SFOM: Hướng tới tìm kiếm những giải pháp cho các vấn đề cấp bách chung của cả khu vực

PV.

Là một trong ba sự kiện chính thức của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017, Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp APEC (SFOM) sẽ được tổ chức tại Ninh Bình từ ngày 18-19/5/2017. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận các sáng kiến đảm bảo sự hài hòa về mối quan tâm và lợi ích giữa các nền kinh tế thành viên bằng việc hướng tới tìm kiếm những giải pháp để giải quyết các vấn đề cấp bách chung của cả khu vực.

Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) tiếp tục sẽ là một trong những những chủ đề được thảo luận tại Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp APEC.
Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) tiếp tục sẽ là một trong những những chủ đề được thảo luận tại Hội nghị Quan chức Tài chính Cao cấp APEC.

Thực hiện định hướng hợp tác dài hạn trong lĩnh vực tài chính APEC đến năm 2025 đã được các Bộ trưởng Tài chính APEC phê duyệt tại Kế hoạch hành động Cebu với bốn trụ cột: (i) Thúc đẩy hội nhập tài chính; (ii) Thúc đẩy minh bạch tài khoá; (iii) Cải thiện bền vững tài chính; và (iv) Tăng cường tài chính và phát triển cơ sở hạ tầng; đồng thời kết nối với chủ đề Năm APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Tiến trình hợp tác Tài chính APEC 2017 tập trung vào bốn ưu tiên hợp tác về: Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS), Tài chính và Bảo hiểm Rủi ro Thiên tai, và Tài chính toàn diện.

Các sáng kiến đảm bảo sự hài hòa về mối quan tâm và lợi ích giữa các nền kinh tế thành viên bằng việc hướng tới tìm kiếm những giải pháp để giải quyết các vấn đề cấp bách chung của cả khu vực như: Nút thắt về cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển bền vững; Tình trạng trốn lậu thuế, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia; Ứng phó với biến đổi khí hậu; Khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và dịch vụ tài chính trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Tại hội nghị này, các quan chức tài chính APEC sẽ tiếp tục thảo luận, đánh giá tiến độ triển khai các ưu tiên hợp tác đã được khởi xướng và thông qua tại Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC tháng 2/2017 và chuẩn bị các nội dung báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC tháng 10/2017, cụ thể như sau:

- Về Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng: Kế hoạch hoạt động của APEC trong năm 2017 tập trung vào các mục tiêu về chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực và phổ biến các kinh nghiệm tốt về xây dựng ma trận chia sẻ rủi ro và các công cụ hạn chế rủi ro ứng dụng trong các dự án PPP ở các nền kinh tế đang phát triển trong APEC. Các quan chức tài chính sẽ tiếp tục thảo luận các nội dung quan tâm, thông qua các kết quả hội thảo, và chuẩn bị các nội dung và kiến nghị báo cáo tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính vào tháng 10/2017.

- Về Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận: Kế hoạch hoạt động của APEC cho năm 2017 bao gồm các mục tiêu chính như sau: (i) Tăng cường hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên trong việc triển khai các hành động BEPS; (ii) Tổ chức các khoá đào tạo và hội thảo, chia sẻ kiến thức, tăng cường năng lực cho các nền kinh tế thành viên; (iii) Báo cáo tổng kết tình hình triển khai sửa đổi pháp luật và áp dụng các biện pháp BEPS của các thành viên APEC trong năm 2017. Các quan chức tài chính sẽ đánh giá tiến độ triển khai các hoạt động hợp tác, xem xét kế hoạch triển khai hội thảo chuyên đề BEPS trong thời gian tới, và dự kiến các nội dung báo cáo lên các Bộ trưởng tại Hội nghị tháng 10/2017.

- Về Tài chính và Bảo hiểm Rủi ro Thiên tai: Kế hoạch hành động trong năm 2017 tập trung vào các mục tiêu trọng tâm bao gồm: (i) Xây dựng chiến lược hoặc khung chính sách tài chính cho rủi ro thiên tai cấp quốc gia và cấp địa phương; (ii) Xây dựng chính sách quản lý rủi ro tài chính đối với tài sản công; (iii) Xây dựng chính sách phát triển thị trường bảo hiểm rủi ro thiên tai; và (iv) Phát triển các công cụ phân tích phục vụ công tác hoạch định chính sách tài chính cho rủi ro thiên tai. Các quan chức tài chính sẽ đánh giá kết quả triển khai các hoạt động hợp tác, bao gồm cả kết quả hoạt động của Nhóm công tác và hoạt động nghiên cứu hỗ trợ của WB, và dự kiến các nội dung sẽ báo cáo tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC tháng 10/2017, trong đó bao gồm các nội dung báo cáo đánh giá nhận diện các rủi ro thiên tai trong khu vực APEC, đề xuất các giải pháp chính sách về tài chính và bảo hiểm ứng phó với các rủi ro thiên tai.

- Về Tài chính toàn diện: Dự kiến trong năm 2017, các hoạt động hợp tác sẽ ưu tiên tập trung vào nội dung phát triển thị trường tín dụng và các sản phẩm dịch vụ tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp và nông thôn, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu và phát triển một nền nông nghiệp có chất lượng, qua đó thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nền kinh tế trong khu vực APEC. Các quan chức tài chính dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận về các vấn đề quan tâm, xem xét kế hoạch triển khai các hoạt động trong thời gian tới và đề xuất nội dung sẽ báo cáo tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC tháng 10/2017.

Bên cạnh các chủ đề ưu tiên, các quan chức tài chính cũng sẽ phối hợp với các tổ chức quốc tế và khu vực như Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thảo luận về tình hình kinh tế - tài chính quốc tế và khu vực, đánh giá những thuận lợi cũng như khó khăn thách thức mà khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang phải đối mặt, và dự báo viễn cảnh khu vực trong thời gian tới.

Nhằm đi sâu vào nghiên cứu, khai thác nội hàm của các ưu tiên trong hợp tác tài chính nêu trên, các hội thảo chuyên đề cũng sẽ được tổ chức bên lề Hội nghị SFOM.

Cụ thể, hội thảo với chủ đề Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng sẽ được tổ chức vào ngày 17/5/2017 với sự tham gia của các chuyên gia đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế đối tác nhằm thảo luận chuyên sâu về các vấn đề vướng mắc trong các dự án PPP, đặc biệt là các vấn đề về chia sẻ rủi ro và các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong các dự án PPP.

Bên cạnh đó, hội thảo chuyên đề về Trao đổi thông tin tín dụng qua biên giới ngày 16/5/2017 sẽ gợi mở những giải pháp về chính sách và cơ chế hợp tác nhằm tăng cường phối hợp chia sẻ thông tin tín dụng trong APEC.

Kết quả của các hội thảo này sẽ được trình bày tại hội nghị SFOM, đóng góp vào nỗ lực chung của hợp tác tài chính APEC trong từng chủ đề ưu tiên, cũng như kết quả chung của hội nghị SFOM.