Room và hướng nhìn mới

Theo Người quan sát

Sự cởi mở của quy định pháp lý, có tạo ra động lực thu hút vốn ngoại vào Việt Nam hay không, vẫn còn là câu hỏi ngỏ.

Room và hướng nhìn mới
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Một điểm mới trong dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) mua cổ phần của ngân hàng thương mại Việt Nam là quy định Thủ tướng sẽ quy định mức sở hữu cổ phần của nhà ĐTNN tại các tổ chức tín dụng yếu kém. So với quy định hiện hành chốt chặt room của nhà ĐTNN ở mức 30% đối với tổ chức tín dụng, dự thảo đã đưa ra một hướng mở tại các ngân hàng yếu kém, tạo điều kiện cho các ngân hàng này thu hút thêm nguồn lực từ khối ngoại để cải tổ và vươn lên.

Trên TTCK, tư tưởng cởi mở về room cho khối ngoại cũng được thể hiện rõ nét khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) kiến nghị cho phép thí điểm một số loại hình công ty niêm yết có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nắm giữ cổ phiếu không có quyền biểu quyết vượt trên tỷ lệ 49%, ngoại trừ các doanh nghiệp thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cùng với đó là kiến nghị thực hiện phân loại danh mục ngành nghề đối với một số loại hình công ty niêm yết, trên cơ sở đó cho phép tổ chức ĐTNN được sở hữu trên 49% vốn, tập trung ở các doanh nghiệp trong các ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm giữ theo quy định hiện hành. Với khối tổ chức kinh doanh chứng khoán, UBCKNN kiến nghị cho phép nhà ĐTNN được sở hữu trên 49% đến 100% vốn, đồng thời xem xét lại khái niệm nhà ĐTNN theo hướng khuyến khích hơn dòng vốn ĐTNN vào Việt Nam.

Kiến nghị của NHNN và UBCKNN đang được dư luận bàn thảo và chờ ý kiến quyết định của Chính phủ. Điểm chung của các kiến nghị này là mở rộng không gian cho dòng vốn ngoại, kích thích họ tham gia nhiều hơn, ở lại lâu hơn với các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, sự cởi mở của quy định pháp lý (nếu có), có tạo ra động lực thu hút vốn ngoại vào Việt Nam hay không, vẫn còn là câu hỏi ngỏ.

Trở về từ Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos (Thụy Sỹ), Chủ tịch FPT, ông Trương Gia Bình chia sẻ với báo chí rằng, gọi vốn ĐTNN vào Việt Nam lúc này là rất khó, dù Việt Nam nhận được nhiều cảm tình của nhà đầu tư, nhưng điều họ cần là sự tăng trưởng ổn định về GDP, một mức lạm phát phù hợp với những kết quả cụ thể từ sự cải cách và đổi mới.  Trong khi đó, Myanmar đang trở thành điểm sáng thu hút vốn của khu vực châu Á. Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch I.A Capital, ông Hoàng D. Quân cũng cho biết, Myanmar đang là tâm điểm hấp dẫn dòng vốn ngoại tại châu Á, Công ty ông đang có ý tưởng trở thành một doanh nghiệp kết nối dòng vốn vào Myanmar. Hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam đã sang tìm hiểu thị trường tại đây và một số doanh nghiệp đã chính thức mở cửa hoạt động như Viettel, Hoàng Anh Gia Lai, VinaCapital… Đây là thách thức mới cho Việt Nam trong thu hút dòng vốn ngoại.

Thế giới luôn biến đổi và dòng chảy của vốn ngoại rất nhạy cảm với chính sách. Cùng với hướng nhìn mới về mở rộng thu hút vốn ngoại vào doanh nghiệp Việt, cải tổ từ nền kinh tế Việt Nam cần sớm có kết quả cụ thể mới đủ sức hấp dẫn nhà ĐTNN đến và ở lại Việt Nam.