Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN: Góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Nghi Thu

(Tài chính) Nhiều ý kiến khẳng định, một khi những nội dung mới trong Dự thảo Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) do Bộ Tài chính đề xuất được Chính phủ và Quốc hội thông qua sẽ có những tác động tích cực tới sự phát triển nền kinh tế của đất nước nói chung và cộng đồng DN nói riêng.

Những đề xuất giảm thuế TNDN của Bộ Tài chính sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi để DN sản xuất kinh doanh
Những đề xuất giảm thuế TNDN của Bộ Tài chính sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi để DN sản xuất kinh doanh

4 năm triển khai, 5 kết quả nổi bật

Luật Thuế TNDN số 14/2008/QH12 được Quốc hội thông qua ngày 3/6/2008 thay thế cho Luật thuế TNDN (sửa đổi) năm 2003, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009. Sau 4 năm thực hiện, có thể thấy 5 kết quả nổi bật, cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế; thực hiện giảm mức thuế chung để DN có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy, tích tụ đổi mới thiết bị, đẩy mạnh đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, Luật Thuế TNDN hiện hành đã hạ mức thuế suất phổ thông từ 28% xuống 25%, được đánh giá là có tính cạnh tranh trong khu vực và thế giới; bỏ quy định thu bổ sung theo biểu luỹ tiến đối với thu nhập từ hoạt động chuyển quyền sử dụng đất, chuyển quyền thuê đất; quy định nguyên tắc xác định các khoản chi được trừ và liệt kê các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN, theo đó, DN được tính vào chi phí được trừ các khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và không nằm trong số các khoản chi không được trừ...

Thứ hai, việc sửa đổi quy định về ưu đãi thuế đã góp phần tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số ít ngành, lĩnh vực quan trọng theo chính sách phát triển của Nhà nước. Luật Thuế TNDN hiện hành chỉ còn 2 mức thuế suất ưu đãi là 10%, 20% trong thời hạn tương ứng 15 năm, 10 năm, đồng thời Luật chỉ tập trung ưu đãi cho một số lĩnh vực ngành nghề mũi nhọn như công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước, sản xuất sản phẩm phần mềm, lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường và địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao...

Thứ ba, góp phần đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN). Từ năm 2009 đến năm 2011, mặc dù nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới và có sự điều chỉnh giảm mức động viên thuế suất từ 28% xuống còn 25% nhưng số thu NSNN về thuế TNDN vẫn bảo đảm tăng trưởng, là một trong những sắc thuế chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu của NSNN, góp phần bảo đảm nguồn thu quan trọng của NSNN, đáp ứng nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng về đầu tư phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng của đất nước. Cụ thể: Trong giai đoạn 2009 – 2012, số thu thuế TNDN (không kể thu từ dầu thô) đạt mức bình quân khoảng 90 nghìn tỷ đồng/năm với mức tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 25%.

Thứ tư, chính sách ngày càng công khai, minh bạch, đơn giản, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan và phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, việc quy định rõ về nguyên tắc xác định chi phí được trừ và quy định cụ thể các khoản chi không được trừ đã góp phần đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch và nâng cao tính chủ động của DN trong thực thi chính sách. Hay như Luật Thuế TNDN 2008 cũng đã bỏ quy định thu bổ sung theo biểu luỹ tiến đối với thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất, quyền thuê đất, đồng thời quy định rõ việc chuyển nhượng cơ sở hạ tầng, công trình trên đất cùng với việc chuyển quyền thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất phải nộp thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản. Quy định này phù hợp với cơ chế giao đất theo giá thị trường theo quy định của Luật Đất đai 2003...

Thứ năm, bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế mà Việt Nam với các tổ chức quốc tế. Luật Thuế TNDN hiện hành áp dụng thống nhất một mức thuế suất phổ thông 25%, áp dụng thống nhất mức ưu đãi thuế đối với tất cả các loại hình DN không phân biệt giữa các thành phần kinh tế trong và ngoài nước; quy định nguyên tắc xác định các khoản chi được trừ và liệt kê các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN; phạm vi áp dụng chỉ điều chỉnh đối với các tổ chức sản xuất, kinh doanh có thu nhập, còn các hộ gia đình, cá nhân kinh doanh có thu nhập thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật thuế thu nhập cá nhân... Theo các chuyên gia kinh tế, các quy định này đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.

Động lực giúp doanh nghiệp phát triển

Có thể thấy, so với Luật hiện hành, thì rất những nội dung đang được Bộ Tài chính kiến nghị trong Dự thảo sửa đổi Luật Thuế TNDN sẽ mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho DN, trong đó phải kể đến: Giảm thuế suất chung từ mức 25% hiện hành xuống còn 23%; riêng DN quy mô vừa và nhỏ (DN sử dụng dưới 200 lao động và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng) được áp dụng mức thuế suất 20%; DN thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội được áp dụng thuế ưu đãi 10% đối với thu nhập từ hoạt động này, không quy định miễn, giảm thuế TNDN; Bổ sung thu nhập từ hoạt động xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản; thu nhập từ hoạt động báo in của cơ quan báo chí vào diện được áp dụng mức thuế suất ưu đãi 10%; thu nhập của tổ chức tài chính vi mô vào diện áp dụng thuế suất 20%...  

Nhiều ý kiến cũng đánh giá cao việc Bộ Tài chính cũng đã bổ sung một số nội dung mới trong việc xác định các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập tính thuế, trong đó có nhiều nội dung mà cộng đồng DN quan tâm như: Bổ sung quy định điều kiện được tính vào chi phí được trừ phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần mà theo quy định của pháp luật phải thanh toán không dùng tiền mặt. Theo các chuyên gia kinh tế, quy định này không chỉ có lợi cho DN mà còn góp phần thực hiện chủ trương lớn thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, đồng thời quản lý kiểm soát thu nhập của các tổ chức.

Hay như việc Bộ Tài chính kiến nghị sửa đổi một số quy định nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính cho DN, như: bỏ quy định về định mức tiêu hao nguyên vật liệu, nhiên liệu; quy định cụ thể một số khoản thu nhập không được ưu đãi thuế, theo đó các khoản thu nhập khác liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh đang được hưởng ưu đãi thuế không được liệt kê sẽ thuộc diện được hưởng ưu đãi thuế...

Với những kiến nghị sửa đổi, bổ sung đó, nhiều ý kiến đều đồng thuận rằng một khi dự án Luật được thông qua sẽ góp phần đưa các quy định về thuế TNDN vào cuộc sống, phù hợp thông lệ quốc tế và đảm bảo quyền lợi cho các DN, đồng thời khắc phục được những tồn tại hiện hành nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới.

Tất nhiên, việc giảm nghĩa vụ thuế cho DN thông qua việc giảm thuế suất chung, giảm mạnh thuế suất áp dụng đối với DN có quy mô nhỏ và vừa tuy trước mắt sẽ làm giảm thu NSNN, song sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo thuận lợi để DN chủ động trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chồng chất hiện nay.

Đồng thời với các quy định mới của Dự thảo luật cho phép DN, cơ quan quản lý thuế kiểm soát, quản lý được các khoản thu - chi của DN, tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của DN và một số nội dung nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính cho DN, như bỏ quy định về định mức tiêu hao nguyên vật liệu, nhiên liệu sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN, cơ quan quản lý và góp phần tăng tính ổn định nguồn thu cho NSNN.