Sẽ có nhiều “cây gậy” để chống chuyển giá

Theo Báo Hải quan

(Tài chính) Thời gian qua, hàng loạt nghi án chuyển giá tại các tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư tại Việt Nam như: Coca-Cola Việt Nam, Metro, Adidas, Keangnam-Vina (Hàn Quốc)..., đã đặt ra thách thức đối với ngành Thuế trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động này. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Vụ trưởng- Phó trưởng Ban Cải cách, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Quang Tiến xung quanh vấn đề này.

Ông có thể phác hoạ hành vi chuyển giá và ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế?

 Sẽ có nhiều “cây gậy” để chống chuyển giá - Ảnh 1
Ông Nguyễn Quang Tiến
Vụ trưởng- Phó trưởng Ban Cải cách, Tổng cục Thuế
Bản chất của hoạt động chuyển giá là việc lựa chọn nơi ưu đãi nhất để nộp thuế của một doanh nghiệp (DN) mà không làm trái các qui định pháp luật hiện hành. Chuyển giá được hiểu là DN thực hiện các hành vi như: Nâng khống giá trị đầu vào của hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ, sau đó gây lỗ ở đầu ra của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, dẫn đến việc sản xuất kinh doanh có kết quả là lỗ, DN không phải nộp số thuế Thu nhập DN đáng ra phải nộp, còn phần lợi nhuận thực DN đã lấy về ở chính đầu vào.

Từ năm 2010-2011, cơ quan quản lý thuế bắt đầu triển khai các cuộc thanh tra và truy thu được hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế. Thông qua đó, đã phát hiện các hành vi chuyển giá điển hình đã và đang diễn ra tại Việt Nam dưới các hình thức như: Chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản hữu hình giữa các bên liên kết, chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản vô hình giữa các bên liên kết, chuyển giá thông qua chuyển giao dịch vụ giữa các bên liên kết, chuyển giá thông qua chi trả lãi vay vốn sản xuất kinh doanh giữa các bên liên kết.

Các hành vi chuyển giá của DN không chỉ đơn thuần là điều chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp hơn để tránh thuế mà nó còn bao gồm cả chiều ngược lại.

Cụ thể, tại Việt Nam thời gian qua hiện tượng các DN FDI kê khai lỗ là khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số DN FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó nhiều DN kê khai lỗ liên tục trong 3 năm. Qua thanh, kiểm tra, cơ quan Thuế đã phát hiện một số DN FDI có biểu hiện áp dụng các thủ thuật chuyển giá tinh vi như nâng khống giá trị góp vốn (bằng máy móc, thiết bị, bản quyền…), giá trị mua bán nguyên vật liệu đầu vào, bán thành phẩm, thành phẩm, dịch vụ, phí quản lý, tiền bản quyền, chi phí bảo lãnh, cho vay, trả lương, đào tạo, quảng cáo, nhà thầu, chuyển nhượng vốn… tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, làm cho đa số bên Việt Nam phải rút khỏi liên doanh, DN trở thành 100% vốn nước ngoài.

Chuyển giá như vậy thì rõ ràng thiệt hại cho nền kinh tế là thất thu ngân sách Nhà nước số thuế mà các DN FDI này phải nộp. Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh chuyển giá không phải là hiện tượng của riêng Việt Nam. Do đó, trước mắt sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn chỉnh khung pháp lý để khắc phục tình hình, thay vì nhìn nhận một cách cực đoan về các DN FDI nói chung. Chúng ta vẫn phải thừa nhận trong 25 năm qua, các DN FDI đã có sự đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Với vai trò "chủ công" trong việc chống lại hành vi trốn thuế đặc biệt với các công ty đa quốc gia, theo ông, ngành Thuế cần làm những gì?

Tôi cho rằng, kể từ năm 2012 cơ quan Thuế đã có thêm "cây gậy" trong đấu tranh với hành vi chuyển giá không chỉ tại DN FDI mà cả DN trong nước. Cụ thể, Bộ Tài chính đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nhằm quản lý chính sách chống chuyển giá của các DN FDI giai đoạn 2012-2015. Cùng với Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã được thông qua trước đó, ngành Thuế sẽ có nhiều cơ sở pháp lý hơn để đấu tranh với hành vi chuyển giá.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng các nghị định, thông tư về cơ chế thỏa thuận, phương pháp tính giá theo Luật Quản lý thuế sửa đổi. Các quy định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, khi đó sẽ áp dụng cơ chế giá thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong chống chuyển giá ở các DN FDI. Việc bổ sung cơ chế APA vừa tạo thuận lợi cho công tác hành thu, chống thất thu, vừa tạo sự chủ động cho DN trong lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế.

Cơ quan Thuế sẽ thực hiện các chế tài nghiêm minh để xử lý đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có chuyển giá, như: Nâng mức xử phạt đối với hành vi chậm nộp thuế từ 0,05%/ngày lên 0,07%/ngày nếu chậm nộp thuế quá 90 ngày, nâng mức xử phạt đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, hoặc tăng số tiền thuế được hoàn từ 10% lên 20%.

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, một trong những khó khăn của ngành Thuế hiện nay chính là chưa có hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá. Bên cạnh đó là chưa có căn cứ pháp lý, cơ chế phối hợp trao đổi thông tin với các nước, cũng như nguồn kinh phí phục vụ cho công việc này?

Đúng là mặc dù bước đầu ngành Thuế đã có kết quả khả quan về đấu tranh chống chuyển giá, nhưng công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá là lĩnh vực khó, đòi hỏi cán bộ công chức Thuế vừa phải có kiến thức chuyên môn sâu rộng, nhiều kinh nghiệm quản lý, vừa thành thạo tiếng Anh và tin học.

Ngoài ra, để đấu tranh với chuyển giá rất cần sử dụng thông tin dữ liệu trong và ngoài nước, từ các tổ chức quốc tế chuyên cung cấp thông tin. Trong khi đó, để thu thập, sàng lọc thông tin về DN FDI là rất khó bởi không phải tất cả các cơ quan Thuế các nước đều sẵn sàng hợp tác để cung cấp thông tin, hoặc có thông tin để cung cấp và cung cấp kịp thời. Do vậy, hầu hết thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá của ngành Thuế một số nước đã phải mua thông tin từ bên ngoài hệ thống thông tin của Ngành với kinh phí khá tốn kém và mất thời gian.

Một trong những khó khăn nữa chính là nguồn nhân lực. Hiện nay, đội ngũ cán bộ công chức của ngành Thuế làm công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá vẫn chưa đồng đều, làm việc dưới hình thức kiêm nhiệm nên chưa tập trung hết thời gian cho công tác chống chuyển giá. Đơn cử như nguồn nhân lực dành cho Tổ quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá của Tổng cục Thuế còn hạn chế, vì vẫn phải kiêm nhiệm nhiều công việc, chưa tập trung chuyên nghiệp để nghiên cứu thành các chuyên gia giỏi cho công tác chống chuyển giá.

Do vậy, trong Chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012-2015 của Bộ Tài chính sẽ tập trung xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá; hạn chế, ngăn ngừa, tình trạng các DN liên kết chống chuyển giá...

Xin cảm ơn ông!