Sửa đổi các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước theo tinh thần đổi mới của Hiến pháp để phục vụ nhân dân

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Một trong những nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ Bảy là Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với các dự án Luật về tổ chức bộ máy Nhà nước. Đánh giá cao công tác chuẩn bị các dự án Luật này, song Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương cũng cho rằng, vẫn có một số quy định theo hướng tăng thêm quyền, thêm bộ máy mà chưa có căn cứ thật xác đáng. Các Luật về tổ chức bộ máy phải tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan Nhà nước phát huy hiệu quả nhất chức năng, thẩm quyền theo quy định của Hiến pháp để phục vụ Nhân dân tốt hơn. Vì vậy, việc tiếp thu, chỉnh lý các dự án Luật này tới đây cần bảo đảm tinh thần này.

Đoàn đại biểu Quốc hội cần phải trở thành "cánh tay nối dài" của Quốc hội. Nguồn: internet
Đoàn đại biểu Quốc hội cần phải trở thành "cánh tay nối dài" của Quốc hội. Nguồn: internet
Phóng viên: Phó trưởng Đoàn đánh giá như thế nào về Kỳ họp thứ Bảy của Quốc hội?

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương: Kỳ họp thứ Bảy diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, chủ quyền quốc gia bị đe dọa do việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Trong hơn một tháng nghị sự của Quốc hội, Trung Quốc liên tiếp có các hành vi gây hấn với lực lượng chấp pháp và ngư dân Việt Nam trên vùng biển Việt Nam có đầy đủ quyền chủ quyền và quyền tài phán. Vì thế, không chỉ lòng dân muôn người như một hướng về Biển Đông mà tại nghị trường của Quốc hội, các vấn đề liên quan đến Biển Đông đã được đưa ra thảo luận rất kỹ.

Chúng ta thấy, ngay trong ngày khai mạc Kỳ họp, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông, chủ trương và giải pháp của Việt Nam. Và ngay ngày làm việc thứ hai của Quốc hội, sau khi dành thời gian thảo luận tại 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã ra một thông cáo báo chí khẳng định rõ quan điểm, lập trường của Quốc hội về tình hình phức tạp trên Biển Đông. Thông cáo báo chí này được cử tri, nhân dân cả nước và dư luận thế giới đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao. Quốc hội cũng đã thông qua kênh ngoại giao nghị viện, kêu gọi sự ủng hộ của nghị viện và các quốc gia trên thế giới trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam.

Ngay trong Kỳ họp này, Quốc hội đã quyết định dành 16.000 tỷ đồng trong số vượt thu ngân sách Nhà nước năm 2013 để hỗ trợ lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển và ngư dân; dành 10.000 tỷ đồng từ các ngân hàng hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ sắt, giúp ngư dân vững vàng trước đầu sóng, ngọn gió, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia. Quốc hội cũng đã thảo luận cặn kẽ về các giải pháp phát huy nội lực, nâng cao tiềm lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta nhằm hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào quốc gia khác. Tất nhiên, không phải vì việc Trung Quốc liên tục có các hành vi gây hấn trên Biển Đông, Quốc hội mới bàn vấn đề này.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng đã xác định rất rõ quan điểm của chúng ta là xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ đồng thời chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Trong quá trình đó, Cương lĩnh nêu rõ: toàn Đảng, toàn dân nêu cao ý chí tự lực, tự cường, phát huy mọi tiềm năng và trí tuệ. Như vậy, chúng ta đã xác định nguồn lực bên ngoài hỗ trợ là rất quan trọng, nhưng nguồn lực bên trong mới là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, sự tương thuộc trong mối quan hệ giữa các quốc gia là điều bình thường, không thể nói quốc gia này có thể tách hoàn toàn ra khỏi mối quan hệ với quốc gia khác. Việt Nam – Trung Quốc là hai nước láng giềng. Đây là điều không thể thay đổi. Diễn biến phức tạp trên Biển Đông là điều chúng ta không mong muốn, nhưng cũng là dịp để chúng ta nhận thức rõ hơn về những thách thức đang phải đối mặt để từ đó nâng cao hơn nữa ý thức tự lực, tự cường, phải dựa vào sức của mình là chính.

Trong công tác lập pháp, Quốc hội cũng đã thảo luận một loạt các dự án Luật nhằm đổi mới thể chế kinh tế. Các dự án Luật này sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao nội lực của nền kinh tế.

Nhìn lại Kỳ họp thứ Bảy, tôi cho rằng, trước một vấn đề rất nóng như Biển Đông nhưng Quốc hội đã bình tĩnh, sáng suốt và đã làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao. Vì thế, tôi tin rằng, Quốc hội đã đáp ứng được mong muốn của cử tri và nhân dân.

Như Phó trưởng Đoàn đã nêu, Quốc hội đã thảo luận một loạt các dự án Luật nhằm đổi mới thể chế kinh tế, đây cũng là nội dung trọng tâm thu hút sự quan tâm của dư luận cử tri trong suốt thời gian diễn ra Kỳ họp. Phó trưởng Đoàn có nhận xét như thế nào về các dự án Luật này?

Tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội đã thông qua và cho ý kiến với một số dự án Luật nhằm đổi mới thể chế kinh tế như: dự án Luật Đầu tư công, dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh... Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận kỹ và chỉ rõ những vấn đề cần tiếp tục hoàn chỉnh của các dự án Luật.

Tôi tin, nếu thực thi nghiêm túc các quy định của luật thì sẽ tác động tích cực đến việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nước ta. Ví dụ, Luật Đầu tư công được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này sẽ tạo cơ chế đột phá cho quá trình tái cơ cấu đầu tư công – một trong ba lĩnh vực trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế hiện nay. Luật đã đưa ra nhiều quy định bảo đảm công khai, minh bạch việc đầu tư các nguồn vốn của Nhà nước.

Đặc biệt, Luật đã đề cao vai trò giám sát của người dân đối với quá trình đầu tư công; quy định cụ thể hơn về việc xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan đến chương trình, dự án đầu tư công với các hình thức xử lý rất rõ gồm: kỷ luật, xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường cho thiệt hại đã gây ra. Luật cũ quy định chung chung xử lý theo quy định của pháp luật, khiến người ta có tâm lý, nếu có vi phạm xảy ra thì cũng chỉ bị xử lý nội bộ. Với các quy định cụ thể, rõ ràng của Luật mới, các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý tùy theo mức độ và người vi phạm phải bồi thường cho thiệt hại đã gây ra. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công. Khi hiệu quả đầu tư công tốt sẽ tạo tác động lan tỏa đến đầu tư của các thành phần kinh tế khác, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư của cả nền kinh tế.

Kỳ họp thứ Bảy cũng là Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh các luật về kinh tế, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu với 3 dự án luật về tổ chức bộ máy Nhà nước. Phó trưởng Đoàn thấy các dự luật này như thế nào?

Hiến pháp năm 2013 đã có một số sửa đổi, bổ sung về chức năng, thẩm quyền của các cơ quan nhằm bảo đảm nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan thự hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Để cụ thể hóa Hiến pháp, thì tại Kỳ họp này, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)... Đây là các dự án Luật về tổ chức của các cơ quan lập pháp và tư pháp. Nhìn chung, các dự án Luật này đã được chuẩn bị khá công phu. Nhưng qua thảo luận thì thấy cũng còn nhiều vấn đề cần tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý.

Ví dụ, dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và dự án Luật Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi), tôi thấy, có một số quy định đã mở rộng thẩm quyền so với quy định của Hiến pháp năm 2013, cũng như có nguy cơ làm tăng bộ máy, nhân sự. Quốc hội không khắt khe việc tăng bộ máy, nhân sự nếu như giúp bộ máy công quyền hoạt động hiệu quả hơn, phục vụ dân tốt hơn. Nhưng việc thành lập bộ phận mới, tăng thẩm quyền hay tăng nhân sự không có đủ cơ sở lý luận, phù hợp với điều kiện thực tế thì Quốc hội không thể chấp thuận. Dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi) chẳng hạn, nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình với việc thành lập Viện Kiểm sát nhân dân khu vực, vì chưa đủ cơ sở lý luận và thực tiễn.

Tăng bộ máy, tăng thẩm quyền để tạo thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý, điều này có lẽ cũng thường xảy ra trong quá trình soạn thảo các dự án luật, thưa Phó trưởng Đoàn?

Thực ra, trong quá trình họp Quốc hội, tôi cũng nhận được một số cuộc điện thoại nhờ ủng hộ việc này, việc kia. Nhưng tôi cũng nói rõ: khi tôi đi tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp, nhiều cử tri cũng đã nêu đồng tình với vấn đề này, không đồng tình với vấn đề kia. Những việc dân không đồng tình thì đại biểu Quốc hội cũng không thể nói khác ý chí của dân, không thể nể cơ quan soạn thảo được. Sau Kỳ họp, chúng tôi phải báo cáo, giải trình với cử tri về những ý kiến, quyết định của mình trong Kỳ họp nên đại biểu Quốc hội phải trách nhiệm và công tâm. đại biểu Quốc hội chỉ có thể ủng hộ được nếu như nội dung đó đúng với tâm tư, nguyện vọng của dân, đáp ứng được thực tiễn đất nước đang đặt ra.

Sửa đổi các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước lần này, mục tiêu quan trọng nhất là để cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp phát huy hiệu quả nhất chức năng, thẩm quyền của mình, theo đúng tinh thần của Hiến pháp, để từ đó, phục vụ Nhân dân tốt hơn chứ không thể tạo thuận lợi cho riêng cơ quan nào được.

Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội cũng đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Theo Phó trưởng Đoàn, các nội dung sửa đổi lần này đã đáp ứng được yêu cầu hay chưa?

Tôi cho rằng, Quốc hội muốn phát huy được vai trò là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân cả nước, là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất thì các tổ chức của Quốc hội, từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội phải rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.

Sửa đổi Luật lần này là cơ sở quan trọng để tiếp tục xây dựng một Quốc hội chuyên nghiệp và thực quyền hơn. Để thực hiện mục tiêu này, các quy định về thẩm quyền, chức năng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội được quy định trong dự thảo Luật phải thể hiện cụ thể và rõ hơn tính chất của một cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất cho cử tri. Ví dụ, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nếu Quốc hội chưa quyết thì không được làm.

Vừa qua, chúng ta còn tình trạng du di, có những việc các cơ quan chức năng đã làm rồi nhưng do thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên vẫn đưa ra Quốc hội biểu quyết, tức là đặt Quốc hội vào tình trạng đã rồi, vì đã làm rồi nên đại biểu Quốc hội đành phải biểu quyết. Nếu không khắc phục tình trạng này thì trong một số lĩnh vực, hoạt động của Quốc hội sẽ hình thức. Quyết định về ngân sách chẳng hạn. Vừa qua, có những khoản đã chi rồi nhưng quyết toán ngân sách là thẩm quyền của Quốc hội nên Quốc hội cũng vẫn phải biểu quyết. Hơn nữa, có những con số đưa ra, nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn nhưng cũng khó có thể đánh giá chính xác vì không có chuyên môn sâu về lĩnh vực này. Vậy thì tại sao, sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội lần này, Quốc hội không làm mạnh chỗ này?

Quốc hội có thể tách Ủy ban Tài chính – Ngân sách để có 1 cơ quan chuyên trách của Quốc hội chỉ tập trung vào dự toán ngân sách, quyết toán ngân sách và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về bản dự toán, quyết toán này được không? Điều này hoàn toàn có thể làm được. Ủy ban chuyên môn này sẽ tập hợp những đại biểu Quốc hội có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn để đánh giá chính xác từng khoản chi, khoản thu của ngân sách. Hay chúng ta có đưa ra những quy định nhằm đầu tư mạnh hơn cho bộ máy tham mưu, giúp việc cho Quốc hội trong việc xem xét dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm được không? Hay quy định về Đoàn đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật chưa đưa ra được quy định mới nào. Đoàn đại biểu Quốc hội vẫn giữ mô hình là một hình thức tập hợp của các đại biểu Quốc hội, không xác định rõ được địa vị pháp lý như thế nào. Thực tế vừa qua cho thấy, quy định như vậy rất khó cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội.

Theo tôi, nên xác định Đoàn đại biểu Quốc hội như là một bộ phận của Quốc hội, có tính độc lập tương đối ở địa phương; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn đại biểu Quốc hội, nhất là thẩm quyền giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật tại địa phương. Có như vậy, Đoàn đại biểu Quốc hội mới có thể trở thành cánh tay nối dài của Quốc hội.

Tôi cho rằng, nếu làm được những việc như đã nêu ở trên thì sẽ có tác dụng tốt nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Xin cám ơn Phó trưởng Đoàn!