Sẽ kiểm toán cuốn chiếu tất cả các tập đoàn

Theo Báo Đầu tư

Trả lời phóng viên phản ánh ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vẫn thường cả nể, né tránh, thậm chí “giơ cao đánh khẽ”, Phó tổng KTNN, ông Lê Minh Khái khẳng định, từ năm 2013 trở đi, tình trạng này sẽ giảm hẳn.

Sẽ kiểm toán cuốn chiếu tất cả các tập đoàn - Ảnh 1
Ông Lê Minh Khái, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước
Ông nghĩ gì khi tại kỳ họp vừa qua, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, kết luận của KTNN vẫn còn khá nương tay?

Chức năng của KTNN là xác nhận tính đúng đắn, trung thực, hợp lý của báo cáo quyết toán, báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán vốn đầu tư; đánh giá việc tuân thủ pháp luật; tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước…

Thực hiện chức năng của KTNN, trong các kết luận của mình, chúng tôi đều kiến nghị tăng thu, giảm chi cho Nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng.

Cụ thể, đến thời điểm này, KTNN đã hoàn thành 160/161 cuộc kiểm toán và đã kết luận 98 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính gần 9.090 tỷ đồng.

Nhưng trên thực tế, số vụ việc vi phạm mà KTNN gửi sang cơ quan công an điều tra để xử lý rất hiếm?

Đúng là trước đây, rất hiếm trường hợp KTNN chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiếp tục điều tra sự việc, một phần là do vụ việc phát hiện được chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc tổ chức, cá nhân vi phạm đã chủ động và tự nguyện khắc phục hậu quả. Mặt khác là do KTNN không phát hiện được nhiều vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Chính vì vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, KTNN vẫn còn cả nể, né tránh, kết luận thì “đao to búa lớn”, nhưng xử lý lại “nhẹ như lông hồng”.

Tuy nhiên, trong năm 2012, chúng tôi đã chuyển sang cơ quan công an điều tra để làm rõ trách nhiệm 4 vụ việc, trong đó có vụ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam gửi tiền sai quy định tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II) đến nay chưa thu hồi được cả vốn lẫn lãi hơn 1.000 tỷ đồng. Nhiều khả năng, số tiền này không thu hồi được. Cơ quan công an đang tiếp tục điều tra và khởi tố hình sự đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.

Vậy liệu trong năm 2013 sẽ có nhiều vụ việc được KTNN chuyển sang cơ quan công an để điều tra khởi tố hình sự không, thưa ông?

Chúng tôi không mong muốn có nhiều vụ việc phải gửi sang cơ quan công an điều tra để khởi tố hình sự. Tuy nhiên, năm 2013, KTNN tập trung kiểm toán những lĩnh vực nhạy cảm có nhiều nguy cơ dẫn tới tham nhũng, lãng phí, thất thoát như quản lý, sử dụng đất gắn với các dự án phát triển nhà và đô thị, kinh doanh bất động sản; quản lý khai thác và kinh doanh tài nguyên, khoáng sản; việc miễn, giảm, giãn, hoàn, xoá nợ thuế và công tác chống thất thu ngân sách gắn với hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp…, nên số vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự chắc không ít.

Tôi muốn nói thêm rằng, kết luận của KTNN phải bảo đảm tính trung thực, khách quan, đúng người, đúng tội, không bỏ sót vi phạm, nhưng cũng không vì vi phạm của đơn vị được kiểm toán mà kết luận có tính chất “vùi dập”. Vụ nào có dấu hiệu vi phạm hình sự mới chuyển sang cơ quan công an điều tra xử lý tiếp, còn lại KTNN kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, khắc phục.

Ông nghĩ thế nào về việc Vinashin, Vinalines đã từng được kiểm toán, nhưng mãi sau mới phát hiện ra 2 tập đoàn có nhiều vi phạm gây thất thoát tài sản nhà nước?

Đúng là chúng tôi đã kiểm toán 2 tập đoàn này, nhưng phát hiện ra sai phạm rất ít là do khi đó các sai phạm chưa lộ rõ và sai phạm cũng chưa nhiều. Ngoài ra, còn do trình độ của kiểm toán viên chưa thực sự cao để phát hiện ra sai phạm và đưa ra cảnh báo hoặc kiến nghị cơ quan chức năng xử lý. Vụ việc Vinashin, Vinalines là bài học kinh nghiệm để chúng tôi nghiên cứu sửa đổi, bổ sung kế hoạch, chương trình đào tạo; đa dạng hoá các loại hình và chuyên ngành đào tạo; tăng cường trách nhiệm cá nhân trong thực thi nhiệm vụ; thực hiện tốt công tác tập huấn quy trình, nghiệp vụ…

Để giảm thiểu những vụ việc tương tự như Vinashin, Vinalines gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước, năm 2013, KTNN có “đánh mạnh” vào các tập đoàn, tổng công ty không?

Để xảy ra sự việc như Vinashin, Vinalines hay như có tình trạng doanh nghiệp khai thác tài nguyên hàng chục năm, nhưng không có giấy phép mà vẫn không bị phát hiện là do trước đây, kiểm toán doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tài chính không thực hiện thường xuyên, có đơn vị hàng chục năm mới kiểm toán một lần.

Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đặt ra mục tiêu trong vòng 3 năm tới, sẽ kiểm toán cuốn chiếu tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và ngân hàng thương mại. Ngay năm 2013, chúng tôi tập trung nhân lực để kiểm toán 28 đầu mối, trong đó có 6 tập đoàn (Vinacomin, Vinatex, PVN, EVN, VNPT và VRG), 3 ngân hàng thương mại (VietinBank, Vietcombank và Agribank), 16 tổng công ty, 2 công ty TNHH một thành viên và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).