Quyết liệt lành mạnh hóa các tổ chức tín dụng

Theo thoibaonganhang.vn

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chỉ có hai cách lựa chọn để giải quyết vấn đề các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Một là cho giải thể, sáp nhập hoặc bán lại khi các ngân hàng chủ động trong việc tìm vốn và họ tự tái cấu trúc lại. Hai là quốc hữu hóa.

Quyết liệt lành mạnh hóa các tổ chức tín dụng
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngân hàng được chỉ định: không phải dễ!

Việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg (Quyết định 48) về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/9/2013 đã khẳng định sự quyết tâm của Chính phủ trong nỗ lực tái cơ cấu các TCTD. Theo đó, việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt của NHNN hoặc TCTD khác được NHNN chỉ định.

Bình luận về quyết định này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, Quyết định 48 phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Ông Hiếu nhấn mạnh: chỉ có hai cách lựa chọn để giải quyết vấn đề các NHTMCP yếu kém. Một là cho cho giải thể, sáp nhập hoặc bán lại khi các ngân hàng chủ động trong việc tìm vốn và họ tự tái cấu trúc lại. Hai là quốc hữu hóa. Trong bối cảnh này, việc quản lý của Nhà nước là cần thiết.

“Dĩ nhiên Nhà nước sẽ không ôm ngân hàng đó vĩnh viễn, mà chỉ trong thời gian nhất định. Tôi nghĩ rằng việc can thiệp của NHNN đối với ngân hàng yếu kém như vậy là hợp lý” – TS. Nguyễn Trí Hiếu kết luận.

Cũng theo Quyết định 48, Thống đốc NHNN sẽ chỉ định TCTD tham gia góp vốn, mua cổ phần hoặc trực tiếp tham gia góp vốn, mua cổ phần trong trường hợp TCTD khác không đáp ứng được các điều kiện quy định tại khoản 1, Điều 7, Quyết định này.

Theo đó, TCTD được chỉ định phải đáp ứng được các điều kiện: có tình trạng tài chính lành mạnh và có đủ nguồn vốn để thực hiện góp vốn, mua cổ phần theo yêu cầu của NHNN; đáp ứng đầy đủ các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng; có hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ đáp ứng các quy định của NHNN và có khả năng quản trị, điều hành và thực hiện cơ cấu lại TCTD được tham gia góp vốn mua cổ phần.

“Với quy định này, NHNN có thể chỉ định một số NHTM Nhà nước hoặc NHTMCP có vốn chi phối Nhà nước để mua cổ phần, thay vì NHNN phải nhảy vào. Nhưng Nhà nước trực tiếp và gián tiếp can thiệp đầu tư vào các ngân hàng yếu kém là cần thiết và không còn cách nào khác” – TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý.

Cũng theo Quyết định 48, TCTD bị kiểm soát đặc biệt được góp vốn, mua cổ phần bắt buộc trong trường hợp: không thực hiện được các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 149 Luật Các TCTD hoặc khi NHNN xác định số lỗ lũy kế của TCTD đã vượt quá giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của TCTD được kiểm soát đặc biệt ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất và việc chấm dứt hoạt động của TCTD được kiểm soát đặc biệt có thể gây mất an toàn hệ thống TCTD theo Khoản 3 Điều 149 Luật Các TCTD. Nhưng…

Tiền đâu mua cổ phần?

Vậy cổ phần của TCTD bị kiểm soát đặc biệt sẽ được bán với giá nào? Theo Quyết định 48, căn cứ kết quả kiểm toán độc lập về thực trạng tài chính, giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ trong thời gian kiểm soát đặc biệt hoặc một thời điểm khác do Thống đốc NHNN quyết định, Ban kiểm soát đặc biệt trình Thống đốc NHNN quyết định giá trị thực của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của TCTD được kiểm soát đặc biệt và mức vốn cần được bổ sung để đảm bảo đáp ứng được mức vốn pháp định và các quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng.

Cùng với việc chỉ định TCTD, Thống đốc NHNN cũng quyết định số vốn mà TCTD được chỉ định hoặc NHNN tham gia góp vốn, mua cổ phần, các hình thức góp vốn, mua cổ phần, và thời gian thực hiện việc góp vốn, mua cổ phần.

Việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc được thực hiện theo các hình thức sau: TCTD được chỉ định thực hiện góp vốn, mua cổ phần bắt buộc bằng tiền; hoặc thông qua việc chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ dư nợ các khoản tiền gửi, cho vay tại các TCTD được kiểm soát đặc biệt. TCTD được chỉ định sử dụng vốn điều lệ và quỹ dự trữ để góp vốn, mua cổ phần theo quy định của pháp luật.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu thì NHNN có thể mua cổ phần của các NHTM nhưng là cổ phần ưu đãi mà ở Mỹ đã từng áp dụng thời điểm năm 2000. Có nghĩa NHNN không tham dự vào Hội đồng quản trị, quản lý mà chỉ hưởng cổ tức ấn định trước hàng năm. Cổ tức đó được hưởng giống như một loại vốn cho vay. “Nói cách khác thay vì hưởng cổ tức theo năng lực sinh lời của NHTM đó thì NHNN được hưởng cổ tức cố định, cổ phiếu ưu đãi. Hiện Việt Nam chưa áp dụng cách thức này. Có thể NHNN sẽ làm theo cách: Khi các NHTMCP yếu kém đã phục hồi trở lại thì Chính phủ và NHNN bán cổ phiếu ưu đãi đó cho đối tác nước ngoài và tư nhân có nhu cầu” – TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Ngoài ra, theo quy định tại Quyết định 48, NHNN thực hiện việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc bằng tiền hoặc chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ giá trị dư nợ cho khoản vay đặc biệt, dư nợ cho vay tái cấp vốn (nếu có). NHNN cũng có thể sử dụng các công cụ nợ do NHNN phát hành để thực hiện việc góp vốn, mua cổ phần.

Căn cứ tình hình thực tiễn của TCTD được kiểm soát đặc biệt, Thống đốc NHNN xem xét, quyết định hỗ trợ TCTD được chỉ định trong thời gian tham gia góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt thông qua các biện pháp: Cho vay tái cấp vốn; Cho vay đặc biệt; Cho phép tạm thời áp dụng các chỉ tiêu về an toàn trong hoạt động ngân hàng ở mức không tương đương như các TCTD bình thường trong một thời gian nhất định; Các biện pháp hỗ trợ khác nhằm xử lý khó khăn tạm thời ngoài dự kiến.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, các nhà đầu tư nội địa hiện nay cũng không dám “thò tay” vào các NHTMCP yếu kém, nhất là khi giá cổ phiếu của ngay cả các ngân hàng lớn, hoạt động lành mạnh cũng đang xuống thấp. Các tổ chức nước ngoài cũng lo ngại nợ xấu nên chần chừ không dám nhảy vào. Do vậy, việc NHNN can thiệp vào mua cổ phần là cứu cánh duy nhất trong lúc này.