Quyền nhà nước quá lớn, làm méo mó thị trường bất động sản

P.Thảo (Dân trí)

“Quyền định đoạt của Nhà nước quy định trong luật vẫn quá lớn, có thể làm méo mó thị trường bất động sản, khó ngăn chặn việc đầu cơ trong sử dụng, tham nhũng trong quản lý đất đai” - đại biểu Đặng Thuần Phong góp ý về dự thảo luật Đất đai sửa đổi.

Quyền nhà nước quá lớn, làm méo mó thị trường bất động sản
Đại biểu Đặng Thuần Phong.

Chiều 19/11, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận về vấn đề nóng, đang thu hút sự quan tâm của xã hội thời gian qua.

Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) thống nhất với việc xác lập chế độ sở hữu đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Theo ông Lai, không thể nói khác về vấn đề này vì đất đai không đơn thuần là tài sản quốc gia mà còn hàm nghĩa là giai cấp,là chính trị, là lịch sử, là nhiều vấn đề lớn của đất nước. Nếu đặt vấn đề khác đi, việc quản lý có thể diễn biến theo chiều hướng xấu và hết sức khó xử.

Tuy nhiên, ông Lai cũng nhấn mạnh nguyên tắc xác định quyền sở hữu đất đai là toàn dân, nhà nước quản lý nhưng phải hết sức coi trọng lợi ích của người dân. Vì đất đai với người dân cũng là nơi sinh ra, sống lên từ đất, chết cũng quay về với đất.

Trên tinh thần đó, ông Lai đề nghị phải thừa nhận quyền sử dụng đất đai với tư cách là quyền về tài sản vì không công nhận thì thực tế cũng đã xác nhận đây là một quyền tài sản rồi. Đất đai được mua bán, trao đổi và đem lại giá trị lớn, thậm chí rất lớn.

“Có mua bán, trao đổi, chuyển nhượng thì rõ ràng là quyền tài sản với đất đai đã được thừa nhận nhưng không chính danh. Mà vốn dĩ, cái gì không chính danh khi vẫn tồn tại sẽ dẫn đến bất minh. Nhiều thứ không chính danh sẽ nảy sinh nhiều khuất tất và dẫn đến nhiều bất minh, phát sinh nhiều tiêu cực” – ông Lai phân tích.

Đại biểu Nguyễn Thị Hải (Nghệ An) cũng đồng ý quyền sử dụng đất phải được đối xử như quyền tài sản của công dân. Bà đồng ý với nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, song cho rằng các quyền của nhà nước đối với đất đai như quy định trong dự thảo là quá rộng, không phù hợp với Hiến pháp và thông lệ quốc tế.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cũng thống nhất vấn đề quyền của nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu đất đai, người thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với đất đai.

Tuy nhiên, ông Phong nhìn nhận ở khía cạnh khác, luật hiện hành cố gắng phân tách quyền chủ sở hữu đất đai với chức năng quản lý nhà nước về đất đai. Song, luật chỉ có một điều quy định cơ quan Nhà nước thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu, còn 8 điều khác lại thể hiện nội dung nhà nước quyền định đoạt, quản lý, ra quyết định của nhà nước.

Ông Phong cho rằng, như vậy, phạm vi quyền định đoạt của nhà nước là quá lớn, các quyết định hành chính được thi hành sẽ rất nhiều, có thể làm méo mó thị trường bất động sản, khó ngăn chặn việc đầu cơ sử dụng đất đai tham nhũng trong quản lý và lạm dụng trong quy hoạch định giá giao đất và thu hồi đất. Trong khi đó, cơ chế giám sát việc thực thi các quyền này của Nhà nước lại chưa có quy định cụ thể.

Về vấn đề lập quy hoch, kế hoch s dng đt, nhiều đại biểu tán thành hướng sửa đổi, giảm một cấp chính quyền có thẩm quyền tham gia như hiện tại, từ 4 cấp xuống còn 3 cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện. Theo đó, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các vùng kinh tế-xã hội được tính toán trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng cấp huyện được chi tiết đến từng đơn vị hành chính cấp xã.

Đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) cho rằng quy định như dự thảo luật là hợp lý. Theo đại biểu quy hoạch sử dụng đất bốn cấp như thời gian qua gây tốn kém, lãng phí và không hiệu quả vì thực tế đa số chính quyền cấp xã không đủ năng lực để làm quy hoạch.

Đại biểu Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) đề nghị bổ sung viếc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của người dân trong quá trình xây dựng quy hoạch thông qua nhiều hình thức khác nhau.

Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) nhắc lại nguyên tắc, diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án, công trình hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm không được thực hiện theo kế hoạch, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải hủy bỏ và công bố.

Bà Huệ đánh giá đây là quy định mới có ý nghĩa to lớn trong việc hạn chế tiến tới xóa bỏ tình trạng dự án treo như hiện nay. Tuy nhiên, nữ đại biểu cũng băn khoăn, sau 3 năm mà cơ quan có thẩm quyền chưa hoặc không làm thủ tục hủy bỏ dự án và công bố trước nhân dân, quyền lợi của người dân sẽ không được đảm bảo, người dân vẫn không được sử dụng đầy đủ các quyền trên đất của mình, tình trạng dự án treo vẫn chưa được giải quyết triệt, làm phát sinh khiếu kiện kéo dài.

Bà Huệ đề nghị bổ sung quy định, trong rường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền không hoặc chậm hủy bỏ việc công bố, người chủ sử dụng diện tích đất trên được thực hiện các quyền sử dụng đất của mình và được pháp luật bảo hộ.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đặt câu hỏi tại sao lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chỉ gồm ba cấp mà không có cấp xã trong khi cấp xã là cấp cơ sở để quy hoạch, kế hoạch chi tiết, là cấp quản lý trực tiếp đất đai. Đại biểu đề nghị giữ quy định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất như Luật hiện hành vì nếu quy định chỉ gồm ba cấp, quy hoạch, kế hoạch đó sẽ rất rộng, dẫn đến có nhiều quy hoạch treo, sử dụng đất đai không hợp lý.