Rà soát, loại bỏ điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền

Theo Lê Bình/daibieunhandan.vn

(Tài chính) Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định, điều kiện kinh doanh sẽ được đưa ra tại các luật, pháp lệnh, nghị định và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nhưng 10 năm qua, nhiều điều kiện kinh doanh lại được quy định ở các thông tư, quyết định của UBND các cấp - là những văn bản trái thẩm quyền. Vì thế, việc rà soát điều kiện kinh doanh để thực hiện Luật Đầu tư (sửa đổi) được cho là phép thử với quản lý nhà nước thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trước khi sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thống kê các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện ở nước ta. Kết quả là 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định phân tán tại 391 văn bản pháp luật, gồm 56 luật, 8 pháp lệnh, 115 nghị định, 176 thông tư, 26 quyết định của các bộ trưởng và 2 văn bản của bộ.

Các điều kiện kinh doanh thể hiện đa dạng dưới nhiều hình thức như giấy phép (171 loại giấy phép), giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (62 loại giấy chứng nhận), chứng chỉ hành nghề (53 loại chứng chỉ), xác nhận vốn pháp định (11 ngành nghề) và có tới 345 ngành nghề yêu cầu phải có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thực tế cũng cho thấy, những điều kiện kinh doanh thể hiện dưới hình thức giấy phép hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đều dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình xin cấp phép, cấp chứng nhận.

Vấn đề không chỉ là những văn bản trái thẩm quyền này vẫn có hiệu lực thi hành, mà một số điều kiện kinh doanh không hợp lý, không nhận được sự đồng tình của doanh nghiệp. Ví dụ, trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải bảo đảm yêu cầu: có ít nhất một kho chuyên dùng sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc, phù hợp với quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành; có ít nhất một cơ sở xay, xát thóc với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ…

Đây là những tiêu chí không phục vụ các yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Hay như, Thủ tướng Chính phủ đã phải yêu cầu ngừng thi hành Thông tư số 20 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng (có hiệu lực từ 1.9.2014), do doanh nghiệp phản ứng với những quy định đơn giản, cào bằng, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, Luật Đầu tư (sửa đổi) đã quy định rõ tiêu chí xác định ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư - kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Điều kiện đầu tư - kinh doanh phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ của nhà đầu tư. Luật Đầu tư (sửa đổi) cũng quy định rõ: bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh. Về lý, những điều kiện kinh doanh không bảo đảm đủ hai yêu cầu về mục tiêu và thẩm quyền ban hành như trên, thì sau ngày 1/7/2014 sẽ đương nhiên hết hiệu lực.

Điều kiện kinh doanh, hay thực chất là rào cản gia nhập thị trường khiến chi phí, thời gian tăng; gây bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội kinh doanh, gây thiệt thòi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; không khuyến khích sự sáng tạo, loại bỏ những cách làm khác, cách làm mới.

Bởi vậy, việc xử lý những điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền được cho sẽ là phép thử của đổi mới, hoàn thiện và nâng cao hiệu lực của quản lý nhà nước trong thời gian tới. Nhưng đây không chỉ là nỗ lực của bộ, ngành chịu trách nhiệm chính, mà cần sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, cũng như doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát, thống kê các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và đăng tải dự thảo trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia từ ngày 20.1.2015 để lấy ý kiến doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Các bộ, ngành liên quan và doanh nghiệp hãy tích cực cho ý kiến với danh sách các điều kiện đầu tư kinh doanh được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, không thể giữ tác phong cũ (thờ ơ với điều kiện đầu tư, kinh doanh). Vượt qua cung cách làm việc cũ, thì mới có cơ hội và động lực mới cho phát triển.