Sau khi ký kết, TPP sẽ tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?

Theo kinhtevadubao.vn

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, sau khi Hiệp định TPP được ký kết, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025.

Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP hoàn tất quá trình đàm phán hiệp định tại Atlanta. Nguồn: internet
Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP hoàn tất quá trình đàm phán hiệp định tại Atlanta. Nguồn: internet

Cú hích lớn cho nền kinh tế Việt Nam

Ngày 05/10, sau khi Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP hoàn tất quá trình đàm phán hiệp định tại Atlanta, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có cuộc trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam về hiệp định lịch sử này.

Theo Bộ trưởng, Hiệp định TPP sẽ đem lại nhiề u lợi ích cho Việt Nam. Đặc biệt, về mặt kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Đáng chú ý là việc các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ giúp tạo ra “cú hích” lớn đối với hoạt động xuất khẩu cua nước ta. Các ngành xuất khẩu quan trọng, như: dệt may, giày dép, thủy sản... nhiều khả năng sẽ có bước phát triển vượt bậc về kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này.

Ngoài ra, tham gia TPP sẽ giúp ta có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, lại bao gồm các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành. Thêm vào đó, cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. ​

Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), sau khi TPP được ký kết, Việt Nam sẽ là nước có thu nhập và xuất khẩu tăng mạnh nhất trong 12 quốc gia TPP, với lần lượt 13,6% và 31,7%. Malaysia và Nhật Bản cũng sẽ được hưởng lợi.

Trong khi đó, những nước không tham gia TPP sẽ chịu thiệt hại do giao thương chuyển hướng, nhất là Trung Quốc. Xuất khẩu của nước này sẽ giảm 1,2% vì TPP.
Theo phân tích của Nguyễn Đức Thành và Nguyễn Thị Thu Hằng trên bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo (số 17/2015), theo nghiên cứu dự báo tác động TPP tới Việt Nam của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất về kinh tế trong số 12 nước tham gia TPP khi có được sự thay đổi GDP thực tế theo phần trăm cao nhất.

Cụ thể GDP có thể tăng từ 1,03% đến 2,11%, tương đương với giá trị tuyệt đối là 1,4 tỷ USD đến 2,9 tỷ USD, chủ yếu là nhờ vào tăng đầu tư và tiêu dùng. Còn thu nhập của người dân có thể tăng thêm 13% và kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng tới 37% vào năm 2025.

Ngoài ra, Việt Nam sẽ tiếp cận được với các thị trường kinh tế mới rộng lớn, đồng thời nâng cao được sức cạnh tranh của hàng hóa và thị trường nội địa để thu hút thêm vốn và công nghệ của các nhà đầu tư ngoại, tăng khả năng xâm nhập vào các thị trường khó tính.

Theo báo cáo phân tích của Tập đoàn Dragon Capital là tập đoàn đầu tư tổng hợp tập trung chuyên biệt cho thị trường vốn Việt Nam, những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, như: dệt may, da giày và thủy sản sẽ làm những ngành được hưởng lợi rất lớn từ TPP.

Hiện tại, đối với ngành dệt may của Việt Nam, hơn 90% sản phẩm được xuất sang Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, nhưng hiện thuế nhập khẩu tại các thị trường vẫn khá cao, trung bình tại EU là 12%, Mỹ từ 5,6% đến 19%.

Hiện TPP được đề xuất áp dụng quy tắc về xuất xứ (ROO), theo đó sản phẩm dệt may của Việt Nam chỉ được miễn thuế khi nguyên liệu tự sản xuất hoặc nhập từ một nước cũng tham gia TPP. Đây là điều khoản khá bất lợi nhưng Việt Nam vẫn có thể có 5 năm trước khi phải tuân thủ theo ROO. Do đó, về trước mắt, các chuyên gia đánh giá TPP vẫn có lợi cho dệt may.

Còn đối với ngành thủy sản sẽ có mức chi phí đầu ra dễ chịu hơn, khi thị trường xuất khẩu chính của thủy sản là Mỹ và EU. Mỹ tuy không áp thuế nhập khẩu đối với cá tra Việt Nam nhưng đánh thuế chống bán phá giá, và TPP có thể sẽ giúp Việt Nam dỡ bỏ được loại thuế này. Trong khi đó, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi chi phí sản xuất thấp.

Ngoài ra, các doanh nghiệptrong lĩnh vực vận hành cảng và logistics sẽ được hưởng lợi gián tiếp, khi dòng chảy thương mại mạnh sẽ kéo theo nhu cầu vận tải và dịch vụ logistics tăng.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển các khu công nghiệp cũng sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn do làn sóng doanh nghiệp sản xuất của nước ngoài sẽ đổ bộ vào Việt Nam trước và sau hiệp định, và kéo theo đó là nhu cầu xây dựng nhà máy và cơ sở hạ tầng tăng lên, giúp cho ngành xây dựng cũng được cải thiện vượt bậc.

Dẫn lời TS. Võ Trí Thành trên Báo Tuổi trẻ, đối với Việt Nam, TPP có ba chất xúc tác quan trọng, đầy ý nghĩa. Thứ nhất là liên quan đến xuất khẩu của Việt Nam. TPP chiếm đến 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, các nước thành viên đều là những thị trường tiêu dùng lớn của thế giới.

Thứ hai là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng sẽ khác trước, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng nhanh nhằm tận dụng những gì mà hiệp định đem lại.

Chất xúc tác thứ ba mới thật sự quan trọng. Xét về dài hạn, vào TPP là bước ngoặt cho Việt Nam thay đổi cách thức phát triển, cải cách thể chế, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, đàng hoàng, là động lực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.

Với ba chất xúc tác như vậy, TPP có ý nghĩa rất lớn với Việt Nam, ngay đúng thời điểm mà Việt Nam đang cần phải thay đổi cách thức để phát triển một cách bền vững.

Để được hưởng lợi một cách trọn vẹn

Với những lợi ích nêu trên, các nước thành viên khác trong Hiệp định TPP đã bắt đầu biết khai thác những thế mạnh của mình, đồng thời đã ồ ạt đầu tư vào nước ta để đón đầu cơ hội từ việc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Còn theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, để Việt Nam có thể hưởng lợi một cách tốt nhất từ TPP, tận dụng được mọi ưu thế của mình sau khi hội nhập thì trước hết cần phải có những thay đổi về chính sách và pháp luật trong nước để thúc đẩy phát triển những ngành có lợi thế so sánh.

Với những ngành sẽ được lợi sau khi TPP có hiệu lực, như: dệt may, thủy sản, nông sản… cần chủ động các nhân tố lao động, vốn, đất đai và các tài nguyên khác. Với các ngành kém được lợi thế, như: chăn nuôi, lâm nghiệp, công nghiệp… cần tái cơ cấu để tăng năng suất, hiệu quả hơn.

Đặc biệt, sau khi tham gia TPP, Việt Nam cần phải điều chỉnh cả những yếu tố thương mại như những nội dung liên quan tới lao động, quyền sở hữu trí tuệ… khẳng định sự cấp thiết phải tiến hành cải cách thể chế, tự do hóa thị trường.

Hiện nay, khi trình độ công nghệ của Việt Nam còn nhiều hạn chế thì Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật hợp lý khi các hàng rào thuế quan bị gỡ bỏ nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Còn theo TS. Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam vì có năng suất lao động thấp, trình độ công nghệ lạc hậu nên chi phí sản xuất và giá thành mới cao hơn so với những doanh nghiệp có năng suất cũng như trình độ công nghệ cao.

Nếu thuế suất cho hàng nhập khẩu vào trong nước từ các quốc gia thành viên về còn 0% thì doanh nghiệp chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi khó khăn trong việc cạnh tranh tiêu thụ hàng hóa ngay trên chính thị trường nước nhà.

Tham gia TPPđồng nghĩa với việc là Việt Nam mở cửa thị trường dịch vụ, là cơ hội cho các nhà cung cấp có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm và danh tiếng lâu năm, có ưu thế về cung cấp dịch vụ trên thế giới “đổ bộ” vào thị trường trong nước.Và tất nhiên nó cũng đồng nghĩa với việc các đơn vị cung cấp dịch vụ của Việt Nam sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng và có thể bị mất thị phần trên thị trường nội địa, hay nói cách khác là "thua đau trên sân nhà", nếu như không nỗ lực tự thay đổi bản thân.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có lợi thế là có một thị trường tiêu thụ lớn, nguồn lao động dồi dào, dư địa thị trường còn nhiều nên hy vọng rằng ta vẫn có thể tự lực để tự cường, thoát khỏi "cái bóng" đơn thuần chỉ là một thị trường gia công của khu vực và thế giới sau khi đã bước chân qua được cánh cửa của Hiệp định kinh tế lịch sử TPP trong năm nay.