Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA

Theo Minh Hương/daibieunhandan.vn

Từ năm 2010, Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp, vốn đầu tư nước ngoài không hoàn lại có xu hướng giảm. Do đó, việc tăng cường hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) là vấn đề cần đặt ra.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Năng lực hấp thu kém

Chia sẻ về thực trạng quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011- 2016, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết theo các điều ước quốc tế là 33,85 tỷ USD, cao hơn 57% so với thời kỳ 2006 - 2010. Trong đó, vốn ODA và vốn vay ưu đãi đạt 32,51 tỷ USD, chiếm khoảng 96%, còn lại là vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 1,346 tỷ USD.

Trong đó, vốn ODA cho lĩnh vực giao thông vận tải đạt trên 11,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng cao nhất trong thời kỳ này. Nhiều công trình dự án trọng điểm quốc gia sử dụng các nguồn vốn này như cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc TP Hồ Chí Minh  - Long Thành  - Dầu Giây, đường nối Nhật Tân - Nội Bài... được đưa vào khai thác, góp phần hoàn chỉnh, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, nguồn vốn ODA cũng đã được huy động để thực hiện các dự án trồng rừng, nâng cao sản lượng, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm của cây trồng, vật nuôi. Nhiều dự án hỗ trợ kỹ thuật cũng được thực hiện để nâng cao tính cạnh tranh nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường công tác khuyến nông.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, hiệu quả sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa được như mong muốn, trong khi nguồn vốn ODA có chiều hướng giảm dần trong thời kỳ 2011 - 2016 và đang hoàn thành nốt những hiệp định cuối cùng trước khi Việt Nam được đưa vào diện không còn được ưu đãi.

Số lượng nhà tài trợ, cả đa phương và song phương, đã giảm dần và có kế hoạch chấm dứt chương trình viện trợ chính thức dành cho Việt Nam như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Các bộ, ngành và địa phương vẫn chưa sẵn sàng  tiếp cận các nguồn vốn vay kém ưu đãi áp dụng cơ chế tài chính trong nước theo hình thức cho vay lại.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tại một hội thảo về quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài tại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2016 vừa qua cũng cho thấy, năng lực hấp thu nguồn vốn ODA còn kém, chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhiều chương trình và dự án chậm tiến độ, nhiều trường hợp phải xin gia hạn. Việc lồng ghép các chương trình  và dự án  của Chính phủ trên địa bàn với các chương trình và dự án ODA, nhiều khi có sự trùng lặp dẫn đến hạn chế nguồn vốn vay ODA.

Theo Trưởng ban Tài chính quốc tế, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) Lê Quang Thuận, vốn ODA chủ yếu được phân bổ ưu tiên cho các chương trình, dự án đầu tư công (chiếm khoảng 44% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2011- 2015) nhưng hệ số sử dụng vốn (ICOR) vẫn còn rất cao. Mặt khác, quá trình tái cơ cấu đầu tư công còn chậm, vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải, thi công chậm tiến độ, tham nhũng, lãng phí là nguyên nhận chủ yếu dẫn đến ICOR cao, hiệu quả đầu tư thấp.

Thắt chặt các khoản chi ODA

Để nâng cao chất lượng quản lý vốn ODA, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài theo nguyên tắc đồng bộ, nhất quán, tránh mâu thuẫn chồng chéo, tinh giản quy trình thủ tục, bảo đảm hiệu lực hiệu quả nguồn vốn này.

Theo đó, nghiên cứu sửa đổi  và bổ sung Luật Đầu tư công, trong đó có những quy định phù hợp với những đặc thù của nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Ngoài ra, theo Phó Cục trưởng Cục Kế toán Nhà nước (Kho bạc Nhà nước) Nguyễn Văn Hào, vốn ODA chỉ nên đầu tư cho dự án trọng điểm quốc gia và lĩnh vực giao thông, thủy lợi. Địa phương cần chi từ vốn vay ODA phải áp dụng cơ chế vay lại theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

Cơ sở để thực hiện cho vay lại là khả năng thu hồi, hoàn trả vốn. Địa phương nào phát triển, có khả năng thu hồi vốn nhanh thì tăng tỷ lệ cho vay lại vốn ODA và giảm tỷ lệ cấp phát bằng ngân sách. Tỉnh nghèo thì phần cho vay ODA giảm xuống, tăng đầu tư không hoàn lại. Khi đó, việc sử dụng vốn ODA sẽ tiết kiệm, hiệu quả.

Cơ quan, tổ chức nào vi phạm quy định về quản lý vốn vay ODA phải xử lý theo quy định của điều 18 Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời, việc bố trí dự toán ngân sách hàng năm gắn với hiệp định đã ký kết vay vốn ODA và lộ trình giải ngân cam kết với nhà tài trợ để đưa vào dự toán ngân sách trình cấp có thẩm quyền quyết định, ông Hào nhấn mạnh.

Trong cuộc họp với một số bộ, ngành mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong giai đoạn tới phải thắt chặt quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay ODA, kể cả các dự án hỗ trợ kỹ thuật. Phải chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn để dòng vốn này đi vào phục vụ phát triển tốt hơn.

Các cơ quan chủ quản chủ động rà soát, cắt giảm tối đa các khoản chi không hiệu quả, không phù hợp, chưa cần thiết để làm sao bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và trên cơ sở thống nhất với các nhà tài trợ; gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Các khoản vay ODA mới chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, không dùng cho chi thường xuyên.