Rà soát chính sách ưu đãi thuế bởi không phải là tiêu chí thu hút đầu tư

Theo M. Huệ/tapchithue.com.vn

Đó là khuyến nghị của các chuyên gia quốc tế tại hội thảo về các công cụ quản lý ngân sách nhà nước (NSNN), kinh nghiệm quốc tế và đề xuất giải pháp cho Việt Nam, do Oxfam tổ chức ngày 18/10 tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, các chuyên gia quốc tế giới thiệu ba công cụ hỗ trợ quản lý NSNN được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng như, đánh giá không gian tài chính, lập kế hoạch tài chính trung hạn và chi tiêu ngân sách dựa trên kết quả. Trong đó, giải pháp về kế hoạch tài chính trung hạn đã được áp dụng khá phổ biến tại các nước có nền kinh tế phát triển.

TS. Marthew Martin, Giám đốc tổ chức tài chính phát triển quốc tế (DFI) cho rằng, Việt Nam cần một nguồn lực tài chính lớn để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Muốn vậy, Việt Nam cần mở rộng không gian tài chính, tức là những tiềm năng để tăng chi tiêu cho phát triển mà không làm tổn hại đến sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế.

Cụ thể, có 8 giải pháp chung để mở rộng không gian tài chính, tuy nhiên các giải pháp như chính sách tài khoá, hay vay nợ để đầu tư phát triển đều không phù hợp trong bối cảnh Việt Nam đang cố gắng kiểm soát lạm phát và nợ công đang tiến đến trần 65% GDP.

Việt Nam chỉ nên tập trung vào 3 nội dung chính là tái cơ cấu các khoản chi ngân sách; nâng cao hiệu quả chi NSNN thông qua cơ chế minh bạch và có sự giám sát của người dân; nâng cao hiệu quả thu ngân sách bằng hạn chế gian lận thuế, bãi bỏ những ưu đãi thuế không cần thiết.

Theo báo cáo đánh giá chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam do Oxfam thực hiện vào năm 2017, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam lớn và dàn trải, ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế dài và có phạm vi rộng hơn một số nước trong khu vực.

Ngoài ra, Việt Nam áp dụng các chính sách ưu đãi thuế khá cao cho các dự án đầu tư vào địa bàn kém phát triển hay các khu kinh tế.

Báo cáo cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế Thế giới 2017-2018 cũng chỉ ra rằng, ba yếu tố quan trọng nhất được DN lựa chọn để đầu tư vào một quốc gia không phải là ưu đãi thuế, mà là cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và ổn định xã hội.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới còn cho biết, 85% nhà đầu tư ở Việt Nam khẳng định, các chính sách ưu đãi thuế là không cần thiết.

Vì vậy, các chuyên gia quốc tế khuyến nghị, Việt Nam cần rà soát và loại bỏ những ưu đãi thuế không cần thiết, đồng thời giảm thiểu việc trốn thuế và tránh thuế qua cơ chế giám sát, đặc biệt là thực hiện tốt Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các DN có giao dịch liên kết. 

Ông Nguyễn Quang Thương, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển và hội nhập cho rằng, hiện nay, một số tài liệu về ngân sách đã được công bố theo quy định của Luật NSNN năm 2015.

Tuy nhiên, các tài liệu này không đủ chi tiết để công chúng và các tổ chức xã hội giám sát chi tiêu ngân sách một cách hiệu quả. Do đó, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện các quy định chính sách cũng như thực hành và công khai NSNN.

TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính khuyến nghị, Việt Nam cần nghiên cứu áp dụng các công cụ mới như phân bổ ngân sách dựa trên kết quả, nhằm đảm bảo ngân sách chi tiêu tốt hơn cho các mục tiêu định hướng và đạt được các kết quả mong đợi.

Để làm được việc đó, sự hợp tác giữa các cơ quan và bộ, ngành khác nhau để cùng xây dựng kế hoạch ngân sách cho những mục tiêu phát triển chung là rất cần thiết.

Bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp Chương trình quản trị của Oxfam cũng chia sẻ, trong thập kỉ qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về giảm nghèo nhờ đầu tư ngân sách cho các chương trình giảm nghèo và phát triển xã hội.

Tuy nhiên, tốc độ giảm nghèo đang chững lại tại các khu vực đô thị và bất bình đẳng đang trở thành một thách thức mới.

Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước trong việc sử dụng ba công cụ hỗ trợ quản lý ngân sách nhà nước được giới thiệu tại hội thảo để nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách, duy trì và tăng chi ngân sách cho an sinh xã hội, nhằm đạt được các mục tiêu phát triển công bằng và bền vững.