Quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Nhận định về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch năm 2014 và kế hoạch 5 năm (2011- 2015), các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, kinh tế năm nay đã chuyển biến theo hướng tích cực, song vẫn còn những khó khăn lớn, nhất là vấn đề tái cơ cấu. Điều quan trọng là thực hiện quyết liệt các giải pháp để đạt mục tiêu đề ra.

Quyết liệt tái cơ cấu nền kinh tế
Kinh tế năm nay đã chuyển biến theo hướng tích cực, song vẫn còn những khó khăn lớn, nhất là vấn đề tái cơ cấu. Nguồn: internet
Theo đánh giá của nhiều ĐBQH, Chính phủ đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, nợ xấu còn cao, hiện chiếm 4,64% trong tổng dư nợ tín dụng. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động 9 tháng tăng 12,8% so với cùng kỳ. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, bội chi cao hơn kế hoạch; hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.

Bên cạnh đó, cải cách thể chế chưa đồng bộ, chưa có cơ chế chính sách đột phá thúc đẩy phát triển. Vì vậy, các giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển cần tập trung ngay từ việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho rằng, tăng trưởng kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn. Bởi vì nguồn thu còn phụ thuộc vào hệ thống doanh nghiệp. Trong khi đó, thời gian qua, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chững lại, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn, thị trường, lao động.

Đúng là hiện có nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng suy kiệt, sản xuất co hẹp, nợ xấu cao chưa nhìn thấy hướng ra... nhưng có thể thấy, nhiều đơn vị đã chủ động tái cơ cấu, chuyển hướng đầu tư theo hướng chú trọng đến các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có thế mạnh. Phản ánh xu thế chung này, Giám đốc Liên hiệp hợp tác xã TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) Nguyễn Ngọc Hòa (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, Saigon Co.op xác định lấy hoạt động bán lẻ là cốt lõi, cân đối để tập trung nguồn lực. Để đi sâu, doanh nghiệp cũng xác định địa bàn sẽ mở rộng hoạt động; xây dựng hệ thống tiêu chí để phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý...

Dù có những doanh nghiệp chủ động tái cơ cấu, vượt qua khó khăn, nhưng thực tế thì từ đầu năm đến nay đã có trên 40.000 doanh nghiệp thua lỗ, phá sản, ngừng hoạt động. Theo tính toán, bình quân một doanh nghiệp ngừng hoạt động sẽ làm mất đi 15 việc làm, như vậy hơn nửa triệu việc làm đã không còn. Đó là chưa kể hàng năm có hơn 1 triệu người gia nhập thị trường lao động. Lực lượng lao động thất nghiệp cao, thu nhập giảm đã làm nguồn cầu hạ thấp, khiến cho các đơn vị càng khó khăn hơn. Do đó, một số chuyên gia cho rằng, nền kinh tế nước ta đang ở trạng thái suy kiệt, khi cả đầu tư và tiêu dùng cá nhân tiếp tục bị thu hẹp. Trên thị trường các điểm nghẽn như nợ xấu, hàng tồn kho chưa được khai thông, khu vực bất động sản suy giảm, môi trường kinh doanh thiếu minh bạch.

Có thể thấy, báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013 cũng đã nêu rõ về những khó khăn của sản xuất, kinh doanh, nhất là tình trạng nợ xấu còn cao. Chính phủ đã xác định sẽ tiếp tục tái cơ cấu toàn diện các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém. Tiếp tục cổ phần hóa và nâng cao sức cạnh tranh của các ngân hàng thương mại quốc doanh. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, đảm bảo an toàn hệ thống, xử lý có hiệu quả tình trạng sở hữu chéo. Trong tái cơ cấu đầu tư, Chính phủ xác định sẽ tích cực xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, đẩy mạnh thu hút đầu tư xã hội, đầu tư nước ngoài. Tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Nhà nước tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn lực và tài nguyên.

Song thực tế cũng cho thấy, nếu môi trường truyền dẫn chính sách kém hiệu quả sẽ làm biến dạng mục tiêu và trở thành nhân tố cản trở sự hồi phục của nền kinh tế. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, thì cũng cần thực hiện nghiêm túc các giải pháp để tái cơ cấu nền kinh tế đã được xác định, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho mỗi đơn vị trong quá trình tự tái cơ cấu. Việc này rất cần cũng bởi mỗi doanh nghiệp là một tế bào của nền kinh tế đất nước. Nếu như nhiều nhân tố chuyển động được thì không phải có thể sẽ tạo ra sự chuyển động của cả nền kinh tế hay sao?