Sửa đổi Luật thuế Thu nhập cá nhân cần tính cân đối các nguồn lực

Minh Anh (HQ Online).

Bên hành lang Quốc hội, trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Đinh Văn Nhã cho biết, khi tính toán điều chỉnh các sắc thuế, cùng với việc tính đến quyền lợi của người dân thì phải tính đến cân đối nguồn lực.

Sửa đổi Luật thuế Thu nhập cá nhân cần tính cân đối các nguồn lực
Ông Đinh Văn Nhã:Các Đại biểu QH cần cân nhắc kỹ thời điểm áp dụng Luật thuế TNCN sửa đổi, bổ sung.

Ông nhận xét như thế nào về việc nâng mức giảm trừ gia cảnh theo đề xuất của Chính phủ trong Luật thuế TNCN sửa đổi lần này?

Theo nguyên tắc, Thuế TNCN phải tính từ thu nhập đầu tiên để nộp thuế. Ủy ban Tài chính- Ngân sách rất băn khoăn về vấn đề mức giảm trừ gia cảnh sao cho phù hợp. Ngay từ tiếp cận văn bản đầu tiên của Chính phủ, chúng tôi cũng đã vì số đông quyền lợi của nhân dân. Tuy nhiên, khi tính toán chúng ta phải cân đối nguồn lực. Nguồn lực của chúng ta hạn hẹp, nếu giảm đột ngột sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu.

Một trong những vấn đề quan trọng trong chính sách thuế đang theo xu hướng tăng thuế trực thu trong tổng thu ngân sách Nhà nước trong điều kiện thuế giá thu giảm. Đây là xu hướng nhưng theo Chính phủ trình thì có thể nói lùi một bước rất nhỏ trong tiến trình cải cách thuế. Tất nhiên là có những điều kiện khách quan trong khi nền kinh tế của chúng ta người dân có thu nhập chưa cao so với mức sống hàng ngày.

Đây là vấn đề trong tương lai phải tính đến. Hy vọng là kinh tế phát triển, thu nhập người dân tăng thì mức độ giảm người đóng thuế chỉ giảm trong 1-2 năm đầu với mức gia cảnh như hiện nay và có thể khi điều kiện kinh tế phát triển thì số người nộp thuế sẽ đông hơn.

Có ý kiến cho rằng, nếu tăng mức giảm trừ gia cảnh thì Luật thuế TNCN sẽ trở thành thuế thu nhập cao. Quan điểm của ông ra sao?

Có quá ít người có thu nhập phải đóng thuế, tôi cũng nghe có ý kiến đề nghị nên thay đổi tên thuế. Nếu là gọi là thuế thu nhập cao cũng phù hợp.

Tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ QH, Ủy ban Tài chính- Ngân sách có đề nghị giảm mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu (đề nghị của Chính phủ) xuống còn 7 triệu và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 2,8 triệu đồng. Tại sao Ủy ban không bảo lưu ý kiến đó khi trình QH lần này, thưa ông?

Phương án ban đầu mức giảm trừ gia cảnh người độc thân có thu nhập 7 triệu đồng/tháng  sau tăng lên 9 triệu là do tính toán kỹ hơn và cân đối tất cả các dự báo để đảm bảo đáp ứng dư luận xã hội. 9 triệu hay 7 triệu chênh nhau không cao lắm, vấn đề ở chỗ do nhận thấy tình hình kinh tế khó khăn, nếu tạo động lực bằng một kích thích nhỏ thì tác động lan tỏa lớn hơn.

Khi đã điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh thì có nên giãn các bậc thuế không, thưa ông?

Với mức giảm trừ gia cảnh cao như hiện nay thì tính điều tiết thuế thu nhập sẽ giảm đi. Nếu tiếp tục giãn các bậc thuế thì hụt thu ngân sách sẽ giảm cao hơn con số dự báo của Chính phủ là từ 12- 14 nghìn tỷ đồng/năm. Chúng ta phải đảm bảo hợp lý cho người lao động nhưng cũng phải đảm bảo nguồn thu ngân sách không bị giảm quá mức.

Vấn đề là các đại biểu QH cần cân nhắc rất kỹ khi biểu quyết về hiệu lực thực hiện của Luật thuế Thu nhập cá nhân. Nếu thực hiện từ 1-1-2013 thì ngân sách sẽ mất 13 nghìn tỷ đồng thay vì thực hiện từ 1-7-2013 sẽ mất khoảng 5,5 nghìn tỷ đồng. Tôi nghĩ hợp lý nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay thì cân đối ngân sách, chi cho an sinh xã hội, nguồn chi cho tăng lương… thì áp dụng từ 1-7-2013 là phù hợp. Tôi tin đa số đại biểu sẽ đồng ý phương án này.

Xin cảm ơn ông!