Sử dụng xăng E5 thay thế xăng RON92: Bài toán về nguyên liệu sản xuất

Theo Nguyễn Quỳnh/daibieunhandan.vn

Từ ngày 1/1/2018, thị trường xăng sinh học E5 sẽ thay thế hoàn toàn cho xăng RON92. Tuy nhiên, tại Hội thảo Sử dụng nhiên liệu sinh học: Giải pháp phát triển bền vững diễn ra mới đây, nhiều ý kiến lo ngại rằng, nguồn cung ít, giá chưa có nhiều ưu đãi và người tiêu dùng còn tâm lý ngại thay đổi… khi sử dụng xăng xinh học E5.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nhu cầu ngày càng tăng

Đại diện Bộ Công thương cho biết, từ ngày 1/1/2018, các doanh nghiệp chỉ được phép sản xuất, kinh doanh xăng sinh học E5 và xăng khoáng RON 95. Để đáp ứng nhu cầu thì lượng xăng E5 cần có khoảng 5,4 triệu m3. Cùng với đó, nguồn  cung nguyên liệu E100 để pha chế xăng E5 khoảng 250 - 270 nghìn tấn/năm.

Đến thời điểm hiện tại, mặc dù các doanh nghiệp rất nỗ lực trong việc chuẩn bị nguồn cung và hệ thống bán lẻ xăng E5, nhưng theo Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Phan Thế Ruệ, Nhà nước cũng cần hỗ trợ kinh phí đối với những doanh nghiệp nhỏ để không bị thụt lùi lại phía sau trong lộ trình mà Chính phủ đề ra.

Bởi, chi phí cho thay đổi về cơ sở vật chất, bồn bể, trạm phối trộn… là con số không hề nhỏ. Thêm vào đó, đối với các cửa hàng tư nhân, đại lý đang nhập xăng từ các doanh nghiệp đầu mối, việc thuyết phục chuyển sang bán xăng sinh học đang gặp khó khăn do tâm lý lo ngại xăng sinh học hao hụt nhiều hơn xăng khoáng truyền thống.

Để xăng E5 được sử dụng phổ biến trong thời gian tới, theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Nguyễn Ngọc Năm, những chính sách liên quan đến thuế, phí, đặc biệt là giá phải được xem xét, cân nhắc để người tiêu dùng thấy được lợi ích. Vấn đề chính sách dự trữ quốc gia đối với mặt hàng này như thế nào.

Nhấn mạnh về vấn đề giá, một số các doanh nghiệp kinh doanh xăng E5 cho rằng, hiện tại giá xăng E5 so với giá xăng RON 92 chỉ chênh nhau khoảng 300 đồng, so với kỳ vọng của người tiêu dùng mức độ chênh lệch này vẫn còn đang thấp. Để có chính sách giá phù hợp, giai đoạn vừa qua Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã có kiến nghị với Chính phủ xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường để tạo khoảng cách nhất định trong việc lợi ích về mặt kinh tế.

Lo lắng về giá và nguồn cung

Còn theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu Mai Văn Huy: “Chúng tôi lo nhất là vùng nguyên liệu đầu vào, do công ty nằm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên gặp khó khăn trong tiếp cận các nhà cung cấp nguyên liệu. Do đó, nếu không cung cấp đủ nguồn nguyên liệu thì công ty sẽ gặp trở ngại”.

Cùng chung lo lắng, ông Năm cũng cho rằng, Chính phủ cần phải có chỉ đạo yêu cầu các nhà máy sản xuất ethanol trong nước tiếp tục trở lại hoạt động, kèm theo đó, có những chính sách đối với các nhà máy này. Đặc biệt quy hoạch các vùng nguyên liệu để đáp ứng đầu vào cho các doanh nghiệp. “Chúng tôi không trông chờ hoàn toàn vào lượng sản xuất trong nước mà phải tìm kiếm ở các nguồn thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Philippines” ông Năm cho biết.

Đồng thời, theo nhiều chuyên gia, về giá nguyên liệu cũng ảnh hưởng đến giá xăng. Tại Việt Nam, giá sắn từ chỗ chỉ khoảng 1.500  - 1.700 đồng/kg, từ khi nhà máy sản xuất ethanol đầu tiên đi vào hoạt động, giá sắn đã lên đến 3.500 đồng/kg, có thời điểm lên đến 4.500 - 5.000 đồng/kg.

Vậy khi các nhà máy sản xuất ethanol đều đi vào hoạt động, nhu cầu nguyên liệu tăng cao, liệu giá sắn có giữ được sự ổn định. Cùng với đó, xăng sinh học không có nhiều nguồn cung cấp như xăng khoáng, liệu có dẫn đến khả năng độc quyền khiến cho người tiêu dùng bị thiệt thòi? 

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nguyên liệu sản xuất ethanol chủ yếu là sắn, với giá tăng cao, trong khi giá dầu thô giảm mạnh từ 147 USD/thùng năm 2008 xuống còn hơn 50 USD/thùng và được nhận định là tiếp tục có hướng giảm. Điều này sẽ khiến cho giá thành ethanol nhiên liệu của các nhà máy trong nước không cạnh tranh được với xăng khoáng. 

Theo Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam Lưu Quang Thái, nguyên liệu sắn chiếm tới hơn 70% giá thành E100 để trộn xăng E5, vì vậy ổn định nguồn cung sắn với giá mua hợp lý là yếu tố quyết định giá E100 của Việt Nam có thể cạnh tranh với E100 nhập khẩu. Khi nhu cầu sắn tăng cao, giá sắn cũng sẽ tăng lên theo, khi đó giá E100 của Việt Nam sẽ tăng cao hơn giá E100 nhập khẩu.

Ngược lại, nếu giá sắn quá thấp, nông dân trồng sắn sẽ không có lãi, dẫn đến thu hẹp sản xuất, căng thẳng nguyên liệu sản xuất cồn. Do vậy, quy định mức giá sàn và giá trần của sắn là biện pháp cần thiết để ổn định nguyên liệu cho sản xuất cồn và bảo đảm lợi ích của nông dân.