Quyết liệt trong quản lý để cân bằng ngân sách nhà nước

TS. Nguyễn Minh Phong

Tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách nhà nước (NSNN) cần được quán triệt sâu sắc, thực hiện quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành, các đơn vị và địa phương…

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội trong Báo cáo thẩm tra Báo cáo bổ sung của Chính phủ về thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015 và triển khai dự toán NSNN năm 2016 cho rằng, năm 2015, thu và quản lý NSNN có nhiều tiến bộ; vượt thu gần 86 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch. Bố trí, cân đối NSNN đã cơ bản bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế -xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và các chính sách bảo đảm an sinh xã hội.

Trong đó, chi đầu tư phát triển tăng 21,5% so với dự toán. Chính phủ đã chủ động thực hiện rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên cho bộ máy quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công; phân bổ vốn đầu tư XDCB tập trung, chống dàn trải, lãng phí và bố trí giảm khá lớn nợ xây dựng cơ bản; công tác kiểm soát chi qua hệ thống KBNN được tăng cường, phát hiện và tạm dừng thanh toán nhiều khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định.

Theo nhiều nhận định của tổ chức và báo chí nước ngoài, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định ở mức gần 7% trong năm 2016, giúp Việt Nam lọt vào nhóm những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới và thứ hai châu Á. Động lực tăng trưởng đến từ cải cách môi trường đầu tư, hồi phục thị trường BĐS, gia tăng nhu cầu nội địa, xuất khẩu, năng suất, công nghệ và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài…

Tuy nhiên, thâm hụt NSNN năm 2015 thực tế là 6,01% GDP thay vì mức dưới 5% GDP như kế hoạch Quốc hội cho phép. Hơn nữa, tỷ lệ chi thường xuyên và chi dịch vụ nợ trong NSNN ngày càng tăng, áp lực cân đối NSNN ngày càng căng thẳng, nhất là trong bối cảnh gia tăng sức ép từ nợ công đã “kịch trần” và điều kiện vay ODA ngặt nghèo hơn và sẽ có thể kết thúc vào giữa năm 2017, để chuyển sang vay ưu đãi và từng bước tiến tới vay thương mại….

Theo Nghị quyết của Quốc hội, tổng chi cân đối NSNN năm 2016 là 1.273.200 tỷ đồng và mức bội chi 254.000 tỷ đồng, tương đương 4,95% GDP trong giả định mức tăng trưởng kinh tế và nguồn thu NSNN giữ được như kế hoạch dự toán. Thực tế cho thấy, nhiệm vụ và nhu cầu chi thường xuyên tăng liên tục, hiện chiếm khoảng 70% chi NSNN hàng năm, trong khi nguồn thu NSNN các cấp tiếp tục gặp áp lực từ giảm giá dầu thô và hàng xuất khẩu, giảm thuế theo cam kết hội nhập quốc tế; còn nợ công cao “kịch trần” và dịch vụ nợ công tiếp tục tăng.

Ngoài ra, các sai phạm về quản lý tài chính ngân sách được phát hiện, xử lý và thu hồi, giảm thanh toán theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước cũng tăng chóng mặt, với quy mô thành tiền lớn hơn 17 lần chỉ trong 5 năm qua, từ 317 tỷ đồng (năm 2009), lên 658 tỷ đồng (năm 2010); 708 tỷ đồng (năm 2011); 2.252 tỷ đồng năm 2012 và năm 2013 là 5.304,2 tỷ đồng… Bởi vậy, bên cạnh việc tăng cường phân công, phân cấp quản lý NSNN hợp lý và minh bạch hơn, thì tiết kiệm NSNN, nhất là giảm chi thường xuyên là mục tiêu và và giải pháp nổi bật trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016 vừa được ban hành.

Theo đó, tiết kiệm chi thường xuyên NSNN cần được quán triệt sâu sắc, thực hiện quyết liệt ở tất cả các cấp, các ngành, các đơn vị và địa phương. Ngay trong năm 2016, các đơn vị thụ hưởng NSNN thực hiện bắt buộc tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương); tiết kiệm tối thiểu 12% các khoản kinh phí chi lễ hội, lễ kỷ niệm, hội nghị, hội thảo, tiếp khách, khánh tiết, xe công, điện, nước, văn phòng phẩm, sách, báo, tạp chí; tiết kiệm tối thiểu 15% chi đoàn ra, đoàn vào; phấn đấu tiết kiệm từ 10 - 15% tổng mức đầu tư dự án xây dựng.

Hơn nữa, kiên quyết cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng quốc gia và công trình đặc biệt của địa phương; không bố trí đoàn ra nước ngoài trong chi thường xuyên các Chương trình mục tiêu quốc gia; không đề xuất, phê duyệt các dự án và các khoản chi phát sinh ngoài dự toán NSNN đã phê duyệt, các chương trình, dự án có nội dung trùng lặp, kém hiệu quả, cũng như các đề tài nghiên cứu khoa học có nội dung trùng lặp, thiếu tính khả thi; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, công khai, minh bạch trong chi tiêu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và hạn chế tối đa việc chỉ định thầu các dự án đầu tư, mua sắm công; tăng cường xã hội hóa, phân cấp và tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, phù hợp loại hình dịch vụ, khả năng và nhu cầu thị trường, trình độ quản lý…

Đặc biệt, tiết kiệm chi thường xuyên cần gắn với lộ trình tinh giản biên chế hành chính, nâng cao năng lực và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính và trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu, xóa bỏ căn bệnh chạy đua các dự án “hoành tráng”, sự lạm dụng kẽ hở luật pháp và hành xử quản lý NSNN theo lối tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm… Trong quá trình này, cần thực hiện nghiêm yêu cầu giảm 10% biên chế trong các cơ quan nhà nước từ nay đến năm 2020; không tăng biên chế các đơn vị hiện có và chỉ bổ sung 50% vị trí trống của những lao động trong biên chế đến tuổi nghỉ hưu. Ngoài ra, cần có sự đánh giá lại các tiêu chí yêu cầu vị trí công việc và năng lực cán bộ, lao động trong khu vực nhà nước…, từ đó có giải pháp giảm thiểu đội ngũ công chức và lao động dư thừa tương đối và tuyệt đối, gắn với tăng cường công tác bảo đảm an sinh và đồng thuận xã hội cao.

Bên cạnh đó, tinh thần tiết kiệm cũng được thể hiện qua yêu cầu nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, công khai, minh bạch trong chi tiêu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và hạn chế tối đa việc chỉ định thầu các dự án đầu tư, mua sắm công; tăng cường xã hội hóa, phân cấp và tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp loại hình dịch vụ, khả năng và nhu cầu thị trường, trình độ quản lý.

Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh hiện nay, tiết kiệm phải trở thành nhận thức chung và cho từng đơn vị, cá nhân trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị trong tất cả các lĩnh vực, địa phương, cấp độ quản lý trên cả nước. Chính phủ cần đẩy mạnh thực hiện đồng bộ và thực chất các biện pháp cần thiết nhằm tăng cường quản lý biên chế hành chính và việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính chi NSNN, tăng cường trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu, cương quyết chống lãng phí, tiêu cực, căn bệnh chạy đua các dự án “hoàng tráng”, sự lạm dụng kẽ hở luật pháp và hành xử theo sự chi phối của lối tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm; kịp thời nhận diện và khắc phục triệt để các tồn tại, yếu kém trong Luật NSNN, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng, chống tham nhũng…

Chi thường xuyên là cần thiết, nhưng luôn có thể và cần triệt để tiết kiệm, vừa để giảm áp lực cân đối NSNN, tăng khả năng đầu tư phát triển và giảm gánh nặng đóng góp, nợ nần lên vai người dân và các thế hệ tương lai, thiết thực góp phần vào quá trình lành mạnh tài chính vĩ mô và phát triển bền vững đất nước.

Việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong ngày 4-2-2016 và sắp tới là Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA)… đang và sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, cùng không ít áp lực nhất là về năng lực cạnh tranh, bảo vệ môi tường, việc làm, sự bình đẳng, tính minh bạch và quyền sở hữu trí tuệ, trong triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam thời gian tới.

Đồng thời, đòi hỏi Việt Nam chủ động rà soát và hoàn thiện toàn bộ cơ sở pháp lý, thể chế, kiện toàn bộ máy tổ chức, cơ chế và chất lượng cán bộ, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả lý nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực theo những nội dung và yêu cầu cam kết đã ký; Thúc đẩy các hoạt động tái cơ cấu kinh tế vĩ mô và vi mô toàn diện và chuyên sâu, trên cơ sở các đề án tổng thể, ngành và bộ phận, đơn vị được xây dựng và điều chỉnh kịp thời bám sát thị trường và bối cảnh mới; Tăng cường công tác thông tin, dự báo, phản biện, đánh giá và chuẩn bị các kịch bản quản lý rủi ro trong phát triển KT-XH cụ thể cho từng giai đoạn, đơn vị, tránh bị động trong mọi tình huống.

Nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm và coi trọng hơn vào việc xây dựng và đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm và khả năng vượt qua các hàng rào kỹ thuật; Phát triển và kết nối các cơ sở hạ tầng kinh tế đối ngoại với các thànhh viên TPP và đối tác FTA khác trong khu vực và thế giới.

Tăng cường năng lực thương mại điện tử và khả năng tự vệ trong các tranh chấp thương mại quốc tế; đẩy mạnh đào tạo nhân lực và phát triển thị trường lao động trình độ cao, thị trường tài chính, thị trường bất động sản và thị trường khoa học - công nghệ, tạo nền tảng cho quá trình nắm bắt, khai thác, thích ứng với các cơ hội và thách thức mới trong bối cảnh TPP có hiệu lực thực tế...

Cần nhấn mạnh rằng, tất cả những điều đó cần được duy trì thường xuyên, chứ không phải làm theo kiểu phong trào, hình thức… để đang và sẽ trực tiếp và gián tiếp giúp tăng thu, giảm chi và tiết kiệm chi thường xuyên, từng bước tiến tới cân bằng NSNN các cấp…