Sử dụng vốn đầu tư hiệu quả: Nhìn từ Hàn Quốc

ThS. Nguyễn Văn Tuấn

(Tài chính) Từ một quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, xuất phát điểm kinh tế thấp, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Hàn Quốc đã có sự phát triển vượt bậc, trở thành một trong 4 con rồng của châu Á. Trong số rất nhiều bí quyết tạo nên sự thần kỳ ấy, thì sử dụng đầu tư hiệu quả có vai trò rất quan trọng.

Sử dụng vốn đầu tư hiệu quả: Nhìn từ Hàn Quốc
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Năm 2012, Hàn Quốc chính thức gia nhập Ủy ban Viện trợ Phát triển (DAC) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Hàn Quốc là quốc gia duy nhất thay đổi từ một nước nhận viện trợ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai trở thành nước viện trợ.

Thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc vào năm 1963 mới chỉ đạt 100 USD/người/năm, đến năm 1977 là 1.000 USD, năm 1995 đã là 10.000 USD và đến năm 2007 đã tăng mạnh lên con số 20.000 USD. Năm 2012, thu nhập bình quân của một người dân Hàn Quốc đạt 22.590 USD. Trong lịch sử thế giới chưa có quốc gia nào có sự tăng trưởng nhanh như vậy. Bất chấp khủng hoảng kinh tế thế giới trong năm 2012, kim ngạch thương mại của Hàn Quốc vẫn đột phá mục tiêu 1.000 tỷ USD và vươn lên đứng thứ 9 thế giới về quy mô thương mại. Quy mô kim ngạch xuất khẩu được Tờ Newsweek của Mỹ bình chọn là nước đứng thứ 7 trên thế giới (dựa trên 5 tiêu chí: giáo dục, sức khỏe, chất lượng cuộc sống, sự năng động của nền kinh tế và sự ổn định chính trị).

Có thể nói, sự thành công của Hàn Quốc có sự góp phần không nhỏ của việc sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước một cách phù hợp, có hiệu quả cao. Qua thực tiễn đầu tư và sử dụng vốn đầu tư của Hàn Quốc, có thể chỉ ra các kinh nghiệm sau:

Một là, điểm mấu chốt là phải xác định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn và mềm dẻo, thì đầu tư mới có hiệu quả. Cụ thể là:

- Từ năm 1953-1966, Hàn Quốc lựa chọn chiến lược công nghiệp hóa hướng nội và thay thế nhập khẩu. Kết quả là đầu tư phát triển không hiệu quả, mục tiêu không đạt được.

- Từ 1967-1971, Hàn Quốc chuyển sang thực hiện chiến lược công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu. Theo đó, đầu tư phát triển chuyển hướng tạo ra sự phát triển vượt bậc.

- Từ 1972-1981, bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, Hàn Quốc tiếp tục thay đổi chiến lược, tập trung vào 3 nội dung chính là: công nghiệp nặng và hóa chất; đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu; phát triển nông nghiệp để tự túc một số nông phẩm. Vốn đầu tư phát triển cũng được tập trung cho các hướng chiến lược này.

- Từ năm 1982-1995, Hàn Quốc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tham gia APEC, WTO, NAFTA, AFTA, mở rộng hợp tác khu vực với ASEAN, Trung Quốc; tiếp tục điều chỉnh cơ cấu trong nội bộ ngành công nghiệp, xác định một số ngành công nghiệp chủ đạo và đầu tư phát triển nâng cấp, cơ cấu lại ngành nghề, cải thiện môi trường đầu tư, duy trì ổn định giá đất, tạo nguồn cung cấp lực lượng lao động, cải cách tiền lương; thông qua thu hút FDI thúc đẩy chuyển giao kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, nâng cao sức cạnh tranh… Do đó, dòng vốn đầu tư phát triển cũng tiếp tục được điều chỉnh theo điều kiện mới. Việc điều chỉnh này mang lại thành công lớn, GDP liên tục tăng cao cho đến nay.

Hai là, coi trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Ngay khi chiến tranh vừa kết thúc, Hàn Quốc đã tập trung vốn đầu tư phát triển nguồn nhân lực, dù phải lấy cả nguồn viện trợ, vốn vay để đầu tư. Nhà nước coi trọng đào tạo nghề để tạo ra lực lượng lao động có tay nghề cao.

Ba là,  ưu tiên đầu tư phát triển cho khoa học, công nghệ bằng cách xây dựng công trình hạ tầng cho nghiên cứu khoa học; thành lập các viện nghiên cứu công nghệ then chốt; lập các dự án quốc gia về nghiên cứu triển khai. Hàn Quốc tập trung vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước một cách thích đáng cho các viện nghiên cứu quốc gia, khuyến khích tư nhân nghiên cứu ứng dụng bằng cách giảm thuế, giảm giá, trợ cấp tài chính, cho vay ưu đãi, nhà nước đặt hàng… Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách tìm thị trường cho kết quả nghiên cứu, mua bán bản quyền phát minh, giúp các công ty nâng cấp công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm, hỗ trợ chương trình sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật cao; đầu tư lớn cho nghiên cứu khoa học trong các ngành kỹ thuật then chốt; hỗ trợ đầu tư phát triển cho các công ty có triển vọng; nhập khẩu công nghệ mới, tiên tiến…

Bốn là, tập trung vốn cho xây dựng và phát triển các tập đoàn kinh tế lớn (chaebol) kể cả vốn nhà nước và tư nhân để các tập đoàn này trở thành đầu tàu, nòng cốt cho phát triển kinh tế. Nhà nước hỗ trợ đặc biệt để đầu tư phát triển các Cheabol với quan điểm sẵn sàng thua lỗ ở giai đoạn đầu để chiếm lĩnh thị trường quốc tế, thu hút lợi nhuận cao về sau.

Để vận hành và nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, Hàn Quốc đã ban hành luật quản lý đầu tư vào khối doanh nghiệp này, lập cơ quan đánh giá hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Hoạt động của các doanh nghiệp này được đánh giá theo những tiêu chí nhất định và phân loại, xếp hạng theo khả năng kinh doanh. Nhà nước không phân bổ nguồn lực theo kế hoạch, mà để cho nhu cầu thị trường quyết định; xóa bỏ vay theo trợ cấp để tránh đầu tư kém hiệu quả, tạo ra sự mất cân đối trong đầu tư phát triển, hoặc đầu tư lệch lạc.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc tư nhân hóa một số ngân hàng thương mại nhà nước, bán một số doanh nghiệp nhà nước, như: Sunkyong, Deawoo… Các doanh nghiệp nhà nước được định hướng đầu tư để sản xuất, kinh doanh những mặt hàng đòi hỏi kỹ thuật hiện đại, quy mô đầu tư lớn, nhiều vốn, có nhiều mối liên kết, mức độ tập trung của thị trường cao. Mục tiêu là để xây dựng những ngành công nghiệp cơ bản và kết cấu hạ tầng nền tảng của quốc gia.

Năm là, tích cực khai thác tối đa tư nhân tham gia đầu tư phát triển, cùng với nguồn vốn trong nước, FDI, viện trợ. Hàn Quốc đã xây dựng và ban hành bộ luật đầu tư; thay thế chế độ tỷ giá cố định bằng chế độ linh hoạt; ban hành đạo luật tổng hợp về thúc đẩy FDI, nâng lãi suất tiền gửi để thu hút tiết kiệm của dân cư.

Trong cơ cấu vốn vay, Hàn Quốc thực hiện theo nguyên tắc: vốn vay nước ngoài cho kết cấu hạ tầng thường là vay dài hạn, hạn chế ngắn hạn và đặc biệt không vay thương mại. Cùng với tiết kiệm, thuế là nguồn thu quan trọng của ngân sách nhà nước để có vốn đầu tư phát triển. Nhà nước giảm chi tiêu để tăng thêm vốn đầu tư, huy động vốn cho đầu tư phát triển bằng biện pháp đẩy nhanh tích lũy trong nước.

Đối với giới kinh doanh, Nhà nước không khuyến khích đầu tư ra nước ngoài. Đầu tư FDI phải chịu một sự điều chỉnh theo một danh mục tích cực và chịu sự khống chế kiểm soát của Nhà nước. Chính phủ khống chế một cách nghiêm ngặt sự cạnh tranh giữa các công ty trong nước và nước ngoài theo hướng ưu tiên cho các công ty trong nước; sử dụng quyền lực nhà nước để giành điều kiện tốt hơn cho các công ty trong nước.

Sáu là, quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước đầu tư vốn vào việc mở mang đường giao thông và điện khí hóa nông thôn, phân bổ lại ruộng đất, cơ giới hóa nông nghiệp, phổ biến khoa học, kỹ thuật.

Bảy là, Nhà nước dùng vốn ngân sách để điều tiết vĩ mô. Hàn Quốc thành lập Quỹ đầu tư quốc gia bảo hộ đầu tư phát triển cho các ngành trọng điểm, như: hóa dầu, cơ khí, sắt, thép, kim loại màu, đóng tàu, máy công nghiệp, điện tử… Chính phủ trực tiếp phân bổ nguồn lực tài chính, ưu tiên các ngành theo định hướng. Khi đã có bước phát triển tốt, Nhà nước dần dần giảm sự can thiệp trực tiếp vào nền kinh tế, đồng thời, giảm can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của tư nhân.

Không những chỉ điều chỉnh cơ cấu hợp lý giữa công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, mà còn điều chỉnh cơ cấu trong nội bộ từng ngành để nâng cao hiệu quả. Tổ chức lại cơ cấu ngành nghề, thúc đẩy chuyên môn hóa và tổ chức lại ngành nghề gắn với việc nâng cấp công nghệ và hiện đại hóa nền kinh tế. Với công nghiệp nặng và hóa chất, hợp nhất hoặc xóa bỏ một số dự án đầu tư, khuyến khích chuyên môn hóa theo sản phẩm.

Tám là, chú trọng đầu tư phát triển các loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đáng chú ý là không có sự cạnh tranh giữa Nhà nước và tư nhân trong việc giành giật kế hoạch. Các nhà lập kế hoạch lo thu thập thông tin và đề xuất với Chính phủ các chính sách; các hiệp hội nghề nghiệp góp phần tạo ra sự nhất trí giữa Chính phủ với giới kinh doanh về các vấn đề mục tiêu của chính sách, cơ chế thực hiện. Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài dành phần trăm vốn nhất định cho vay phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó giao ngân hàng địa phương phải dành chủ yếu vốn cho vay phục vụ khối doanh nghiệp này.

Tám là, thúc đẩy cạnh tranh trong phân bổ vốn đầu tư phát triển của Nhà nước để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; thúc đẩy tự do hóa đầu tư, khi công nghiệp trong nước đã có sự phát triển, dần dần giảm chính sách bảo hộ. Tự do hóa trong lĩnh vực tài chính thúc đẩy tự do hóa lưu thông vốn, giảm bớt cản trở sử dụng tín dụng. Xây dựng kế hoạch vốn trung hạn và dài hạn để tăng tính chủ động cho các địa phương, các bộ, ngành. Mở rộng kinh doanh cho khu vực tư nhân,  nhằm giảm gánh nặng tài chính, tình trạng thiếu hụt ngân sách do kinh doanh kém hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước; tự do hóa nền kinh tế, nhưng không xóa bỏ vai trò Nhà nước trong nền kinh tế, mà giảm bớt sự can thiệp trực tiếp, trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các thành phần kinh tế. Vận dụng đúng các quy luật của thị trường trong các hoạt động kinh tế.

Những gợi ý cho Việt Nam

Trên cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm sử dụng vốn đầu tư phát triển hiệu quả của Hàn Quốc, Việt Nam có thể có sự điều chỉnh trong cách sử dụng và quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Cụ thể là:

- Trước hết là phải đổi mới tư duy trong đầu tư và sử dụng vốn ngân sách cho đầu tư phát triển. Quá trình đổi mới tư duy được thực hiện thận trọng, từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đặc biệt, cần cải cách công tác kế hoạch, từ đó đổi mới căn bản việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước. Cụ thể, chuyển dần xây dựng kế hoạch hàng năm sang kế hoạch trung hạn và dài hạn.

- Xây dựng được những chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn và mềm dẻo. Đây cũng là điểm mấu chốt, bởi trên cơ sở chiến lược sẽ đưa ra những điều chỉnh dòng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước theo điều kiện mới.

- Tận dụng mọi nguồn lực để đầu tư phát triển, nội lực và ngoại lực đều quan trọng. Trong đó, nguồn vốn trong nước là quyết định, huy động vốn trong nước phải dựa trên sức dân, không để vốn chết trong bất động sản, vàng, ngoại tệ. Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; kiềm chế lạm phát, khuyến khích đầu tư nước ngoài, khuyến khích tiết kiệm trong dân cư và đầu tư trong nước.

- Làm tốt công tác quy hoạch tổng thể các vùng, ngành để có kế hoạch gọi vốn đầu tư, hoàn thiện môi trường đầu tư, có chính sách đất đai phù hợp; chính sách thuế, ưu đãi tài chính, chính sách thị trường và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

- Thu hút tư nhân tham gia đầu tư phát triển để bớt gánh nặng cho Nhà nước thông qua việc ban hành các văn bản pháp luật để huy động tốt nhất đầu tư tư nhân, công khai danh mục các dự án trọng điểm, khuyến thích tư nhân tham gia vào đầu tư phát triển hạ tầng theo các phương thức đầu tư đa dạng: PPP, BTO, BOT…  Đồng thời, tạo lập môi trường đầu tư phát triển tốt, xây dựng thực thi chính sách và biện pháp có tính hệ thống và toàn diện. Đặc biệt, cần có sự quan tâm và hỗ trợ thích đáng của Nhà nước đối với khu vực tư nhân.

- Phân bổ, kiểm soát vốn đầu tư theo mục tiêu xác định; xây dựng và điều hành các tập đoàn kinh tế lớn. Sự hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước đặt trong giới hạn hợp lý nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh, hợp tác bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình kinh tế; quản lý kiểm soát việc vay nợ nước ngoài; sử dụng vốn và trả nợ nước ngoài.

- Chính sách ưu đãi và hỗ trợ phát triển công nghiệp phải chú trọng tới tính cân đối của nền kinh tế, tính hiệu quả. Đồng thời, buộc các doanh nghiệp phải đối mặt với thị trường, chấp nhận cạnh tranh, không để doanh nghiệp trông chờ vào sự bảo trợ của Nhà nước.

- Lấy nông nghiệp làm khâu đột phá trong đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Để đảm bảo vừa phát triển nông nghiệp, vừa đảm bảo tốc độ tăng trưởng cung phù hợp, cần ưu tiên đầu tư phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho nông nghiệp. Do đầu tư cho nông nghiệp có độ rủi ro cao, lợi nhuận thấp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu, nên Nhà nước cần tăng cường đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo hướng đưa các công nghệ mới, công nghệ sinh học… vào nông nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

1. Bùi Mạnh Cường (2012). Nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước ở Việt Nam, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội

2. Soyoung Kim, Doo Yong Yang (2008). Managing Capital Flows: The Case of the Republic of Korea, ADB Institute Discussion Paper No. 88

3. Valentina BrunoHyun Song Shin (2013). Assessing Macroprudential Policies: Case of Korea, NBER Working Paper No. 19084