Quỹ hưu trí tại Việt Nam: Xu thế tất yếu của phát triển

Thùy Dương

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đánh giá khả năng thực hiện ở Việt Nam, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện theo mô hình hợp đồng. Việc phát triểt quỹ hưu trí, quy mô cũng như nguồn vốn mà loại hình quỹ này đầu tư vào thị trường chứng khoán tại các quốc gia trên, là mơ ước đối với một nước đang trên bước đường khởi tạo Quỹ hưu trí như Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


 Những định hướng đầu tiên cho sự ra đời của Quỹ hưu trí tại Việt Nam được thể hiện tại Đề án hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện tại Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 144/2014 ngày 20/1/2014.

Theo Đề án, việc hình thành và phát triển chương trình hưu trí tự nguyện nhằm xây dựng hệ thống hưu trí đa trụ cột, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời khuyến khích tiết kiệm, mở rộng cơ sở nhà đầu tư vốn dài hạn trên thị trường vốn theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2020.

Để đạt mục tiêu này, Đề án đưa ra những định hướng: đến năm 2020, có khoảng 400- 500 doanh nghiệp, với khoảng 150.000 người tham gia mua sản phẩm bảo hiểm hưu trí, hoặc đóng góp vào các Quỹ hưu trí tự nguyện theo hình thức ủy thác đầu tư. Đến năm 2020, doanh số tích lũy của các Quỹ hưu trí tự nguyện để đầu tư trở lại nền kinh tế, trong đó có thị trường vốn, thị trường chứng khoán khoảng 10.000- 12.000 tỷ đồng.

Một bước ngoặc trong cụ thể hóa hành lang pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của Quỹ hưu trí, là ngày 1/7/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2016 về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện, với nhiều quy định chi tiết về đường hướng phát triển hệ thống Quỹ hưu trí theo thông lệ quốc tế, nhưng phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

Từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy mô hình tổ chức Quỹ hưu trí rất đa dạng. Tuy nhiên có 2 mô hình chính gồm: quỹ hưu trí tự nguyện được tổ chức dưới mô hình tín thác (người tham quỹ không có quyền sở hữu tài sản của Quỹ hưu trí); quỹ hưu trí được tổ chức theo mô hình hợp đồng.

Theo mô hình hợp đồng, Quỹ hưu trí được quản lý bởi doanh nghiệp quản lý Quỹ hưu trí trên cơ sở hợp đồng tham gia Quỹ hưu trí ký giữa doanh nghiệp quản lý Quỹ này với cá nhân, người lao động và người sử dụng lao động.

Mô hình này được áp dụng phổ biến tại nhiều nước: Anh, Mỹ, Italia, Tây Ban Nha... do có nhiều ưu thế hơn so với mô hình tín thác như: đảm bảo tách biệt tài sản của Quỹ hưu trí với tài sản của doanh nghiệp quản lý Quỹ hưu trí, người sử dụng lao động. Tách biệt người sử dụng lao động với việc quản lý Quỹ hưu trí; giảm thiểu chi phí, thời gian và rủi ro ảnh hưởng đến uy tín của người sử dụng lao động trong việc vận hành Quỹ hưu trí.

Dễ dàng và thuận tiện trong triển khai, cho phép người lao động tại nhiều doanh nghiệp khác nhau cùng tham gia một Quỹ hưu trí, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân tham gia trực tiếp.

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đánh giá khả năng thực hiện ở Việt Nam, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các bộ ngành trình Chính phủ ban hành Nghị định 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện theo mô hình hợp đồng.

Thị trường vốn Việt Nam đã và đang phát triển với tốc độ nhanh trong những năm gần đây. Tuy tăng trưởng mạnh về quy mô, nhưng tỷ trọng tham gia của các nhà đầu tư tổ chức có vốn dài hạn còn rất khiêm tốn.

Với thị trường trái phiếu, vẫn chủ yếu là các tổ chức tín dụng nắm giữ dư nợ trái phiếu Chính phủ. Sự tham gia của các quỹ đầu tư, trong đó có các Quỹ hưu trí tự nguyện còn rất hạn chế. Với cơ cấu cơ sở nhà đầu tư như hiện nay, thị trường trái phiếu và cổ phiếu còn rất thiếu các nguồn vốn đầu tư dài hạn, đặc biệt là nguồn vốn để đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội.

Với thực tế này, vấn đề quan trọng hiện nay là cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển hệ thống cơ sở nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư dài hạn trên thị trường vốn.

Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, Quỹ hưu trí là tổ chức trung gian tài chính đóng vai trò huy động nguồn vốn dài hạn từ người dân để đầu tư trên thị trường tài chính, góp phần quan trọng vào phát triển thị trường này.

Đặc biệt, Quỹ hưu trí tự nguyện là một trong những nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường trái phiếu tại các quốc gia phát triển. Do vậy, việc ra đời và vận hành hệ thống Quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam, bên cạnh vai trò đa dạng hóa hệ thống an sinh xã hội, còn góp phần phát triển hệ thống cơ sở nhà đầu tư dài hạn trên thị trường vốn.

Nguồn vốn từ các quỹ hưu trí được hình thành từ sự đóng góp của người lao động, cá nhân, doanh nghiệp sử dụng lao động, sẽ được đầu tư vào các sản phẩm tài chính trên thị trường vốn, qua đó góp phần phát triển thị trường này, đặc biệt là thị trường trái phiếu Chính phủ một cách bền vững.

Từ kinh nghiệm phát triển thành công hệ thống Quỹ hưu trí trên thế giới cho thấy, trong giai đoạn ban đầu, các nước đều có cơ chế khuyến khích người lao động và doanh nghiệp tham gia thông qua các chính sách ưu đãi về phí, thuế đối với khoản đóng góp vào Quỹ hưu trí, cũng như khoản tiền mà họ nhận được từ Quỹ.

Cùng với đó là các cơ chế bảo vệ đảm bảo tính an toàn cao cho đồng vốn của doanh nghiệp và người lao động góp vào quỹ, vì đây là loại hình quỹ hoạt động lâu dài gắn chặt với người lao động trong suốt độ tuổi lao động cho đến khi về hưu và còn sống. 

Việt Nam cần học hỏi những kinh nghiệm này trong quá trình đang triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy hình thành Quỹ hưu trí đầu tiên, trước khi tiến đến hình thành hệ thống Quỹ này trong tương lai không xa.