Sở hữu chéo chưa phải là bệnh của hệ thống ngân hàng?

Theo baodatviet.vn

(Tài chính) Phải xử lý nghiêm ma trận sở hữu chéo các tổ chức tín dụng thì việc tái cấu trúc nền kinh tế mới thoát khỏi gọng kìm của các "nhóm lợi ích".

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nêu quan điểm về việc xử lý sở hữu chéo các tổ chức tín dụng trong mối quan hệ với việc tái cấu trúc nền kinh tế.

Phóng viên: Trong văn bản trả lời chất vấn gửi đại biểu Quốc hội vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối năm 2013 quy mô sở hữu chéo trực tiếp trong hệ thống tín dụng của Việt Nam là "chưa lớn". Ông bình luận gì về vấn đề này?

Sở hữu chéo chưa phải là bệnh của hệ thống ngân hàng? - Ảnh 1
Chuyên gia kinh tế
Bùi Kiến Thành

Chuyên gia Bùi Kiến Thành: Nói chung chung như là "quy mô sở hữu chéo trực tiếp trong hệ thống tín dụng của Việt Nam là "chưa lớn" thì Quốc hội cũng như nhân dân không thể biết được tình hình chính xác là như thế nào.

Có nhiều câu hỏi được đặt ra như sở hữu chéo có phạm pháp hay không? Nếu là phạm pháp thì cần phải ngăn chặn ngay chứ không phải đợi đến khi nó "đủ lớn" mới quan tâm.

Quy định của luật pháp nói gì? Sở hữu chéo có phải là bệnh của hệ thống ngân hàng hay không? Hay mức độ nhiễm "chưa lớn" nên không phải là HIV? Đến mức độ nhiễm nào thì Ngân hàng Nhà nước mới đánh giá sở hữu chéo là một loại HIV của hệ thống ngân hàng và mới có biện pháp xử lý.

Luật pháp có quy định và cho phép Ngân hàng Nhà nước chờ đợi sở hữu chéo lớn đến mức nào mới phải xử lý hay không? Nếu không Ngân hàng Nhà nước vẫn bỏ qua vì sở hữu chéo "chưa lớn" thì ngân hàng nhà nước có vi phạm pháp luật hay không?

Ngân hàng Nhà nước cần phải có báo cáo chính xác về tình hình sở hữu chéo cho Quốc hội, Chính phủ biết Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng những biện pháp gì để xử lý các trường hợp vi phạm, chứ không phải chỉ nêu ra một số giải pháp nhằm hạn chế sở hữu chéo trong tương lai. .Thực chất tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng đã dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng như chúng ta đã thấy qua các vụ kiện trước tòa án trong những tháng qua.

Mấu chốt vấn đề lợi ích nhóm

Thống đốc NHNN cũng đã nêu một số giải pháp nhằm hạn chế sở hữu chéo, đầu tư chéo như đặt ra cơ chế tiếp nhận, mua lại cổ phần vốn thoái của các doanh nghiệp nhà nước tại tổ chức tín dụng; ra thông tư hướng dẫn thời hạn, trình tự thủ tục chuyển tiếp việc cổ đông của tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định.

Ngoài ra, biện pháp cũng được đưa ra như yêu cầu cổ đông, nhóm cổ đông mới nhận chuyển nhượng cổ phần, vốn từ các cổ đông cũ tại ngân hàng yếu kém phải chứng minh có đủ năng lực tài chính, không sử dụng vốn vay, huy động từ tổ chức tín dụng đó hoặc tổ chức, cá nhân khác.

Ông đánh giá như thế nào về những biện pháp được đưa ra? Theo ông những biện pháp này có thể mang lại hiệu quả đến đâu trong quá trình xử lý sở hữu chéo? Ông có thể đề xuất những biện pháp khác cụ thể hơn?

Những biện pháp nêu ra chỉ là những "hướng dẫn" cho các nhà đầu tư hay các doanh nghiệp mua bán cổ phần các ngân hàng, không phải là những quy định của pháp luật mà Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm đề xuất với Quốc hội và Chính phủ.

Phần việc của Ngân hàng Nhà nước, một cơ quan quản lý nhà nước về ngành ngân hàng, không phải chỉ là đề xuất hướng dẫn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, mà phải đưa ra các quy định pháp luật để ngăn chặn sở hữu chéo, và xử lý các vi phạm về sở hữu chéo.

Xin ông cho biết, nếu vẫn tồn tại ma trận sở hữu chéo việc tái cấu trúc nền kinh tế có thể thực hiện được hay không và vì sao? Hiện việc tái cơ cấu vẫn đang tập trung vào việc cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành và hiệu quả được đánh giá là chưa cao, việc xử lý ma trận sở hữu chéo có lặp lại tình trạng như vậy không, thưa ông?

Việc tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn ngoài ngành được đánh giá là "chưa cao" không phải chỉ là do sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng và tín dụng, mà do quyết tâm của nhà nước chưa cao.

Một phần lớn trì trệ là do chính các doanh nghiệp nhà nước chưa muốn "bị" cổ phần hóa. Lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm còn quá nặng nề, mà các cơ quan quản lý nhà nước chưa hóa giải được, như một vị quan chức Chính phủ đã có lần giải trình trước Quốc hội rằng "trên nói dưới không nghe".

Tuy nhiên, cần phải xử lý nghiêm ma trận sở hữu chéo các tổ chức tín dụng thì việc tái cấu trúc nền kinh tế mới thoát khỏi gọng kìm của các "nhóm lợi ích". Câu hỏi được đặt ra là quyền lực và ảnh hưởng của các nhóm lợi ích đến đâu?

Xin trân trọng cảm ơn ông!