Quy định mới về quản lý tài sản tại các đơn vị sự nghiệp công lập

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 4/2016

Có hiệu lực từ ngày 22/2/2016, Nghị định 04/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Ngày 16/2/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 23/2016/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập. Bài viết phân tích những điểm mới của chính sách này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những đổi mới quan trọng

Nghị định số 04/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể:

Căn cứ vào điều kiện quy định của Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh rà soát toàn bộ các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý để xác định: Các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (gọi tắt là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính); các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (gọi tắt là đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính).

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước các bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh có văn bản xác nhận đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp (DN) và chỉ đạo thực hiện các công việc tiếp theo để được xác định giá trị tài sản giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho DN.

Nội dung chủ yếu của văn bản xác nhận đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho DN bao gồm: Tên đơn vị sự nghiệp công lập được xác nhận là đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho DN; trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập trong việc kiểm kê, phân loại, xác định giá trị tài sản, trình cấp có thẩm quyền quyết định giao tài sản.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính, việc đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng, điều chuyển, thu hồi, thanh lý, bán, tiêu hủy, kiểm kê, hạch toán, báo cáo, công khai, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tài sản nhà nước thực hiện theo quy định của Chính phủ. Riêng tiền thu được từ thanh lý tài sản, đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính được sử dụng để bổ sung quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Việc sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết phải được kê khai báo cáo để đăng nhập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước.

Theo quy định trước đây, chỉ các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên từ nguồn thu sự nghiệp mới được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho DN. Các đơn vị sự nghiệp công lập khác muốn được xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho DN phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: Tự bảo đảm trên 10% kinh phí hoạt động thường xuyên; có đề án sử dụng tài sản phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, được Bộ, cơ quan trung ương hoặc UBND cấp tỉnh phê duyệt; cam kết thực hiện đúng quy định về quản lý, sử dụng tài sản đối với đơn vị tự chủ tài chính.

Trường hợp được Nhà nước cho phép hoặc yêu cầu tính đủ chi phí, bao gồm cả khấu hao tài sản cố định vào giá thành sản phẩm dịch vụ, hàng hoá thì đơn vị phải đảm bảo tự bù đắp đủ các chi phí; Nhà nước không tăng thêm kinh phí, trừ các trường hợp Nhà nước giao thêm nhiệm vụ hoặc bổ sung một phần cho tiền lương tăng thêm theo chế độ.

Theo quy định mới, Chính phủ đã cho phép tất cả các đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên đều đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho DN mà không cần thêm các điều kiện như quy định trước đây.

Việc xác định loại hình đơn vị căn cứ quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập và phương án tự chủ được cấp có thẩm quyền phê duyệt áp dụng tại thời điểm có văn bản xác nhận đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho DN. Ngoài ra, trường hợp tài sản của đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên có khả năng sử dụng vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết, đơn vị này cũng có thể được cơ quan có thẩm quyền xác định giá trị tài sản nhà nước để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho DN.

Điểm mới đáng chú ý nữa là về nguyên tắc xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho DN. Trước đây, khi xác định giá trị tài sản để giao vốn là quyền sử dụng đất, giá trị quyền sử dụng đất được xác định theo giá đất do UBND cấp tỉnh quy định. Nếu giá đất do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm tính giá đất vào giá trị tài sản đơn vị chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường thì phải xác định lại cho phù hợp.

Đến nay, với quy định mới, giá trị quyền sử dụng đất được xác định căn cứ vào Bảng giá đất của địa phương và hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá trị; giá trị tài sản khác được xác định căn cứ vào giá trị còn lại của tài sản trên sổ kế toán. Nếu tài sản chưa được theo dõi trên sổ sách kế toán hoặc đã tính hao mòn đủ nhưng vẫn còn sử dụng được thì thành lập Hội đồng xác định lại giá trị tài sản.

Về quy trình, việc giao tài sản nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính từ nay sẽ được thực hiện theo 5 bước và có quy định cụ thể thời hạn thực hiện đối với tất cả các bước công việc, cụ thể:

Thứ nhất, công nhận đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện được nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho DN (chậm nhất đến ngày 20/5/2016 các bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh phải hoàn thành việc rà soát toàn bộ các đơn vị hiện có thuộc phạm vi quản lý);

Thứ hai, kiểm kê, phân loại tài sản;

Thứ ba, xác định giá trị tài sản.

Hai bước kiểm kê, phân loại tài sản và xác định giá trị tài sản được thực hiện trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày có văn bản xác nhận của cấp có thẩm quyền tại bước thứ nhất;

Thứ tư, quyết định giao tài sản (thời hạn 15 ngày kể từ nhận được đầy đủ hồ sơ của đơn vị);

Thứ năm, tổ chức giao tài sản (thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có quyết định giao tại bước thứ tư);

Việc khấu hao tài sản cố định tại các quy định cũ yêu cầu toàn bộ tài sản cố định tại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được trích khấu hao theo chế độ áp dụng đối với DNNN. Tuy nhiên, tại Nghị định số 04/2016/NĐ-CP, các đơn vị tự chủ tài chính có quyết định của cấp có thẩm quyền cho phép vận dụng cơ chế tài chính như DN hoặc thuộc đối tượng phải tính đủ khấu hao tài sản cố định vào giá dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình quy định tại Điều 10 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quản lý, sử dụng, trích khấu hao tài sản cố định theo quy định. Các đơn vị tự chủ tài chính còn lại phải trích khấu hao đối với tài sản cố định sử dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, liên doanh, liên kết mà không hình thành pháp nhân mới hoặc cho thuê.

Bên cạnh đó, một trong những điểm nhấn đáng chú ý là việc kê khai, báo cáo và đăng nhập thông tin về tài sản nhà nước sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước được quy định cụ thể tại Thông tư số 23/2016/TT-BTC.

Việc sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết phải được cấp có thẩm quyền cho phép; không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ Nhà nước giao; sử dụng đúng công năng của tài sản khi đầu tư xây dựng, mua sắm hoặc được giao phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước; tận dụng tài sản nhà nước trong thời gian nhàn rỗi.

Việc sử dụng tài sản vào các mục đích nói trên cũng phải được thực hiện theo cơ chế thị trường thông qua xác định giá cho thuê tài sản nhà nước phù hợp với giá cho thuê tài sản cùng loại trên thị trường; xác định giá trị tài sản khi liên doanh, liên kết phải phù hợp với giá trị thực tế của tài sản trên thị trường; được trích khấu hao.

Tiền thu được từ sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết tài sản nhà nước, đơn vị phải hạch toán riêng và sử dụng để thanh toán các chi phí có liên quan; nộp tiền thuê đất, thuế và nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật; hoàn trả vốn huy động bao gồm cả lãi huy động vốn (trong trường hợp tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ nguồn vốn huy động), số tiền còn lại được quản lý, sử dụng theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

Một trong những nội dung đổi mới được hướng dẫn tại Thông tư này là các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết tại đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính. Theo Thông tư 23/2016/TT-BTC, việc sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết phải được cấp có thẩm quyền cho phép; không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ Nhà nước giao; sử dụng đúng công năng của tài sản khi đầu tư xây dựng, mua sắm...

Bộ Tài chính cũng quy định cụ thể các nội dung về thuê tài sản phục vụ hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; xác định giá trị tài sản nhà nước để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý theo cơ chế giao vốn cho DN; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Quyết liệt đưa chính sách vào cuộc sống

Để đẩy nhanh chính sách vào cuộc sống, Bộ Tài chính vừa có công văn đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xác định giá trị tài sản nhà nước để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính quản lý. Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý và các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan về các nội dung của Nghị định số 04/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ và Thông tư số 23/2016/TT-BTC ngày 16/02/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương phải rà soát toàn bộ các đơn vị sự nghiệp công lập hiện có thuộc phạm vi quản lý để xác định các đơn vị này đã đủ hoặc chưa đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho quản lý theo cơ chế giao vốn cho DN.

Trên cơ sở kết quả rà soát, các bộ, ngành, địa phương phải ban hành thông báo danh mục đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý đủ điều kiện được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho quản lý theo cơ chế giao vốn cho DN. Việc ban hành danh mục phải hoàn thành trước ngày 20/5/2016. Các đơn vị sự nghiệp công lập đã đủ điều kiện cần thực hiện việc kiểm kê, phân loại tài sản; xác định giá trị tài sản và báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành quyết định giao tài sản cho đơn vị đúng thời hạn quy định.

Sau khi được cấp có thẩm quyền có quyết định giao tài sản và tổ chức bàn giao tài sản phải thực hiện kê khai, báo cáo và đăng nhập thông tin về tài sản nhà nước sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước theo quy định.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập không đủ điều kiện được nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho DN phải chấm dứt ngay việc sử dụng tài sản nhà nước vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết; xử lý các trường hợp sử dụng tài sản không đúng mục đích được giao. Các trường hợp có nhu cầu sử dụng tài sản vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết thì thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 04/2016/NĐ-CP và Thông tư số 23/2016/TT-BTC.