Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước:

Sự việc cũ, quyết tâm mới?

NGUYỄN NGUYỄN KHÁNH LINH - Khoa Tài chính doanh nghiệp (Học viện Tài chính)

(Tài chính) Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là câu chuyện được bàn thảo nhiều trong thời gian qua. Vấn đề này sẽ tiếp tục “nóng” hơn trong năm 2014, khi quyết tâm của Chính phủ và các cấp, ngành sẽ biến thành hành động…

Tái cơ cấu DNNN là giải pháp thay đổi căn bản hệ thống động lực nội sinh và tạo áp lực thị trường đầy đủ đối với DNNN. Nguồn: internet
Tái cơ cấu DNNN là giải pháp thay đổi căn bản hệ thống động lực nội sinh và tạo áp lực thị trường đầy đủ đối với DNNN. Nguồn: internet
Chuyển biến mới

Hơn nửa chặng đường của quá trình tái cơ cấu DNNN – một trong 3 trụ cột chính của tái cấu trúc nền kinh tế đã trôi qua. Dù còn ngổn ngang những việc phải làm, nhưng đã có rất nhiều chuyển biến tích cực về mặt số lượng đề án tái cơ cấu được phê duyệt, số DN được tái cơ cấu, khả năng cạnh tranh của các DN từng bước được cải thiện, phù hợp với mục tiêu của đề án… Cũng cần khẳng định, từ năm 2011-2013 là giai đoạn khởi đầu, ngoài việc hoàn thiện, đổi mới và triển khai hàng loạt cơ chế, chính sách thì kết quả ban đầu của tái cơ cấu DNNN là động lực quan trọng cho chặng đường tiếp theo.

Theo báo cáo của Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2013, đã có 83/91 tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) xây dựng đề án tái cơ cấu. Trong đó, có 63 DN đã được phê duyệt đề án, gồm 57 DN thuộc Trung ương, 6 DN thuộc địa phương. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 17 DN, gồm: 8 TĐ (Dệt may Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Than Khoáng sản Việt Nam, Dầu khí Việt Nam, Hoá Chất, Cao su Việt Nam, Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam, Viễn thông Quân đội) và 9 TCT đặc biệt (TCT Giấy, Thuốc lá, Lương thực Miền Bắc, Lương thực Miền Nam, Cà phê, Hàng hải, Hàng không, Đường sắt, Xi măng); Bộ chủ quản phê duyệt 40 DN; UBND cấp tỉnh, thành phố phê duyệt 6 TCT (ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố cũng đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 51 Công ty TNHH MTV trực thuộc). Ngoài ra, có 2 TĐ, TCT đã thực hiện cổ phần hoá có vốn nhà nước nắm cổ phần chi phối đã được bộ chủ quản cho ý kiến thông qua nội dung phương án tái cơ cấu là Tập đoàn Bảo Việt và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.

Trong năm 2013, mặc dù dư chấn của cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn còn ảnh hưởng đến hầu hết các DN nhưng trên 80% DNNN vẫn làm ăn có lãi, chỉ có 11,7% DN thua lỗ. Dù đang trong tiến trình tái cơ cấu, sắp xếp lại bộ máy, nhưng khối DNNN vẫn duy trì mức đóng góp ngân sách nhà nước trong 11 tháng đầu năm chiếm khoảng 32% cho cả năm 2013, cao nhất trong ba khu vực kinh tế.

Hạn chế cũ

Trong ngổn ngang các vấn đề đặt ra cần giải quyết của quá trình tái cơ cấu, những hạn chế, tồn tại làm ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả tái cơ cấu cần được nhìn nhận thẳng thắn, khách quan để có hướng giải quyết.

Theo TS. Trần Tiến Cường – Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực ban đầu của quá trình tái cơ cấu. Tuy nhiên, những kết quả trên chưa chuyển biến về chất trong cơ cấu tổ chức quản lý điều hành, quản lý tài chính, cũng như chất lượng lao động, cán bộ, năng suất, hiệu quả hoạt động của DN...

Còn chuyên gia kinh tế, TS. Bùi Kiến Thành cho rằng, nhìn vào một số DN đã và đang tái cơ cấu cho thấy, các DN này mới chỉ dừng lại ở việc “sáp nhập lại với nhau một cách cơ học”, chuyển giao DN yếu kém của đơn vị này sang cho đơn vị khác quản lý. “Việc tái cơ cấu thời gian qua mới chỉ là việc “thay một tấm áo mới” cho DN mà quên đi cách làm cho chiếc áo đó phù hợp với thực trạng từng DNNN để phát huy một cách cao độ năng lực cũng như lợi thế riêng vốn có của từng DN” – TS. Bùi Kiến Thành nhấn mạnh.

Thực tế, việc xây dựng, triển khai đề án sắp xếp DNNN theo ngành, lĩnh vực kinh doanh không phân biệt cấp, cơ quan quản lý vẫn còn chậm trễ. Cơ chế quản lý DNNN chưa theo kịp với thực tiễn hoạt động của các DN. Việc phân tách giữa nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ công ích chưa rõ ràng, minh bạch; Cơ chế đảm bảo cho các DNNN được giao hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực có mức sinh lời thấp mà khu vực kinh tế tư nhân không muốn hoặc không đủ sức tham gia vào những lĩnh vực cần thiết cho nền kinh tế còn thiếu.

Bên cạnh đó, chức năng đại diện chủ sở hữu còn phân tán, chưa phân định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính trong quản lý, giám sát việc sử dụng vốn, tài sản của DNNN… Những tồn tại trên là lực kéo không nhỏ khiến cho tiến trình tái cơ cấu, đổi mới DNNN bị chậm trễ.

Quyết liệt hơn trong năm 2014

Trong Thông điệp đầu năm gửi đến nhân dân cả nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Năm 2014, phải kiên quyết thực hiện tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả các TĐ, TCT; Thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn mà Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả DN đang kinh doanh có hiệu quả. DNNN chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích. Hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN. Tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu nhà nước. Kiện toàn cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị DN. Thực hiện công khai minh bạch kết quả hoạt động của DNNN theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và không nghiêm túc thực hiện Đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Để đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu DNNN, Bộ Tài chính hiện đã hoàn thiện các phương án về các giải pháp thúc đẩy quá trình tái cơ cấu DNNN báo cáo Chính phủ. Theo đó, muốn hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý DNNN cần xây dựng và ban hành Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước. Qua đó, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ nhằm xác định rõ phạm vi, đối tượng, hình thức và thẩm quyền đầu tư vốn nhà nước vào DN; Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 929/QĐ-TTg…

Có thế khẳng định, tái cơ cấu DNNN không phải là để Nhà nước huy động vốn mà là giải pháp thay đổi căn bản hệ thống động lực nội sinh và tạo áp lực thị trường đầy đủ đối với DNNN. Qua đó, tài sản quốc gia được quản lý và sử dụng hiệu quả hơn, tạo thêm nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế.

Tương tự, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành không phải chỉ là để cắt lỗ, giảm lỗ mà là giải pháp sử dụng cơ chế thị trường để phân bổ lại nguồn lực, làm sống lại một bộ phận nguồn lực hiện đang “chết” ở các TĐ, TCT, đưa chúng quay trở lại sản xuất; Đưa bộ phận nguồn lực còn lại đang thua lỗ hoặc sử dụng kém hiệu quả thành các tài sản được sử dụng có hiệu quả hơn. Ðó mới chính là “thoái vốn” ngoài ngành theo đúng tinh thần và nội dung của tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 1+2 - 2013