Rủi ro lớn nhất vẫn là nguy cơ lạm phát cao

Theo Báo Đầu tư

Với kinh nghiệm của một ngân hàng lớn trong khu vực, ANZ Việt Nam đang kỳ vọng củng cố vị trí vững chắc tại Việt Nam và trở thành cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp (DN) trong nước với đối tác nước ngoài. Ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc ANZ Việt Nam.

Rủi ro lớn nhất vẫn là nguy cơ lạm phát cao
Ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc ANZ Việt Nam
Các ngân hàng trong nước đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong bối cảnh này, ông đánh giá thế nào về vai trò của ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam?

Chìa khóa đối với tất cả các ngân hàng, cho dù là trong nước hay nước ngoài, là phải có tiềm lực về tài chính cùng khả năng quản trị rủi ro tốt. Hiện tại, ngân hàng nội vẫn chiếm ưu thế trên thị trường ngân hàng Việt Nam. Nhưng tôi cho rằng, vẫn còn dư địa để có thể chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các ngân hàng trong nước và ngân hàng nước ngoài. Chúng tôi rất muốn được đóng một vai trò trong vấn đề này. Thực tế, chúng tôi đã đối thoại với các ngân hàng nhà nước và ngân hàng cổ phần, trong đó bao gồm việc hỗ trợ đào tạo tại nước ngoài, nhằm giúp các ngân hàng cải thiện sức khỏe của toàn hệ thống.

ANZ sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam như thế nào?

Tại ANZ Việt Nam, chúng tôi tập trung vào kế hoạch tăng trưởng kinh doanh. Trong 20 năm qua, ANZ đã xây dựng được vị trí vững chắc tại Việt Nam và chúng tôi sẽ tiếp tục làm vậy trong vòng 20 năm tới và hơn nữa. Lĩnh vực kinh doanh mà chúng tôi tập trung thời gian tới là trở thành ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam trong các hoạt động giao dịch ngân hàng, ngoại hối và quản lý tài sản. Ngoài ra, chúng tôi cũng muốn duy trì các hoạt động trong mua bán trái phiếu bằng tiền đồng và USD, tín dụng bất động sản và thẻ tín dụng.

Trong 2 năm qua, ANZ đã phát động chiến lược trở thành ngân hàng lớn trong khu vực, nhằm thúc đẩy thương mại giữa các thị trường trên thế giới với thị trường Nam bán cầu. Vậy ANZ Việt Nam đã triển khai chiến lược này như thế nào để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của các công ty Việt Nam với các đối tác tại Nam bán cầu?

Đúng là, chúng tôi có một chiến lược tăng trưởng đặc biệt để trở thành một ngân hàng lớn trong khu vực. Trong khi các nền kinh tế Mỹ và châu Âu đang phục hồi một cách yếu kém, Australia, New Zealand và các thị trường khác tại châu Á vẫn tiếp tục tăng trưởng, Việt Nam vẫn là một trong những thị trường chính của ANZ và cũng là một phần trong chiến lược khu vực của Ngân hàng.

Việt Nam đang tiến hành việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Ông kỳ vọng sẽ đạt được những gì từ việc tái cấu trúc này?

Việt Nam không phải là nước duy nhất tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Có rất nhiều quốc gia khác cũng đang phải tiến hành công việc tương tự. Rủi ro ở đây là việc loại bỏ các khoản vay không hiệu quả có thể diễn ra quá lâu. Tuy nhiên, có vẻ như các ngân hàng đều đang thực hiện việc này một cách nghiêm túc. Cùng với những hành động cụ thể của Chính phủ, điều này có thể mang lại một hệ thống ngân hàng khỏe mạnh hơn trong vài năm tới.

Ông nhìn nhận thế nào về viễn cảnh ngành ngân hàng trong năm 2013?

Việt Nam đang thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lãi suất, lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái. Duy trì môi trường kinh doanh tốt là chìa khóa để xây dựng niềm tin của nhà đầu tư. Theo tôi, rủi ro lớn nhất vẫn là nguy cơ lạm phát cao quay trở lại. Do đó, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục phải phát triển hơn. Tôi cho rằng, nhiều ngân hàng đang cố gắng cố định và giảm tỷ lệ nợ xấu. Vào thời điểm này, tôi vẫn kỳ vọng, sẽ có nhiều sự cạnh tranh hơn trên thị trường.