Số phận mới cho TPP
Diễn biến đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại APEC 2017 kịch tính như một trận bóng đá đỉnh cao. Phần thắng dành cho những người tham gia cuộc đấu đến phút chót.
Đó là nhận định của TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khi các nước đạt được thỏa thuận về TPP - 11 với tên gọi mới “Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)” bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC.
5 giờ “hồi sức”
Trong cuộc họp báo ngày 11/11, các nước đã công bố kết quả đột phá đạt được vào phút chót của các bộ trưởng 11 quốc gia thành viên TPP sau hàng loạt cuộc họp kéo dài từ ngày 8 - 10/11. Tuyên bố Bộ trưởng các nước tham gia TPP nêu rõ: “Các nước TPP đã thống nhất những nhân tố cốt lõi của CPTPP”.
Kết quả này vốn đã được nhiều người kỳ vọng khi vòng đàm phán thứ 4 của các bộ trưởng bắt đầu. Song nhiều nghi ngại đã nổi lên về số phận của TPP sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau không tới dự cuộc họp các nhà lãnh đạo TPP - 11 hôm 10/11.
Tuyên bố nói rằng các bộ trưởng đã giữ “những tiêu chuẩn cao, sự cân bằng và tính bao trùm của TPP trong khi bảo đảm lợi ích thương mại và các lợi ích khác của tất cả các nước tham gia, đồng thời bảo đảm các quyền lợi vốn có trong việc điều chỉnh, trong đó có sự linh hoạt về ưu tiên pháp lý.
Đại diện Nhật Bản tại cuộc đàm phán, Bộ trưởng Kinh tế Toshimitsu Motegi cho biết, những bất đồng liên quan tới Canada đã được giải quyết sau cuộc bàn thảo kéo dài 5 giờ tới tận đêm cùng ngày. Khoảng thời gian đó được gọi là “5 tiếng hồi sức cho TPP” đầy kịch tính và kết quả là phần thắng dành cho những người kiên trì. Ông cũng khẳng định, thỏa thuận có thêm một phụ lục với 7 điều về những điểm kỹ thuật của hiệp định mới cùng một phụ lục liệt kê các điểm được treo và cần thống nhất thêm.
Hiệp định mới sẽ treo 20 điều của thỏa thuận TPP ban đầu, trong đó có 10 điều liên quan tới sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, các bộ trưởng cũng nhất trí danh mục gồm 4 vấn đề cụ thể mà các nước đã đạt được tiến bộ quan trọng nhưng cần thêm sự đồng thuận trước khi ký kết.
Tên mới, sứ mạng mới
Liên quan tới việc đổi tên Hiệp định, Bộ trưởng Motegi giải thích: “Chúng tôi thảo luận nhiều cái tên, nội dung, không chỉ thương mại mà còn là đầu tư. Đây là hiệp định toàn diện, bao gồm các lĩnh vực rộng lớn. Về bản chất, CPTPP là hiệp định cao hơn, tiến bộ hơn so với các hiệp định từng được ký kết”.
Phó Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) Murray Hiebert nhận định việc đạt được thỏa thuận về các vấn đề cốt lõi của TPP - 11 là chiến thắng của những quốc gia thúc đẩy các hiệp định thương mại đa phương và chối bỏ chủ nghĩa bảo hộ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, nếu đàm phán thành công, CPTPP sẽ mang lại cho các thành viên tới 160 tỷ USD/năm vào năm 2030, trở thành một trong những hiệp định thương mại quan trọng nhất được đàm phán 2 thập kỷ qua. Dù không phải chương trình chính của Tuần lễ Cấp cao APEC, nhưng tuyên bố chung về thỏa thuận TPP - 11 được thông qua là bước đột phá cho thương mại tự do trong khu vực và cũng là một trong những dấu ấn của APEC 2017.