Phân bổ ngân sách cho các cơ sở y tế:

Sẽ theo hoạt động và kết quả đầu ra

Thái Hằng

(Tài chính) “Đổi mới phương thức phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở y tế theo hiệu quả hoạt động và kết quả đầu ra” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Ngành Y tế đặt ra trong năm 2014.

Bộ Y tế phấn đấu trong năm nay khởi công thêm cơ sở II của 5 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối. 
Nguồn: internet.
Bộ Y tế phấn đấu trong năm nay khởi công thêm cơ sở II của 5 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối. Nguồn: internet.
Dồn nguồn lực đầu tư cơ sở y tế

Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua ngành Y tế đã tập trung vốn ngân sách, vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) giai đoạn 2012-2015 là 20.000 tỷ đồng, các nguồn vốn ODA để đầu tư cho các cơ sở y tế, trong đó ưu tiên để hoàn thành một số bệnh viện đang quá tải lớn.

Giai đoạn 2008-2013 đã có 760 dự án y tế được sử dụng vốn TPCP, trong đó có 594 bệnh viện/trung tâm y tế huyện và một số phòng khám đa khoa khu vực; 166 bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương và Trường Đại học Y dược Cần Thơ. Việc đưa vào sử dụng 460 bệnh viện huyện, 73 bệnh viện tỉnh, trung ương (hoàn thành toàn bộ hoặc hoàn thành các hạng mục đã triển khai), 70 phòng khám đa khoa khu vực… đã giúp tăng năng lực phục vụ của các bệnh viện.

Đồng thời, Bộ Y Tế cũng sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp để chống quá tải, giảm dần tình trạng nằm ghép như: Tập trung các nguồn vốn đầu tư để hoàn thành một số dự án, hạng mục quan trọng phục vụ công tác giảm tải. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của một số bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; 14 bệnh viện hạt nhân được giao nhiệm vụ xây dựng và phát triển cho 45 bệnh viện vệ tinh ở 32 tỉnh, Đề án Bác sỹ gia đình; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến và đổi mới việc thực hiện Đề án 1816 chuyển từ hỗ trợ nhân lực sang đào tạo, chuyển giao gói kỹ thuật.

Bên cạnh đó, cải tiến quy trình khám bệnh, tăng thêm số bàn khám, nhân lực, cải tiến quy trình thu viện phí và thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT), giảm từ 6 còn 4 chữ ký trong bản kê thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT nên đã từng bước giảm bớt thời gian chờ đợi của người bệnh, đơn giản thủ tục hành chính, giảm được từ 12-14 bước trong quy trình khám bệnh xuống còn 4-7 bước, trung bình giảm được 40 phút một lượt khám bệnh…Việc triển khai các giải pháp trên đã từng bước giảm quá tải bệnh viện, một số cơ sở khám chữa bệnh đã được cải tạo, nâng cấp và đưa vào sử dụng, nhờ  đó đã tăng thêm 6% số giường bệnh so với năm trước. Chất lượng KCB đang từng bước được cải thiện.

Mức độ điều chỉnh giá dịch vụ chủ yếu hiện đang thực hiện trong khoảng 60-80% mức giá tối đa, chưa thực hiện điều chỉnh ở mức tối đa theo quy định, chỉ có một số bệnh viện đặc biệt, chữa trị người bệnh nặng, hiểm nghèo, triển khai các kỹ thuật cao có mức chi phí (theo 03 yếu tố) lớn được điều chỉnh ở mức trên dưới 90% mức giá tối đa. Cụ thể, năm 2012, Bộ Y tế chỉ điều chỉnh giá dịch vụ của một số bệnh viện trực thuộc các Bộ, ngành và 45/63 tỉnh (tháng 6,7 có 5 tỉnh, tháng 8 có 14 tỉnh, tháng 9 có 19 tỉnh, tháng 10 có 6 tỉnh, tháng 11 có 01 tỉnh); 8 tháng đầu năm 2013 có 17/63 tỉnh thực hiện (riêng TP. Hồ Chí Minh thực hiện từ 1/6/2014).
Nguồn: Bộ Y tế

Đặc biệt, trong năm vừa qua, Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29/3/2013 phê duyệt  Đề án “Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020”; phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 08/05 về việc nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng người thuộc hộ gia đình cận nghèo… Nhờ đó, năm 2013, số người tham gia BHYT đã đạt 61.084.987 người với tỷ lệ bao phủ là 68%.

Công tác quản lý nhà nước về BHYT theo đó ngày càng được tăng cường; Quyền lợi của người tham gia BHYT được bảo đảm, công tác tổ chức khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT đã được cải thiện cả về chất lượng và quy trình, thủ tục trong khám chữa bệnh. “Người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi đã được quan tâm trong tiếp cận, trong thụ hưởng các dịch vụ y tế ngay từ tuyến y tế cơ sở. Với việc triển khai các phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong quản lý, sử dụng quỹ BHYT, quỹ BHYT tiếp tục cân đối thu chi, góp phần tạo ra nguồn tài chính ổn định cho công tác khám, chữa bệnh”, ông Long thông tin thêm.

Được biết, với kế hoạch vốn TPCP 2014-2016 dự kiến khoảng 17.000 tỷ đồng, Bộ Y tế phấn đấu trong năm 2014 khởi công được cơ sở II của 5 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối. Tiếp tục khuyến khích xã hội hóa công tác khám chữa bệnh, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các dịch vụ y tế; thực hiện việc đa dạng hóa các loại hình khám chữa bệnh; phát triển một số lĩnh vực y học chất lượng cao, y học mũi nhọn phù hợp với điều kiện và khả năng của Việt Nam; Thực hiện thí điểm khám chữa bệnh theo nhu cầu để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân...

Tiến tới ban hành khung giá tính đúng, tính đủ

Theo Báo cáo của Bộ Y tế, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ theo lộ trình, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, tỷ lệ tham gia BHYT và thu nhập của người dân ở từng địa phương nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, không thực hiện điều chỉnh đồng loạt mà có phân chia tiến độ điều chỉnh.

Đánh giá sau một năm thực hiện, hầu hết các bệnh viện, địa phương cho biết: Cơ chế này đã tạo điều kiện cho các cơ sở KCB có thêm nguồn thu để trang trải các chi phí phục vụ người bệnh, góp phần từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; Các bệnh viện đã dành 15% tổng số thu khám bệnh và ngày giường bệnh (có bệnh viện đã chi hàng chục tỷ đồng) để đầu tư nên khu vực khám bệnh, các buồng bệnh đã được cải thiện, khang trang, sạch sẽ hơn trước, cải tiến quy trình khám bệnh, kể cả việc thu viện phí để giảm thời gian chờ đợi, người bệnh đã hài lòng hơn. Quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT được nâng lên rõ rệt…

Phát huy kết quả trên, trong năm nay Bộ Y tế hướng tới đổi mới phương thức phân bổ ngân sách Nhà nước cho các cơ sở y tế theo hiệu quả hoạt động và kết quả đầu ra; đổi mới phương thức chi trả dịch vụ y tế. Xây dựng và ban hành cơ chế phân bổ ngân sách cho các cơ sở y tế dự phòng, các lĩnh vực như kiểm nghiệm, kiểm định, dân số/KHHGĐ, truyền thông giáo dục sức khỏe.

Đồng thời, xây dựng và ban hành khung giá tính đầy đủ các yếu tố chi phí để áp dụng cho các bệnh viện có khả năng thu, có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên; Sửa đổi, bổ sung các quy định về xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong bệnh viện công cho phù hợp với tình hình thực tế. Tăng cường tự chủ về tài chính trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Từng bước xây dựng và thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình tính đúng tính đủ chi phí của Nghị định 85 và Nghị quyết của Quốc hội.

Bảo đảm đủ kinh phí để mua, hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nghèo, người thuộc diện chính sách và bảo trợ xã hội, từng bước chuyển phần ngân sách cấp cho các bệnh viện sang cấp trực tiếp cho người thụ hưởng thông qua việc mua hoặc hỗ trợ mua thẻ BHYT, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT để giảm bớt gánh nặng tài chính của người dân khi đi khám, chữa bệnh.