin, Vinalines bị đưa ra ánh sáng đã có không ít đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và chỉ kết luận rất nhẹ nhàng, cần "rút kinh nghiệm". Đó là bằng chứng rất sinh động về hiệu quả của việc kiểm tra, giám sát. Vì vậy, quy chế được nghiên cứu rất công phu và được Chính phủ ban hành đúng quy định của pháp luật, nhưng sẽ khó đi vào cuộc sống nếu không có người thực thi kiểm tra, giám sát trung thực, khách quan, nhất là phải giám sát chặt chẽ các “véc tơ” lợi ích, kể cả lợi ích nhóm.

Có đủ nhân lực để thực hiện việc giám sát hay không cũng là vấn đề không kém phần quan trọng. Bởi lẽ, để giám sát trước, giám sát trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người có chức năng giám sát không thể "giám sát từ xa", mà phải trực tiếp kiểm tra tại doanh nghiệp. Còn nhớ, trước đây đã có kiến nghị Bộ Tài chính cử tới mỗi tập đoàn, tổng công ty, DNNN có quy mô lớn một cán bộ giám sát và làm việc toàn thời gian tại doanh nghiệp. Song, phương án đó đã không thể thực hiện do số cán bộ công chức sẽ tăng lên và cũng không có gì đảm bảo những "giám sát viên" biệt phái đó sẽ không bị mua chuộc.

Kiểm tra, giám sát như thế nào cũng là một vấn đề. Bởi, nội dung kiểm tra, giám sát được quy định tại quy chế đòi hỏi rất toàn diện, gồm: Giám sát việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; Giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp; Giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; Giám sát việc thực hiện các chính sách đối với người lao động. Hơn nữa, hoạt động tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt là với những doanh nghiệp có quy mô lớn như tập đoàn, tổng công ty, là vô cùng phức tạp. Những sai phạm được ngụy trang rất tinh vi. Vì vậy, nếu không có trình độ của một giám đốc tài chính hoặc một kế toán trưởng doanh nghiệp lâu năm, người thực thi việc kiểm tra, giám sát chắc cũng... "múa tay trong bị"!

Công khai thông tin tài chính là nội dung mới, rất quan trọng và chỉ có tác dụng tích cực khi nội dung công khai đảm bảo trung thực. Phần lớn các thông tin phải công khai đều thể hiện trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Song, tình trạng "làm xiếc" trên báo cáo tài chính, tạo ra tình trạng "lãi giả, lỗ thật" ở không ít DNNN đang là phổ biến.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là quy định về trách nhiệm của hội đồng thành viên/tổng giám đốc DNNN, như sau: "Trường hợp để công ty, thua lỗ hoặc giảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu hoặc không thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ chủ sở hữu giao hoặc chỉ tiêu tại hợp đồng quản lý công ty mà không giải trình được nguyên nhân khách quan và được chủ sở hữu chấp nhận thì tùy theo mức độ, sẽ bị cách chức hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật" (Nghị định số 25/2010/NĐ-CP).

Với quy định trên, Chủ tịch Hội đồng thành viên/Chủ tịch/Giám đốc (Tổng Giám đốc) doanh nghiệp phải tìm mọi cách chỉ đạo kế toán trưởng "làm đẹp" báo cáo tài chính hàng năm. Tình trạng lỗ thật của không ít DNNN được phát hiện khi kiểm tra, xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá trong những năm qua đã chứng minh điều đó.

Việc giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định tại Quy chế mới lại càng khó có tính khả thi hơn. Bởi, với những doanh nghiệp này, Nhà nước chỉ thực hiện được vai trò quản lý của mình thông qua người đại diện. Trong khi đó, không phải tất cả những "người đại diện" đều có năng lực chuyên môn, nghiêm túc và khách quan trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.