Quyết liệt trị nạn chuyển giá và trốn thuế

Theo Đại biểu Nhân dân

Trong khi nền kinh tế rất khó khăn, tăng trưởng không như mong đợi, nhiều địa phương không hoàn thành những chỉ tiêu cơ bản, thì lại có một bộ phận doanh nghiệp vẫn “sống khỏe”, bất chấp báo cáo tài chính thể hiện sự thua lỗ triền miên, hoặc kinh doanh kém hiệu quả.

Quyết liệt trị nạn chuyển giá và trốn thuế
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Cũng từ những báo cáo tài chính như vậy, hầu như những doanh nghiệp này không có đóng góp gì cho ngân sách Nhà nước từ phần thuế thu nhập doanh nghiệp, như một số hãng tên tuổi có vốn đầu tư nước ngoài lớn gần đây được báo chí điểm mặt, chỉ tên, và đặt nghi vấn “chuyển giá để trốn thuế”. Hệ lụy của các hoạt động chuyển giá là ngân sách Nhà nước thất thu, môi trường kinh doanh bị méo mó, bất bình đẳng.

Để hiểu một cách đơn giản nhất về chuyển giá, chúng ta xem xét một số ví dụ, có những dấu hiệu để nhận biết về hiện tượng này. Như hãng Coca Cola Việt Nam, liên tục 10 năm qua, hoạt động kinh doanh báo lỗ, nhưng trên thực tế vẫn mở rộng nhà xưởng sản xuất, tăng doanh số hàng năm. Còn nhà bán lẻ nổi tiếng Metro Cash & Carry Việt Nam, cũng nổi tiếng với số lỗ khủng, đứng đầu danh sách các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoạt động thua lỗ tại Việt Nam trong 10 năm qua, vừa hé lộ hướng phát triển hệ thống khoảng 30 - 35 trung tâm tại Việt Nam chỉ trong 3 - 5 năm tới, tiếp đà 3 năm qua, mỗi năm nhà bán lẻ này cho ra đời đến 4 trung tâm mới, đã khiến nhiều nhà bán lẻ trong nước không khỏi lo ngại.

Theo báo cáo tài chính của các doanh nghiệp này, giá vốn, nguyên liệu đầu vào cao nhập từ công ty mẹ ở nước ngoài là lý do chủ yếu gây lỗ cho chi nhánh tại Việt Nam. Những biểu hiện của Coca Cola Việt Nam, Metro Cash & Carry, và mới đây là của ADIDAS Việt Nam đã “vào tầm ngắm” của ngành Thuế về nghi vấn “chuyển giá”.

Theo các chuyên gia ngành Thuế, vài năm gần đây, hiện tượng chuyển giá diễn ra không chỉ ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với mục đích tối thiểu chi phí, tối đa lợi nhuận, mà còn xảy ra ở các doanh nghiệp trong nước, theo hình thức liên kết chuyển giá, nhằm thay đổi trạng thái hoạt động, như làm đẹp báo cáo tài chính của các công ty đại chúng. Dù với mục đích gì, thì đây là những hiện tượng “lách luật”, tạo ra những méo mó trên thị trường, cần phải phát hiện sớm và loại bỏ.

Tuy nhiên, một vấn đề công luận đặt ra: tại sao với những biểu hiện rõ ràng của một số doanh nghiệp như vậy, trong suốt nhiều năm, mà ngành thuế chưa có hướng xử lý?

Phải chăng, những năm kinh tế thuận lợi, những biểu hiện này dễ dàng được cho qua, chỉ đến khi kinh tế khó khăn, chỉ tiêu thu ngân sách của ngành thuế khó đạt, thì việc chống chuyển giá, để chống thất thu thuế mới được xem xét.

Hoặc một vấn đề khác, là chính sách còn kẽ hở, đó là những chính sách về ưu đãi thuế bị lợi dụng, khi các doanh nghiệp tạo liên kết, chuyển giá từ công ty đã hết ưu đãi thuế, sang doanh nghiệp còn được hưởng những ưu đãi về thuế theo vùng miền, lĩnh vực đầu tư được ưu tiên.

Thật bất công, trong khi các doanh nghiệp làm ăn chân chính phải nộp đầy đủ các khoản, như thuế môn bài, thuế giá trị gia tăng, những loại thuế liên quan đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh đặc thù, và đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp khi kinh doanh có lãi, thì lại có những doanh nghiệp ung dung hưởng lợi nhuận, trốn tránh nghĩa vụ đóng góp một phần lợi nhuận kinh doanh, theo Luật, cho ngân sách.

Để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, chống thất thu cho ngân sách Nhà nước, yêu cầu quan trọng, đòi hỏi các cơ quan chức năng như cơ quan thuế, hải quan phải nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động, có trách nhiệm, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực của nhân viên công vụ trong khi hoạt động.

Thời gian qua, ngành Tài chính đã có những hội thảo, những chương trình hợp tác quốc tế về nhận diện, đấu tranh chống chuyển giá. Văn bản pháp luật xử lý vi phạm chuyển giá đã có, từ Luật giá, cho tới thông tư của Bộ Tài chính. Và đây mới chỉ là những điều kiện cần cho cuộc đấu tranh chống chuyển giá đạt hiệu quả.

Còn điều kiện đủ, phải là thái độ quyết liệt của cơ quan chức năng, trong khi tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, thì cũng phải phát hiện, đấu tranh kịp thời với những sai phạm, để làm lành mạnh môi trường kinh doanh.

Về phía các địa phương, bên cạnh việc trải thảm đón các nhà đầu tư, cũng cần tỏ thái độ dứt khoát với những doanh nghiệp rõ ràng là ăn nên làm ra, nhưng đóng góp không đáng kể gì cho ngân sách, cũng như không tạo việc làm tử tế cho lao động địa phương, bởi đồng nghĩa với việc “báo lỗ”, là những khoản lương bèo bọt cho người lao động. Dứt khoát ở đây, là những điều kiện về mở rộng đất đai, nhà xưởng, chỉ được xem xét, tạo thuận lợi khi doanh nghiệp có đóng góp thực sự cho địa phương.

Còn người tiêu dùng, hoàn toàn có thể bày tỏ thái độ với những nhà đầu tư thiếu thiện chí. Việc thương hiệu Coca Cola bị tẩy chay ở một số bang của Ấn Độ, khi khai thác, làm ô nhiễm nguồn nước của cư dân địa phương, cũng như chuyển giá trốn thuế ở nước này là một ví dụ điển hình về sức mạnh của người tiêu dùng, đấu tranh với những hành vi tiêu cực.